Kịch Tình yêu Stockholm: Khi yêu thương biến thành xiềng xích

16/05/2025 - 06:30

PNO - Tình yêu Stockholm là vở kịch hình thể do đạo diễn John Andrew Cunnington (Anh) dàn dựng từ kịch bản của Bryony Lavery - một trong những tác giả tiêu biểu của sân khấu đương đại Anh Quốc.

Hình thức trình diễn mới lạ, cách kể đậm chất phương Tây, vở diễn gây ấn tượng không chỉ bởi ngôn ngữ hình thể mà còn ở câu chuyện rất gần những gì đang diễn ra trong nhiều gia đình trẻ Việt Nam.

Tình yêu Stockholm xoay quanh mối quan hệ đầy mâu thuẫn giữa Kim và Jake - một cặp đôi mắc kẹt trong chính tình yêu của mình. Họ cuồng nhiệt, say đắm, khao khát chiếm hữu nhau để rồi giam cầm nhau trong những “chiếc lồng vô hình” mang tên ghen tuông, kiểm soát và nỗi sợ mất mát.

Với lối dàn dựng mới lạ, Tình yêu Stockholm có sức hấp dẫn riêng dù kể câu chuyện quen thuộc - ẢNH: T.V.
Với lối dàn dựng mới lạ, Tình yêu Stockholm có sức hấp dẫn riêng dù kể câu chuyện quen thuộc - ẢNH: T.V.

Vở kịch đặt ra câu hỏi đáng suy ngẫm: Khi nào tình yêu là sự kết nối và khi nào trở thành xiềng xích? Khi yêu nhau nhưng không còn là cùng nhau trưởng thành, không có sự sẻ chia, đồng cảm mà chỉ có ràng buộc, nghi kị và tổn thương, liệu đó có phải là tình yêu? Đây là thực trạng đang diễn ra ở không ít cặp đôi yêu nhau và cả các gia đình trẻ - nơi tình cảm là chưa đủ để giữ một mối quan hệ. Tình yêu cần đi kèm niềm tin, sự tôn trọng và khả năng thấu hiểu lẫn nhau. Yêu mà không buông được sự kiểm soát hay ích kỷ, sớm muộn tình yêu ấy cũng trở thành… nhà tù.

Với hình thức kịch hình thể và chỉ 2 nhân vật xuất hiện xuyên suốt, vở diễn đòi hỏi cao về thể lực, kỹ thuật biểu diễn, đặc biệt là khả năng chuyển tải cảm xúc từ bên trong. Diễn viên Minh Anh (vai Kim) và Nam Trần (vai Jake) tuy là 2 gương mặt còn khá mới với khán giả kịch nói nhưng đã thể hiện được sự linh hoạt trong chuyển động và khả năng giải phóng cơ thể. Dù chưa thực sự bùng nổ trong buổi diễn đầu tiên, họ cho thấy tiềm năng đáng kỳ vọng, đặc biệt trong những phân đoạn đòi hỏi chuyển biến tâm lý sâu sắc và sự kết hợp ăn ý qua từng động tác hình thể.

Chỉ với một chiếc bàn lớn ở trung tâm khán phòng, lúc là bàn ăn, lúc thành giường ngủ, gian bếp hay ô cửa sổ…, đạo diễn John Andrew Cunnington đã biến không gian nhỏ hẹp trở thành một thế giới nội tâm đầy xáo trộn. Mọi hoạt động diễn ra trong “căn hộ giả định” - nơi 2 con người gần nhau về thể xác nhưng xa nhau về cảm xúc. Chính sự đơn giản trong bối cảnh nhưng xử lý thông minh các yếu tố cảnh trí, đạo cụ, ánh sáng… đã làm nổi bật diễn xuất và diễn tiến nội tâm nhân vật.

Với những ai đã quen dòng kịch thoại truyền thống, đây là một trải nghiệm rất mới. Cách kể bằng hình thể cùng tiết tấu nhanh, nhiều tương tác cơ thể giúp khán giả cảm nhận sâu sắc hơn sự biến chuyển của cảm xúc: từ đam mê đến đổ vỡ, từ hy vọng đến tuyệt vọng.

Câu chuyện của Kim và Jake không mang cú twist kịch tính, không giật gân nhưng đủ khiến người xem giật mình vì thấy đâu đó bóng dáng chính mình hoặc bạn bè, người thân… trong một cuộc tình từng nồng cháy nhưng rồi dần mỏi mệt vì thiếu sự thấu hiểu.

Tình yêu Stockholm không kể một bi kịch. Nó kể một sự thật buồn, rằng tình yêu đôi khi không tan vỡ vì kẻ thứ ba mà chính người trong cuộc đã làm đau nhau, dẫn đến xa nhau.

Tình yêu Stockholm đang diễn tại Cua Studio (quận 4, TPHCM) vào các tối thứ Sáu, Bảy và Chủ nhật hằng tuần đến hết 15/6. Vở có cả các suất tiếng Việt và tiếng Anh.

Hoa Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI