Mở rộng hỗ trợ doanh nghiệp tư mở trường học, bệnh viện, khu vui chơi

16/05/2025 - 13:43

PNO - Góp ý vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, ĐBQH Nguyễn Anh Trí đề xuất mở rộng hỗ trợ doanh nghiệp tư mở trường học, bệnh viện, khu vui chơi.

ĐBQH Trần HOàng Ngân
ĐBQH Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh phải có hỗ trợ đặc biệt để phấn đấu đến năm 2030 đạt chỉ tiêu 2 triệu doanh nghiệp - Ảnh: Media Quốc hội

Ngày 16/3, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) chia sẻ, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển KTTN có ý nghĩa rất quan trọng, đặc biệt là tại thời điểm đất nước đang chuẩn bị bước vào giai đoạn kỷ nguyên mới - kỷ nguyên tăng tốc phát triển.

Trong đó, kinh tế tư nhân đang chiếm tỉ trọng rất lớn trong cơ cấu nền kinh tế, với khoảng 51% GDP, đóng góp hơn 33% tổng thu ngân sách, đặc biệt quyết định đến 55% tổng vốn đầu tư xã hội.

Chính vì vậy, theo ĐBQH, cần có thêm nhiều cơ chế để hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển, để khu vực kinh tế này phát huy vai trò là động lực quan trọng trong nền kinh tế.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh, để đạt chỉ tiêu đặt ra đến năm 2030 Việt Nam có 2 triệu doanh nghiệp, phải có giải pháp hỗ trợ thật đặc biệt cho hộ kinh doanh cá thể để chuyển sang loại hình doanh nghiệp.

Một điểm đáng chú ý khác là phải phân định rõ trách nhiệm của pháp nhân với trách nhiệm cá nhân, giữa trách nhiệm hình sự với trách nhiệm hành chính, giữa trách nhiệm hành chính với trách nhiệm dân sự. Muốn vậy, Chính phủ cần rà soát lại toàn bộ các quy định pháp luật có liên quan để có sự đồng bộ.

Cũng theo ông, các địa phương cần tạo cơ chế về đất đai để mở rộng các khu công nghiệp, sau đó cho doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa thuê với giá thuê ưu đãi.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí đề xuất trong hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, cần quan tâm tới các đơn vị mở trường học, bệnh viện, khu vui chơi dịch vụ... - ảnh: Media Quốc hội
ĐBQH Nguyễn Anh Trí đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp mở trường học, bệnh viện, khu vui chơi - Ảnh: Media Quốc hội

Góp ý vào dự thảo, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) nêu, hỗ trợ tiếp cận đất đai mặt bằng sản xuất là nội dung rất quan trọng doanh nghiệp. Ông đề xuất bổ sung mở rộng đối tượng được hỗ trợ, không chỉ cho khu công nghiệp, cụm công nghiệp vườn ươm công nghiệp mà nên mở rộng cho các bệnh viện, trường học, khu dịch vụ vui chơi, chợ... của doanh nghiệp tư nhân.

Ông cũng đề nghị địa phương có trách nhiệm hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân trong công tác đền bù giải tỏa để sớm có đất sạch, thực hiện dự án đã phê duyệt. Quy định này rất cần thiết để giúp cho hàng trăm, thậm chí hàng ngàn dự án nhỏ, diện tích đất được phê duyệt khoảng dưới 55ha. Đây là vấn đề đang rất vướng.

Làm rõ thêm các góp ý của đại biểu, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng, dự thảo nghị quyết nêu chương trình hỗ trợ để có các doanh nghiệp vừa và lớn, tập đoàn kinh tế tư nhân quy mô khu vực, các nguồn lực sẽ được đánh giá để thực hiện khả thi.

Chính sách thuế phí được xây dựng trên tinh thần “nuôi dưỡng nguồn thu”. Theo ông Nguyễn Văn Thắng, trong thời gian ngắn có thể giảm nguồn thu, nhưng về dài hạn các chính sách này giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách.

Về vấn đề bỏ thuế khoán với hộ kinh doanh từ ngày 1/1/2026, nhiều đại biểu lo ngại sẽ tạo gánh nặng tuân thủ khi họ phải kê khai, đăng ký thuế… Tư lệnh ngành tài chính khẳng định việc này là chủ trương đúng đắn, tạo bình đẳng, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp.

Bộ Tài chính đang thí điểm chính sách này tại một số địa bàn, nhận thấy chính sách này hiệu quả, cần được chính thức triển khai sớm. Bộ cũng đang chỉ đạo cơ quan thuế, hướng dẫn các hộ kinh doanh đăng ký, kê khai thuế, tăng ứng dụng công nghệ, hạ tầng vật chất… để giảm gánh nặng chi phí, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi.

Về quy định thanh, kiểm tra tối đa 1 lần trong năm với doanh nghiệp, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói việc này nhằm hướng tới giảm thanh, kiểm tra trực tiếp, chuyển mạnh từ tiền kiểm, hậu kiểm và không làm giảm hiệu lực quản lý Nhà nước, không cản trở hoạt động của doanh nghiệp cũng như không hạn chế thanh, kiểm tra. Bởi trường hợp doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, các cơ quan vẫn có quyền thanh tra, kiểm tra đột xuất.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI