Trở lại nơi bà bầu vượt biên đi bán... con mình

05/01/2021 - 07:19

PNO - Ít năm sau khi hàng chục phụ nữ vượt biên đi bán chính con ruột của mình, cuộc sống của dân bản nơi đây đã dần thay đổi, tình trạng bà bầu rời địa phương cơ bản đã được kiểm soát.

Những ngày cuối tháng 12/2020, con đường bê tông ngoằn ngoèo dẫn vào bản Đỉnh Sơn 1 (xã Hữu Kiệm, huyện Tương Dương, Nghệ An) vắng hoe. Mùa này, dân bản hầu hết đã kéo nhau vào rẫy cách xa nhà để làm nương, trong bản chỉ còn lại người già, trẻ em.

Đỉnh Sơn 1 nằm sâu trong núi, nơi đây có nhiều người dân là đồng bào Khơ mú. Vài năm qua, ở nơi này đã có nhiều phụ nữ mang thai bị các đối tượng môi giới dụ dỗ qua Trung Quốc bán bào thai.

Băng rôn
Băng rôn tuyên truyền về nạn mua bán người, bào thai được treo khắp bản

Tiền, cơm áo là hai lý do mà người dân nơi đây nhắc đến nhiều nhất khi nhớ lại câu chuyện vượt biên đi bán chính con ruột của mình. Nhưng không phải ai đi bán con cũng chờ được đến lúc nhận tiền, đã có trường hợp bỏ mạng nơi đất khách quê người, để lại chồng và đàn con nheo nhóc ở quê nhà.

“Không dám đi nữa. Giờ có đẻ thì nuôi thôi chứ bán lấy tiền tiêu cũng hết à” - chị H. (38 tuổi) nói. Người phụ nữ này cho hay cũng vì cái nghèo hối thúc mà quyết định sai lầm. Ngày chị H. đi bán con trở về, các cơ quan chức năng thường xuyên đến gặp gỡ, vận động, tuyên truyền nên bản thân chị đã nhận ra được cái sai, quyết tâm vun vén lại hạnh phúc gia đình.

Ngoài tuyên truyền, lực lượng Công an xã Hữu Kiệm cũng lập một bản danh sách tất cả những người phụ nữ mang thai trên địa bàn để theo dõi, quản lý. Trong danh sách này, công an tập trung chú ý hơn đối với những phụ nữ người Khơ mú, những người đang mang bầu con thứ 3 trở lên. Họ là mục tiêu của những kẻ chuyên dụ dỗ phụ nữ qua Trung Quốc bán bào thai. 

Bản Đỉnh Sơn 1 nằm sâu trong núi rừng
Bản Đỉnh Sơn 1 nằm sâu trong núi rừng
Tỷ lệ hộ nghèo bản Đỉnh Sơn 1 giảm mạnh, cuộc sống người dân
Tỷ lệ hộ nghèo ở bản Đỉnh Sơn 1 giảm mạnh, cuộc sống người dân ngày càng được cải thiện

“Cứ thấy ai bụng to lên là mình phải đến hỏi xem, nếu mang thai rồi thì bổ sung vào danh sách để tiện theo dõi. Đều đặn vài tuần tôi lại đến nhà những người này vừa là kiểm tra, vừa là nói chuyện. Nếu họ đi rẫy thì liên lạc qua điện thoại” - ông Lữ Văn Dung, công an viên bản Đỉnh Sơn 1, cho biết.

Chỉ tay vào những dải băng rôn “nhắc nhở tình trạng mua bán bào thai” treo trên đường, ông Dung cho biết, với những nỗ lực không mệt mỏi của các cơ quan chức năng, đời sống người dân ngày càng được cải thiện. Hai năm nay bản mới chỉ ghi nhận một trường hợp mang bầu nghi đã vượt biên đi bán bào thai. 

“Các chú vào mà xem, băng rôn tuyên truyền vẫn còn treo đỏ cả núi rừng đó” - ông Nguyễn Hữu Lượng - Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm nói và cho hay, ý thức và hiểu biết pháp luật của người dân ngày một cao, tình trạng đi bán bào thai cơ bản đã được kiểm soát tốt. Xã này cũng vừa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cuối năm 2020.

Nguy cơ "tái phát"

Ngôi nhà nhỏ nằm trên đỉnh núi của vợ chồng anh Mạc Văn Bình (bản Đỉnh Sơn 1) mấy hôm nay đông người vào ra hỏi thăm thông tin vợ anh Bình đang “mất tích”. Ôm đứa cháu gái vào lòng, anh Bình nói: “Giờ chỉ mong vợ về nhà thôi. Nhưng không biết làm cách nào”.

Anh Bình cho hay hiện bản thân đã nhận được 40 triệu đồng tiền bán con
Anh Bình cho hay đã nhận được 40 triệu đồng tiền bán con

Vợ chồng anh Bình có 4 người con, khi vợ anh mang thai đứa con trai thứ 5 ở tháng thứ 8 thì có một người đàn ông trong vùng đến trò chuyện, bàn đưa sang Trung Quốc sinh rồi bán với giá 70 triệu đồng. Giữa tháng 7/2020, chị Lương Thị Hoong (vợ anh Bình) mang theo đồ đạc rời nhà để bắt đầu hành trình bán con.

“Thời điểm Hoong mang thai, tôi cũng thường xuyên đến nói chuyện, người này cũng hứa sẽ không bán con. Nhưng đến khi biết chuyện thì đã muộn, không thể làm gì nữa” - ông Dung nói và cho hay qua tìm hiểu, chị Hoong dự tính sẽ đi 2 tháng, sau khi sinh con xong sẽ quay về.

Tuy nhiên, sau khi sinh xong, chị Hoong bị nhóm buôn người giữ lại, yêu cầu phải sinh thêm một đứa con nữa để bán mới được quay trở về nhà. “Đến thời gian hẹn nhưng vợ chưa về, anh Bình mới đến trình báo sự việc. Khi gặp người đưa chị Hoong đi, người này cũng đã thừa nhận và nói dám làm dám chịu” - ông Dung nói và cho biết hiện anh Bình cũng đã nhận được 40 triệu đồng tiền bán con.

Ngôi nhà nhỏ nằm chênh vênh trên đỉnh núi của vợ chồng anh Bình
Ngôi nhà nhỏ nằm chênh vênh trên đỉnh núi của vợ chồng anh Bình

Chủ tịch xã Hữu Kiệm Nguyễn Hữu Lượng cho hay chính quyền xã đã nắm được sự việc, tuy nhiên phải chờ chị Hoong quay trở về làm việc mới đủ cơ sở để xử lý sự việc. Việc đi bán con chị Hoong đã bàn bạc với chồng và được chồng đồng ý.

“Xã cũng đã nỗ lực hết sức rồi. Mong pháp luật có chế tài xử phạt mạnh hơn để địa phương đỡ vất vả. Giờ nhận thức về pháp luật thì người dân họ biết, nhưng nhận thức về đạo đức thì một số còn hạn chế” - ông Lượng nói. Ông cũng cho biết, đây là trường hợp bán con đầu tiên sau nhiều năm tình trạng này đã chấm dứt.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI