Mỗi người dân cần nâng cao ý thức

22/01/2024 - 06:41

PNO - Năm nào cũng vậy, tết là lúc lượng rác thải ở TPHCM phát sinh gấp rưỡi, gấp đôi ngày thường. Trong lúc người dân cả nước được nghỉ ngơi để vui xuân, đón tết, những người làm công tác thu gom, vận chuyển rác thải phải căng mình làm việc cả ngày lẫn đêm để giữ cho phố xá sạch, đẹp.

Đêm giao thừa tết Quý Mão 2023, lượng rác thải ở TPHCM lên đến 18.000-20.000 tấn, gấp đôi ngày thường, hàng ngàn công nhân phải làm việc xuyên đêm. Rạng sáng 1/1/2024, sau sự kiện bắn pháo hoa kéo dài 15 phút chào đón tết dương lịch, rác thải vương vãi khắp khu trung tâm quận 1.

Mỗi ngày thường, cư dân TPHCM thải ra 9.000-10.000 tấn rác sinh hoạt, trong đó có trên 1.800 tấn rác thải nhựa nhưng chỉ có 200 tấn được thu gom. Rác thải nhựa xuất hiện ở khắp mọi không gian công cộng, từ đường chính, hẻm nhỏ cho tới sông, kênh, rạch. 

Từ năm 2018, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã ban hành Chỉ thị 19-CT/TU triển khai cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch, xanh và thân thiện môi trường”. Từ đó đến nay, UBND TPHCM cũng ban hành và triển khai 4 kế hoạch về tăng cường quản lý chất thải rắn, giảm sản phẩm nhựa dùng 1 lần.

Tuy vậy, giải pháp căn cơ, lâu dài vẫn là triển khai đồng bộ việc phân loại rác tại nguồn và xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhà đầu tư áp dụng công nghệ tiên tiến để xử lý và tái chế rác thải, từ đó giảm ô nhiễm môi trường, hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững.

Theo đồ án “Quy hoạch xử lý chất thải rắn TPHCM đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050” do Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM soạn thảo, lượng rác sinh hoạt của TPHCM vào năm 2025 sẽ là 13.000 tấn/ngày và vào năm 2030 sẽ là 16.600 tấn/ngày. Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2022 đã yêu cầu TPHCM nâng tỉ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ mới hiện đại (đốt rác phát điện) và tái chế đạt ít nhất 80% vào năm 2025, hướng tới đạt 100% vào năm 2030.

30 năm trước, Hàn Quốc cũng quá tải rác thải như TPHCM hiện nay, với 96% rác thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp. Thế nhưng, nhờ phân loại và xử lý tốt, tỉ lệ rác thải đem chôn lấp của quốc gia này hiện chỉ còn 8 - 10%. Nếu phân loại tại nguồn tốt, lượng rác vô cơ sẽ được tái chế, còn lượng rác hữu cơ sẽ thành phân bón, khí đốt. Việc xử lý tốt đầu ra của rác sẽ gián tiếp thúc đẩy người dân có ý thức phân loại rác tại nguồn để tận dụng tối đa nguồn tài nguyên này. 

Phân loại rác tại nguồn không chỉ giúp giảm đáng kể lượng rác cần xử lý mà còn đem lại nguồn lợi rất lớn. Theo Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), mỗi năm, Việt Nam tiêu thụ khoảng 3,9 triệu tấn nhựa nhưng chỉ khoảng 33% số đó được tái chế, phần còn lại bị thải bỏ, dẫn đến lãng phí gần 3 tỉ USD.

Trong khi chờ hoàn thiện quy trình phân loại và hệ thống thu gom, xử lý, tái chế rác thải, các cơ quan hữu trách cần tuyên truyền, khuyến khích người dân phân loại rác tại nguồn, tích cực tham gia các hoạt động giữ vệ sinh nơi mình đang sinh sống, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa, túi ni lông khó phân hủy.

Giữ gìn vệ sinh nơi mình sống, nơi công cộng là để tốt cho chính mình và gia đình mình. Mỗi người dân cần ý thức điều đó. Như tết này, mỗi người hãy làm sạch nhà, sạch ngõ, tự phân loại rác và bỏ rác đúng nơi quy định, hạn chế dùng sản phẩm nhựa xài 1 lần. 

Phương Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI