Mất mạng vì làm theo... mạng

27/11/2020 - 08:50

PNO - Từ bắt chước đến thách đố nhau làm theo trò chơi mạo hiểm trên các trang mạng, nhiều trẻ phải đối mặt với những tai nạn thương tâm...

Nhiều trường hợp trẻ thách đố nhau để đùa giỡn nhưng để lại hậu quả nặng nề ảnh: phạm an
Nhiều trường hợp trẻ thách đố nhau để đùa giỡn nhưng để lại hậu quả nặng nề. Ảnh: Phạm An

Từ bắt chước đến thách đố nhau làm theo trò chơi mạo hiểm trên các trang mạng, nhiều trẻ phải đối mặt với những tai nạn thương tâm, nhẹ là trật cổ, gãy tay, chân; nặng có thể dẫn đến mắc bệnh tâm lý kéo dài, thậm chí tử vong.

Từ trẻ nhỏ bắt chước các trò chơi trên mạng…

Ngày nay, các khái niệm internet, điện thoại di động, máy tính bảng đã trở nên quá quen thuộc với trẻ nhỏ. Ngoài học tập, các em có thể dễ dàng truy cập vào những đoạn

Cẩn thận trước khi nhấp chuột

Thử thách Jonathan Galindo khởi nguồn từ Mexico vài tháng trước và lan sang nhiều quốc gia. Một tài khoản bí ẩn có tên Jonathan Galindo với avatar là người đàn ông mang gương mặt hề tiếp cận những người trẻ thông qua hình thức gửi lời kết bạn (Twitter, Instagram, TikTok, Facebook).

Sau đó, Jonathan Galindo sẽ gửi một tin nhắn có chứa link mà khi nhấp vào, người dùng sẽ làm lộ địa chỉ IP của thiết bị mình sử dụng. Jonathan Galindo sẽ tìm được thông tin, địa chỉ cụ thể của người đó. Lúc này, hắn sẽ đưa ra hai sự lựa chọn cho nạn nhân: một là thực hiện thử thách Cá voi xanh hoặc cả gia đình bạn sẽ bị ám sát… 

clip để giải trí. Bên cạnh clip hoạt hình, phim ảnh, trẻ cũng tò mò truy cập vào các trang có nội dung thử thách, mạo hiểm. Nguy hiểm hơn, có cả phim hoạt hình hướng dẫn trẻ nhỏ làm theo trò chơi, gây ra hậu quả đau lòng.

Như trường hợp một bé gái ở Q.5, TP.HCM được đưa đến khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở, cả cơ thể tím tái, không phản xạ, đồng tử giãn… Mặc dù các bác sĩ hồi sức tích cực hơn một giờ đồng hồ, bé vẫn không có dấu hiệu hồi phục.

Qua khai thác bệnh sử, mẹ của bé nói khi chị phát hiện ra, bé đã ngưng thở bởi chăn mền siết chặt cổ. Nơi xảy ra tai nạn có nhiều chăn màn được cột vào nhau, một đầu chăn cột chặt vào tầng hai của giường sắt, đầu còn lại được cột thành một vòng tròn như thòng lọng, chiếc ghế ngã phía dưới. Nhớ lại vài hôm trước bé gái có biểu hiện lạ, cứ đi tìm dây sau khi xem máy tính bảng, chị mở lại lịch sử trên thiết bị của bé, tá hỏa khi biết bé đã xem rất nhiều clip tưởng như phim hoạt hình đơn giản, không ngờ lại là phim hướng dẫn thực hiện các trò chơi nguy hiểm. Con gái chị đã làm theo một trong những trò chơi đó.

Trường hợp của bé gái trên đã để lại hậu quả vô cùng đau lòng. Hiện nay, trẻ từ hai tuổi đã có thể sử dụng điện thoại, máy tính bảng để xem phim, ảnh trên mạng xã hội... Bác sĩ chuyên khoa I Đinh Tấn Phương - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) - nói: “Vấn đề là trẻ xem một cách hồn nhiên, chưa nhận thức được trò chơi nào nguy hiểm, lại đang ở độ tuổi tò mò, cứ xem đi xem lại những clip này thì chắc chắn sẽ đến một giai đoạn trẻ bắt chước làm theo. Từ đó, trẻ phải đối mặt với nhiều tai nạn: nhẹ là trật cổ, nhét hạt, đồ chơi vào mũi, tai, gãy tay, chân; nặng có thể dẫn đến tử vong”.

Phụ huynh cần cảnh giác và quản lý, kiểm soát chặt chẽ để trẻ xem các nội dung phù hợp với lứa tuổi. Thậm chí các phim ảnh, chương trình có nội dung bạo lực cũng không nên cho trẻ xem. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên quan sát các phim ảnh con mình đang xem. Nhiều lúc hình ảnh trong các đoạn phim này là hoạt hình nhưng nội dung lại hướng dẫn các hành động tiêu cực mà cha mẹ không biết. Từ các clip tràn lan trên mạng xã hội, rất nhiều tai nạn rình rập mà nếu phụ huynh không lưu ý kịp thời, trẻ dễ rơi vào nguy hiểm”.

... đến thanh thiếu niên thách đố nhau chơi trò mạo hiểm 

Chuyên gia tâm lý Phan Thị Hoài Yến - Khoa Tâm thể, Bệnh viện Thủ Đức (TP.HCM) - cũng cho biết nếu trẻ nhỏ bắt chước những trò chơi trên mạng do tò mò, hiếu kỳ thì trẻ vị thành niên lại chủ động tìm đến những trò mạo hiểm để tự khẳng định bản thân. Thậm chí, không ít trẻ “nghiện” và còn thách thức bạn bè của mình tham gia. Có những trẻ “máu chiến” chấp nhận. Cũng có trẻ do sợ bạn bè cô lập mà cố gắng làm theo. Thế nên việc xảy ra tai nạn đôi khi chỉ trong phút chốc. 

Chuyên gia tâm lý Hoài Yến nói thêm: “Tốc độ lan truyền thông tin của mạng xã hội rất khủng khiếp. Chỉ cần ở một quốc gia nào đó có một diễn viên, người mẫu, ca sĩ… vừa qua đời, vài phút sau, cộng đồng mạng tại Việt Nam đã nắm thông tin. Nguy hiểm hơn, để thu hút lượt theo dõi, một số trang mạng cũng tạo nên những trò chơi mạo hiểm để thách thức nhau và nhiều trẻ xem nhân vật đó là thần tượng của mình. Mỗi lần nhân vật ra những đoạn clip mới có thể tạo thành trào lưu lôi cuốn trẻ thực hiện theo”.
Mấy tháng trước, xuất hiện một trò chơi nguy hiểm trong giới học trò Việt. Theo đó, sau khi một người trồng cây chuối mười phút sẽ quay lại tư thế đứng gập người, người chơi khác “hỗ trợ” bằng cách dùng hai ngón tay cái chặn ở yết hầu, các ngón tay còn lại siết chặt cổ để tạo ra hiện tượng ngất xỉu đột ngột. Khi được nhắc nhở, trẻ cho rằng người lớn đã quá lo bởi đây chỉ là trò chơi đơn giản, xỉu vài phút sẽ tỉnh lại ngay. Phần mở đầu này nếu không qua nổi sẽ bị cả nhóm cho là yếu đuối, hèn nhát và bị tẩy chay.
Em T.K. (12 tuổi, ở TP.HCM) được mẹ dẫn đến nhờ các chuyên gia tâm lý “gỡ” khỏi trò chơi ma quái này. Theo người nhà của K., hễ đi học thì thôi, về đến nhà, em cùng một người em họ 14 tuổi ở suốt trong phòng. Nghĩ rằng hai bé gái đang học bài, người lớn khá yên tâm. Cho đến khi K. hớt hải chạy ra nói rằng dù kêu mãi mà em họ vẫn không dậy, gia đình chạy vào thì người em này đã lả người, tím tái. Khi được đưa đến bệnh viện thì em đã chết não…

“Tôi phải động viên, hỏi mãi thì K. mới nói hai chị em chơi trò trồng cây chuối gì đó nhưng bạn cùng lớp của cháu gái tôi thách cháu xỉu được lâu hơn. Cháu tôi sang nhà nhờ K. làm cùng đã hơn một tuần vẫn không thể xỉu quá vài chục giây. Hôm xảy ra tai nạn, cháu tôi nói với K. nếu không thể xỉu lâu hơn bạn, thì sẽ sáng tạo trò chơi mới: trồng cây chuối rồi nhảy vào dây thòng lọng treo sẵn. K. nhiều lần không dám tham gia, còn cháu tôi vẫn quyết định làm. Chứng kiến em họ mình mất mạng vì trò chơi, K. bị ám ảnh và sợ hãi đến tận bây giờ vẫn chưa thể đi học trở lại”, mẹ của K. nói.

Chuyên gia tâm lý Hoài Yến lưu ý rằng các trang mạng thường giữ người xem ở lại trang của mình bằng những đường link liên quan. Khi trẻ xem hết nội dung này, nội dung tương tự sẽ hiện lên, mời gọi trẻ nhấp vào. Xem một lần, hai lần, trẻ có thể thoát ra nhưng nếu trẻ xem quá nhiều lần, các nội dung ấy sẽ kích thích nơi trẻ tâm lý tò mò, muốn thử cảm giác. Trẻ nhỏ vốn thích khám phá, bắt chước nên rất dễ thực hiện theo những trò này.

Vì vậy, ngoài việc cho trẻ sử dụng điện thoại, phụ huynh nên dành thêm thời gian trò chuyện cùng con; tìm hiểu các hiện tượng mạng, trào lưu mới. Có như vậy người lớn mới có thể kịp thời hướng dẫn, phân tích cho con trẻ sự nguy hiểm của trò chơi để trẻ hiểu và không làm theo. Với trẻ, nếu người lớn cấm cản mà không đưa ra được lý do thỏa đáng sẽ vô tình kích thích sự tò mò, muốn chứng tỏ ba mẹ sai… đồng thời thôi thúc trẻ thực hiện theo. 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI