Kỳ lạ lối nghĩ "Bán xăng cho phụ nữ là tội ác"

16/05/2025 - 06:00

PNO - Những sự cố giao thông do phụ nữ gây ra thường bị thổi phồng quá mức. Nhóm thổi phồng này lại chính là các đấng nam nhi.

Cấp giấy phép cho phụ nữ là tội ác? - Ảnh minh họa: Shutterstock
Sẽ tới lúc mọi phụ nữ đều phải lái xe hơi như hiện nay đi xe máy - Ảnh minh họa: Shutterstock

Dưới những bài đăng trên mạng xã hội về tai nạn xe cộ do các tay lái nữ, không khó bắt gặp những bình luận kỳ thị giới tính nhắm vào phái nữ đại loại như “bán xăng cho phụ nữ là tội ác“, “cấp giấy phép lái xe cho phụ nữ là tội ác”, “phụ nữ chạy xe ngáo ngơ lắm”, “phụ nữ chỉ nên ở nhà nội trợ và… đẻ thôi”…

Vào trang cá nhân của những người có bình luận khiếm nhã như thế, tôi thấy có những người trông đạo mạo, trí thức. Nhưng tôi nghĩ, có lẽ họ chưa có điều kiện ra nước ngoài để thấy phụ nữ từ trẻ đến già lái xe hơi từ bao đời nay là điều rất bình thường, như phụ nữ Việt Nam lâu nay lái xe gắn máy vậy.

Cách suy nghĩ của những người đàn ông mang tư tưởng xem thường phụ nữ còn cho thấy họ thiếu hụt kiến thức xã hội nghiêm trọng. Bởi một người bình thường cũng nhận ra, tỷ lệ đàn ông gây tai nạn giao thông luôn cao hơn phụ nữ rất nhiều. Có điều, không hiểu vô tình hay cố ý mà những sự cố do phụ nữ gây ra thường bị dư luận thổi phồng quá mức.

Từng có mặt ở Mỹ vào dịp 8/3, tôi nhận ra là người Mỹ không có hoạt động gì để kỷ niệm, không có cờ hoa, khẩu hiệu gì tung hô rầm rộ vào ngày này. Đàn ông không có cử chỉ đẹp gì đặc biệt cho “một nửa thế giới” của mình vào ngày 8/3 đã đành, hàng quán, cửa hiệu, trung tâm thương mại… tất thảy đều chẳng có hoạt động gì chào đón ngày 8/3.

Phép lịch sự tối thiểu trong cách xã giao hàng ngày cũng như sự bình đẳng giới tính đã mặc định vai trò, quyền được tôn trọng cũng như vị thế của phụ nữ trong xã hội là ngang hàng với đàn ông nên các quý ông, anh “tự giác” tôn trọng phụ nữ mà chẳng cần lời kêu gọi, nhắc nhở nào.

Phụ nữ ở Mỹ chẳng cần những ngày tôn vinh giới nào để thấy mình có giá trị và vì vậy, họ chẳng mong đợi những lời chúc tụng hay món quà nào vào ngày này. Nhờ đó, họ chẳng thất vọng khi “ai đó” lỡ quên chúc mừng hay tặng quà cho họ. Họ tự tin mình ngang hàng với “phe kia” khi mà ngày nào họ cũng được tôn trọng như nhau.

Chúng ta có những ngày tôn vinh phụ nữ như quốc tế phụ nữ 8/3, ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 và vô số khẩu hiệu tuyên truyền đề cao vai trò của phụ nữ trong xã hội. Tuy nhiên, tất cả sẽ chỉ dừng lại ở tính hình thức, khẩu hiệu suông nếu xã hội vẫn tồn tại những người đàn ông cho phép mình “dạy” vợ bằng nắm đấm, bằng những câu chửi thề thô tục và thái độ miệt thị, khinh thường, hay dễ dàng đưa quan điểm "bán xăng cho phụ nữ là tội ác".

Thử nghĩ xem, đàn ông mà miệt thị, coi thường phụ nữ như những cái nick mang-tên-đàn-ông mà tôi hay bắt gặp trên mạng là đáng mặt đàn ông chưa?! Không ít đàn ông ra ngoài sợ sếp, sợ khách hàng, sợ đối tác, sợ bạn bè... nhưng bất cứ khi nào có cơ hội cười cợt phụ nữ, họ sẽ tận dụng.

Một nội dung được tranh luận sôi nổi trên một diễn đàn xe hơi (ảnh: Facebook)
Một nội dung được tranh luận sôi nổi trên một diễn đàn xe hơi (nguồn ảnh: Facebook)

Nên chăng giáo dục để có được xã hội bình đẳng giới - ngoài sự nghiêm minh của pháp luật - cần bắt đầu từ gia đình, tế bào nhỏ nhất của xã hội, nơi hình thành nhân cách và đạo đức, khi những bài học làm người đầu tiên tác động trực quan đến nhận thức đứa trẻ.

Chúng ta không cần dạy những đứa bé trai đề cao phụ nữ, chỉ cần dạy chúng cư xử bình đẳng, tôn trọng người khác, dù họ mang giới tính gì.

Lê Thị Ngọc Vi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI