Mầm non tư thục mùa dịch: Tâm huyết và nỗi buồn

17/11/2021 - 06:30

PNO - Hai năm chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, mầm non tư thục giờ đây đúng kiểu buông không được, cầm chẳng xong. Bởi, giáo dục nói chung và giáo dục mầm non nói riêng không đơn thuần là một nghề kinh doanh bình thường, mà chứa đựng rất nhiều tâm huyết của người làm nghề. Câu chuyện của tôi cũng không là ngoại lệ.

Tâm huyết vì yêu trẻ
Trước đây, tôi làm việc trong lĩnh vực báo chí truyền thông. Vợ chồng tôi sau những năm đi làm tích góp được tiền đều đầu tư vào bất động sản. Chúng tôi mua những miếng đất vùng ven thành phố, giá thấp, sau vài năm để không cũng lời gấp mấy lần số tiền bỏ ra. Thế nhưng, chúng tôi không đặt mục tiêu là tiền, mà coi nó là phương tiện để tạo ra những giá trị quan trọng hơn. Vì vậy, chúng tôi quyết định đầu tư vào giáo dục, một ngành mà nhiều người trong nghề hay nói “lợi nhuận mỏng như lá lúa mà trách nhiệm và tâm sức phải to như cái mâm!”.

Năm 2018, tôi nghỉ việc để dấn thân vào lĩnh vực giáo dục mầm non với mơ ước xây dựng một ngôi trường đúng kiểu “ngôi nhà hạnh phúc cho trẻ thơ”. Tôi muốn theo đuổi phương pháp giáo dục mà tôi đã bỏ công học hỏi và tìm hiểu rất nhiều, muốn mang nó áp dụng cho con tôi và những đứa trẻ đến với ngôi trường của mình. Tất nhiên, mở trường, dòng tiền cũng phải được tính toán kỹ để nuôi được đội ngũ, bản thân, gia đình, từ đó mới phát triển. 

Chồng tôi hiểu được tâm huyết của vợ nên bán một miếng đất để tôi mở trường mầm non tư thục. Sau những ngày tận tâm xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ, tháng 12/2019, ngôi trường hoàn thành đúng như ý tôi: nhỏ nhắn nhưng chỉn chu, mọi học cụ cho bé dùng đều nhập trực tiếp từ nhà sản xuất uy tín, mọi món nội thất đều được tính toán kỹ nhất.

Chúng tôi hoạt động với năm bé đầu tiên và danh sách đăng ký chờ đã lên con số 20 (trường chỉ nhận mỗi tháng hai bé để đảm bảo sự chăm sóc và kết nối tốt nhất cho bé những ngày đầu đi học nên phụ huynh chấp nhận chờ). Hoạt động được ba tuần thì nghỉ tết, chúng tôi thảnh thơi nghỉ ngơi để lấy sức cho một năm mới bận rộn. Thế nhưng, dịch COVID-19 kéo đến, nghỉ tết kéo dài đến tận nghỉ hè. Ngày 1/6/2020, trường mới được mở cửa trở lại. Từ đó, không biết bao nhiêu lần thấp thỏm vì dịch cứ trở đi trở lại. Giáo viên lẫn phụ huynh bao lần mệt mỏi. Nhưng may thay vẫn hoạt động được sáu tháng cho năm 2020.

Cuối năm, tôi ngồi tổng kết số tiền lỗ, chồng động viên “thôi vợ yên tâm, anh bán miếng đất nữa cho vợ lo trường”. Vậy là miếng đất thứ hai ra đi để tôi tiếp tục đầu tư cho giấc mơ làm giáo dục.

Năm 2021, tưởng mọi việc sẽ sáng sủa hơn nhưng hoạt động đúng ba tháng, trường lại được lệnh đóng cửa vì COVID-19. Từ đó đến nay, vẫn chưa biết ngày nào mở cửa trở lại. Tiền mặt bằng vẫn phải đóng, tiền khấu hao đầu tư vẫn ra đi, lãi nợ vẫn đều đặn. Áp lực đó cộng với việc thương các giáo viên thất nghiệp nhiều tháng, hiện đang vất vả làm thêm việc khác khiến tôi nhiều lúc rơi vào căng thẳng tinh thần thực sự. Thế nhưng, tôi không cho phép mình dừng lại, vẫn cố gắng thu xếp tài chính và thời gian để tiếp tục học sâu hơn, chuẩn bị tâm thế tốt nhất để quay trở lại với trẻ.

Phụ huynh của trường suốt mùa dịch luôn động viên: “các cô cố gắng lên nhé, đừng bỏ cuộc”. Thế nhưng, ngày mở trường vẫn còn rất xa, với những khó khăn trước mắt, tôi không biết còn trụ được bao lâu.

Trường mầm non tư thục bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19. Trong ảnh: một lớp học của Trường Tatuschool thời điểm dịch chưa bùng phát
Trường mầm non tư thục bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19. Trong ảnh: một lớp học của Trường Tatuschool thời điểm dịch chưa bùng phát

Nhiều chủ trường, giáo viên buông tay

Chuyện mầm non tư thục mùa dịch, đâu chỉ có mình tôi. Bạn tôi, cũng hai vợ chồng tâm huyết, bán đất, gom tài sản làm giáo dục, tuần trước nhắn tôi “anh không biết dừng hay đi tiếp”. Dù bảy năm qua, vợ chồng anh đã xây dựng được ngôi trường mà phụ huynh muốn cho con học phải đăng ký chờ rất lâu.

Một ngôi trường mầm non kiến trúc đẹp như mơ, chăm chút tỉ mỉ ở Q.2, phụ huynh là chị bạn của tôi cho con học suốt ngày xuýt xoa vì hài lòng, tháng trước cũng giải thể. Một cô giáo với ngôi trường mầm non ở Q.Tân Bình tuổi đời năm năm, hằng tháng sẵn sàng chi tiền để lấy bằng được rau hữu cơ từ tỉnh Lâm Đồng về cho các bé trong trường ăn, tuần trước đăng trên Facebook chua chát phải dừng bước. Một ngôi trường mầm non tư thục 30 năm ở Sài Gòn hôm cuối tuần rồi cũng đóng cửa…

Giáo viên mầm non nhiều người có tâm huyết, trình độ, yêu trẻ đã quyết định đi làm việc khác. Tháng trước, một cô giáo mầm non tốt nghiệp thạc sĩ tâm lý, có bằng giáo viên Montessori quốc tế, cũng trò chuyện với tôi là cô đã kiếm được công việc mới rất ổn, thu nhập tốt ba tháng rồi. 

Bao nhiêu người tâm huyết với giáo dục trẻ thơ đã quyết định dừng lại?  Bao nhiêu cô giáo có trình độ, kỹ năng, yêu trẻ sẽ đi làm việc khác? Giáo viên mầm non vốn đã thiếu do công việc vất vả mà đồng lương bèo bọt, qua đợt dịch này liệu còn bao nhiêu cô theo nghề? Không có câu trả lời cụ thể, nhưng hai năm dịch bệnh dập vùi con số đó không hề nhỏ.

Những người tạm buông tay đóng cửa trường thì đau lòng nhưng những chủ trường đang cố gắng gồng gánh giữ trường như tôi thì đau đầu. Chúng tôi ở trong trạng thái bỏ thì thương, vương thì tội vì trăn trở lớn nhất: “Nếu đóng cửa trường, sau dịch học sinh của mình sẽ đi học ở đâu?”. Nhưng với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, lộ trình đi học vẫn mịt mờ, chúng tôi không biết gồng gánh thêm được bao lâu.

Hỗ trợ của Nhà nước cho giáo viên mầm non tư thục của trường, tôi làm hồ sơ lâu lắm rồi vẫn không thấy đâu. Việc nhiều nhất mà cơ quan quản lý giáo dục làm trong suốt thời gian qua là: yêu cầu báo cáo. Rồi những tiêu chí mở cửa lại trường trách nhiệm đều thuộc về trường… Rõ ràng, thứ chúng tôi cần là sự quan tâm thực sự, sự đồng hành và hỗ trợ thực chất. Nếu chúng ta không có những chính sách căn cơ để giúp giáo dục mầm non tư thục vượt qua khó khăn trong đại dịch này thì rất có thể nhiều người tâm huyết phải dừng lại. Như vậy, khi đại dịch qua đi, rất nhiều em nhỏ sẽ thiệt thòi vì thiếu trường lớp tử tế để học. 

 Hà Ngọc Nga (Chủ đầu tư Tatuschool)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI