Bỏ cấp bằng tốt nghiệp THCS là phù hợp xu thế

16/05/2025 - 06:15

PNO - Một trong những điểm mới tại dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đang thu hút sự quan tâm của phụ huynh, học sinh, nhà trường… là đề xuất bỏ cấp bằng tốt nghiệp THCS. Thay vào đó, hiệu trưởng trường học cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THCS, thông qua học bạ.

Giảm thủ tục hành chính

Bộ GD-ĐT cho rằng, bằng tốt nghiệp THCS hiện nay không còn nhiều giá trị sử dụng thực tế. Đa số học sinh sau lớp Chín tiếp tục học lên THPT, học nghề hoặc trung cấp mà không cần đến tấm bằng này. Do đó, việc chuyển sang cấp giấy chứng nhận sẽ giúp giảm chi phí in ấn, giảm thủ tục hành chính và phù hợp xu hướng tinh gọn bộ máy. Việc trao quyền xác nhận hoàn thành chương trình cho hiệu trưởng nhà trường được coi là cụ thể hóa định hướng quản trị hiện đại.

Học sinh tốt nghiệp THCS, chờ thi vào lớp Mười tại điểm thi Trường THCS Ngô Tất Tố (quận Phú Nhuận, TPHCM) năm 2024 - ẢNH: TRANG THƯ
Học sinh tốt nghiệp THCS, chờ thi vào lớp Mười tại điểm thi Trường THCS Ngô Tất Tố (quận Phú Nhuận, TPHCM) năm 2024 - ẢNH: TRANG THƯ

Ngoài ra, việc bỏ cấp bằng tốt nghiệp THCS cũng là sự tiệm cận thông lệ quốc tế. Nhiều quốc gia như Mỹ, Anh, Úc, Canada, Phần Lan... chỉ cần xác nhận của hiệu trưởng về kết quả học tập để phân luồng hoặc chuyển tiếp lên bậc học cao hơn.

Đề xuất này nhận được sự đồng thuận từ nhiều phụ huynh và nhà trường. Chị Xuân Mai (phụ huynh có con học lớp Tám tại huyện Hóc Môn, TPHCM) cho biết: “Xác định đi học là phải hết lớp Mười hai, nên chỉ cần 1 tấm bằng là đủ. Hệ thống số hóa - nếu đồng bộ thì vẫn có thể tra cứu khi cần”.

Từ góc độ nhà trường, bà Bùi Thị Minh Tâm - Hiệu trưởng Trường THCS Âu Lạc (quận Tân Bình, TPHCM) - cho rằng, việc bỏ bằng tốt nghiệp THCS sẽ giúp giảm rất nhiều khâu trung gian. Hiện tại, quy trình cấp bằng khá rườm rà và không mang thêm thông tin gì ngoài kết quả đã có trong học bạ.

Tương tự, bà Cao Thị Lan Phương - Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Tuấn (quận 7, TPHCM) - nhận định, sau khi ra trường hơn 1 năm, học sinh mới quay lại trường nhận bằng tốt nghiệp. Trường thông báo và trao bằng cho học sinh, sau đó định kỳ báo cáo về cấp trên. Trong khi hiện nay, việc quản lý không còn thực hiện trên hồ sơ giấy mà quản lý số nên việc bỏ cấp bằng sẽ giúp đơn giản thủ tục hành chính hơn rất nhiều.

Việc tra cứu trực tuyến trên hệ thống cần thuận lợi

Hiện nay, trong nhiều hồ sơ hành chính như xét tuyển học nghề, trung cấp, hay xác minh trình độ tại địa phương, bằng tốt nghiệp THCS vẫn được sử dụng như một căn cứ pháp lý. Bà Cao Thị Lan Phương góp ý: “Về mặt học lực, học bạ đã ghi rõ hoàn thành chương trình THCS. Tuy nhiên, việc cấp một giấy xác nhận cụ thể, có thể tra cứu được, vẫn cần thiết để chứng minh trình độ khi cần”.

Cô Hà Thị Huệ - giáo viên tại tỉnh Yên Bái - cho hay: “Không phải học sinh nào cũng học hết lớp Mười hai. Với đa số học sinh miền núi, bằng tốt nghiệp lớp Chín là một cột mốc quan trọng, là niềm tự hào và động lực phấn đấu của các em và gia đình”.

Theo cô Huệ, nếu bỏ cấp bằng tốt nghiệp THCS, thì nên có hệ thống dữ liệu trực tuyến, cho phép học sinh và các đơn vị liên quan có thể tra cứu bảng điểm, giấy chứng nhận online từ cổng dữ liệu quốc gia một cách thuận lợi.

Bà Trần Thu Hằng - Hiệu trưởng Trường THCS Tả Ngài Chồ (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) - nhận định, bỏ cấp bằng tốt nghiệp THCS là bước đi tích cực, góp phần loại bỏ những yếu tố mang tính hình thức. Đồng thời hướng đến mục tiêu thực chất hơn trong quản lý và đánh giá chất lượng học sinh.

Tuy vậy, để chính sách này phát huy hiệu quả, việc truyền thông rõ ràng về giá trị thay thế của học bạ là điều cần thiết, nhằm tạo sự đồng thuận từ phụ huynh và toàn xã hội. Bên cạnh đó, các quy định liên quan đến xác nhận kết quả học tập cũng cần được siết chặt, phòng tránh các hành vi tiêu cực mới có thể phát sinh.

“Để triển khai đồng bộ và hiệu quả, cần có hạ tầng kỹ thuật số đáng tin cậy, đặc biệt là hệ thống dữ liệu học tập cho phép tra cứu và xác minh nhanh chóng. Ngoài ra, việc phân quyền cho nhà trường phải đi kèm cơ chế kiểm tra, giám sát rõ ràng, nhằm đảm bảo quá trình xác nhận kết quả học tập không trở thành kẽ hở cho những hành vi không minh bạch” - bà Trần Thu Hằng nêu.

Uông Ngọc - Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI