Mẹ kế bất đắc dĩ

21/09/2021 - 20:00

PNO - Hãy giúp chồng nuôi dạy con riêng của anh ấy. Làm tròn vai trò mẹ kế, hạnh phúc em vừa vững chắc, em cũng có thêm đứa con thứ hai.

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Em và anh ấy kết hôn với nhau được 2 năm. Em và anh đều có con trai riêng. Hai đứa con của tụi em bằng tuổi nhau: 10 tuổi. Con trai em ở với em, con trai anh ở với vợ anh.

Thế nhưng gần đây con anh có những biểu hiện xấu như: không nghe lời, trốn học, hỗn hào, ăn cắp tiền… Vợ anh nói không dạy được con nữa nên muốn anh mang nó về nuôi. Thực tình, em bực mình lắm chị ạ. Đứa trẻ này hư cũng do mẹ nó không quan tâm. Cô ta thường xuyên hẹn hò bồ bịch, nghe nói hay bỏ nhà đi qua đêm, thằng bé phải tự lo vì ông bà cũng đã lớn tuổi. Giờ đây cô ta muốn đẩy con sang em, khiến em phải gánh những phiền toái.

Nhưng điều em lo nhất là con em sẽ phải sống cùng với một đứa bé hư. “Gần mực thì đen...”, em sợ cháu bị ảnh hưởng. Con em học giỏi, hiền và ngoan. Em phải làm sao đây chị? Anh thì mừng vì có cơ hội đưa con riêng về để chăm chút dạy dỗ con. Anh nói rằng anh nhìn em chăm con và hy vọng em sẽ là mẹ tốt của thằng bé, giúp anh thay đổi nó. Liệu có thể thay đổi một đứa bé như vậy không chị ơi?

Lệ Hoa (Bình Thạnh, TPHCM)

Em Lệ Hoa thân mến,

Đúng là em đang gặp một trường hợp quá khó khăn. Muốn con mình được phát triển trong môi trường tốt, chơi với bạn tốt, vậy mà phải nhận thêm một trách nhiệm nuôi một đứa trẻ đang có vấn đề về hành vi. Tuy nhiên, em khó lòng từ chối việc này, bởi chồng em không thể không nuôi dạy  con của anh ấy. Vậy thì, em hãy cố gắng bình tĩnh và sáng suốt để có cách cư xử tốt nhất.

Điều thứ nhất chị khuyên em là gắng đừng nghĩ mẹ đứa bé đang đẩy khó khăn cho em, vì hướng nghĩ ấy sẽ em bực tức và mất đi sự thông cảm, bao dung, thương yêu con chồng.

Theo chị, các bà mẹ không dùng con để trả thù cá nhân, hơn nữa, người ta vốn không tin vào tình cảm của mẹ kế. Có thể cô ấy có những vấn đề riêng không giải quyết được nên đành đưa cho con sang ở với bố. Đó cũng là chuyện chẳng đặng đừng của người làm mẹ. Em hãy nghĩ bao dung như thế cho nhẹ lòng, em nhé.

Ở tuổi đang lớn, nhất là với các cậu bé, hầu như đứa trẻ nào cũng có vấn đề, bướng bỉnh, nổi loạn, tìm cách thể hiện mình. Nhiều người phát điên với chính con của mình, chứ đừng nói là con của người khác, chắc chắn em sẽ gặp không ít khó khăn. Thế nhưng, em hãy thương sự lo lắng của chồng mà giúp anh việc này. Nếu anh thấy không tròn trách nhiệm với con, nếu anh cứ bất an và hối hận, hạnh phúc của chính em cũng bị ảnh hưởng.

Tuổi này, trẻ khó dạy, nhưng cũng rất mềm lòng với sự yêu thương, quan tâm và chăm sóc. Em hãy cố gắng gần gũi với cháu bằng tất cả những thiện ý của mình. Bên cạnh đó, em cũng giữ thái độ nghiêm khắc một cách nhẹ nhàng để giúp cháu hiểu được nền nếp cháu cần tuân theo. Điều quan trọng là em phải hết sức công bằng với hai đứa trẻ, để cả hai hiểu được rằng chúng đang được cùng được hưởng “chế độ” yêu thương và kỷ luật giống như nhau.

Hãy khéo léo trò chuyện với hai con trai, riêng từng cháu một, để chuẩn bị tinh thần một cách nhẹ nhàng cho các cháu về cuộc sống mới. Em nhẹ nhàng nhưng dứt khoát yêu cầu sự hợp tác và thiện ý của chúng dành cho nhau, cũng như cho cuộc sống chung mới mẻ này. Trẻ em rất đánh giá cao những cuộc trò chuyện nghiêm túc với người lớn, vì chúng cảm thấy được coi trọng.

Điều cuối, chị muốn động viên em: Ông bà ta vẫn bảo “Gần mực thì đen”, nhưng còn vế thứ hai “Gần đèn thì rạng”. Hy vọng con trai em sẽ là ngọn đèn để cậu bé con riêng của chồng em thay đổi. Khi chồng an lòng, hạnh phúc của em vững chắc và em có thêm một đứa con ngoan.  

Hạnh Dung

 

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn  gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” trên trang phuonuonline.com.vn hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI