Lớp học Ước mơ, nơi nỗi đau lùi lại

23/11/2020 - 07:03

PNO - Được vun vén bằng sự yêu thương, lớp học Ước mơ đã biến ước mơ được đến trường của những đứa trẻ kém may mắn này thành hiện thực.

Quặn lòng trước hoàn cảnh của những đứa trẻ bị khuyết tật ở H.Phù Cát (tỉnh Bình Định) do ảnh hưởng chất độc da cam, giáo sư Michio Umegaki (Trường đại học Keio - Nhật Bản) đã nghĩ đến việc mở lớp học dành cho các em. Được vun vén bằng sự yêu thương, lớp học Ước mơ đã biến ước mơ được đến trường của những đứa trẻ kém may mắn này thành hiện thực.

Những học sinh đặc biệt

Sáng Chủ nhật, tôi đến thăm lớp học Ước mơ ở Cát Thành (H.Phù Cát), là một trong số những lớp học trong dự án của giáo sư Michio. Sau cơn mưa, nắng rọi qua hàng cây sân trường lấp lóa như xóa đi vết dấu của những ngày bão về miền Trung. 

Cô giáo Tường Văn chỉ bài cho học trò bị khuyết tật nghe nói Huỳnh Văn Sỹ
Cô giáo Tường Văn chỉ bài cho học trò bị khuyết tật nghe nói Huỳnh Văn Sỹ

Thấy có người vào lớp, các em liền chào hỏi. Có bạn đứng dậy khoanh tay lễ phép, dù độ tuổi đã ngoài ba mươi. Chàng trai đó là Nguyễn Duy Thanh, chứng bệnh khuyết tật trí tuệ đã giữ tâm hồn Thanh mãi ở lại tuổi lên ba. Giờ với Thanh, niềm vui là được đến trường, được gặp bạn bè và làm tốt nhiệm vụ lớp trưởng. Cứ sáng Chủ nhật, Thanh dậy thật sớm, tự vệ sinh, mặc quần áo rồi đạp xe đến trường.

“Thanh là lớp trưởng, phải làm gương cho các bạn. Lên cùng các bạn quét dọn lớp, tập thể dục cùng cả lớp. Thanh còn động viên các bạn ráng học nữa”, lời Thanh nói nghe thương đến là…

Suốt buổi học, không lúc nào ngớt tiếng cười giòn giã của học trò theo từng lời hỏi đáp của cô giáo. Ở góc nọ, mặc ai nói, chàng trai có khuôn mặt thật sáng vẫn chăm chú tô màu bức vẽ.

Đó là Huỳnh Văn Sỹ (sinh năm 2008, ở thôn Chánh Hóa). Sỹ là một trong số ít học trò bị khuyết tật nghe, nói. Tình nguyện viên Nguyễn Thị Tường Văn, giáo viên âm nhạc đang đứng lớp, tâm sự: “Sỹ sáng dạ và học rất giỏi. Thời gian đầu, việc giao tiếp với em rất khó khăn. Bọn mình phải kiên nhẫn dùng tay ra dấu. Dần dần, cô trò cũng hiểu ý nhau. Bây giờ thì có thể tự tin “nói chuyện” với nhau được rồi”. 

Các giáo viên như vui lây từ niềm vui của học trò
Các giáo viên như vui lây từ niềm vui của học trò

Ở lớp học Ước mơ, có em thiểu năng trí tuệ, có em câm điếc, khuyết tật vận động… không nỗi đau nào giống nỗi đau nào. Cô Văn thấu hiểu những thiệt thòi và nỗi đau của các em, bởi em trai của cô cũng bị thiểu năng trí tuệ. Gắn bó với lớp từ những ngày đầu, tình thương của cô dành cho học trò ngày một lớn thêm.

“Dạy ở lớp học Ước mơ không cần giáo án mô phạm. Điều cần thiết là sự yêu thương, thấu hiểu, vun đắp cho các em. Từ đó, nhen lên niềm vui sống, đưa các em hòa nhập cộng đồng”, cô cho hay. 

Gieo nụ cười, gặt niềm vui

Dõi theo con mình, thấy con vui vẻ, gương mặt vốn đầy âu lo của bậc sinh thành như dịu lại. Chị Phạm Thị Thanh Nga (ở thôn Hóa Lạc), phụ huynh lớp học Ước mơ Cát Thành, cho biết: “Tôi là mẹ cháu Huỳnh Thị Thu Thắng.

Khi mới sinh ra, cháu bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng càng lớn càng khờ khạo. Học mãi mà không biết gì, lại bị bạn bè trêu chọc nên đành phải cho cháu nghỉ học. Hễ ai nhắc đến đứa con gái bị khuyết tật trí tuệ là nước mắt tôi như chực trào ra.

Năm 2016, khi lớp học được mở, Chủ nhật nào tôi cũng đưa con đến học. Được đến lớp, Thắng vui lắm. Cứ mong đến Chủ nhật để được đi học. Nhìn con vui, vợ chồng tôi cũng được an ủi nhiều”.

Ông Nguyễn Tấn Đính (thôn Chánh Hùng), phụ huynh em Nguyễn Thị Ngọc Mỹ, cứ ngồi phía hành lang trường dõi mắt về lớp học cho đến khi tan lớp. Hằn trên gương mặt gió sương khắc khổ là nụ cười hạnh phúc của người cha khi thấy con gái mình hòa đồng cùng bè bạn.

Ông Đính trải lòng: “Con tôi bị khuyết tật trí tuệ. Khi lớp học này mở ra, tôi cũng ngần ngại, liệu con bé có thích nghi được không. Dần dà, thấy con có sự thay đổi, vui vẻ hoạt bát hơn, tôi mừng lắm. Cảm ơn giáo sư người Nhật, cảm ơn các thầy cô. Con mình mà người ta lo đến thế, không biết phải diễn tả sự biết ơn này ra sao”.

Vừa lật từng hình ảnh mà mình tỉ mỉ ghi lại những hoạt động của lớp cho tôi xem, cô giáo Trần Thị Mỹ Quế, Tổ trưởng Tổ tình nguyện viên phụ trách lớp học Ước mơ, vừa thổ lộ: “Nhìn các em từng ngày đến lớp, có những đổi thay tích cực, chúng tôi vui lây.

Các em háo hức mong ngày được đi học và phát triển từng bước các khả năng học hát, học vẽ, viết chữ, đọc được các số từ 1 đến 10, làm được các phép tính cộng trừ đơn giản.

Hơn nữa, các em đã biết chia sẻ, giúp đỡ nhau. Vui nhất là ngày 20/11, các em thay nhau tặng quà cho thầy cô. Quà là các bức vẽ chân dung thầy cô mà mình thương, mình quý. Có bạn vẽ đến năm, sáu bức. Trong nét vẽ có phần giản đơn, nguệch ngoạc ấy đầy ắp tình thương của các em”.

Lớp học mở từ năm 2016 với 19 em. Số học sinh giờ đã lên đến 23 em. Thầy Nông Chí Hiếu, Hiệu trưởng Trường tiểu học Cát Thành, cho biết: “Năm 2020, chúng tôi nhận thêm một em ở khác xã, mong sao góp một phần nhỏ bé để giúp đỡ các cháu. Người ta ở nước ngoài, còn thương, còn lo, còn hỗ trợ cho các em nhiều đến vậy”. 

Những ngày này, ra thăm lớp học Ước mơ ở Cát Thành hay các địa điểm khác ở Phù Cát sẽ thấy niềm vui trên từng gương mặt trẻ. Những đau thương từ hệ lụy chiến tranh như lùi về phía sau và được khỏa lấp bởi những nụ cười trong trẻo, thiện lành.

Giáo sư Michio (người mang kính, ngồi giữa) mỗi năm hai lần cùng các học trò Đại học Keio về thăm lớp học Ước mơ
Giáo sư Michio (người mang kính, ngồi giữa) mỗi năm hai lần cùng các học trò Đại học Keio về thăm lớp học Ước mơ

Nghĩ về giáo sư người Nhật giàu lòng trắc ẩn cùng những thầy cô và bao tấm lòng nhân ái đang chăm chút, gieo trồng nụ cười trên những số phận kém may mắn, tôi thêm tin vào những điều tử tế trong cuộc đời này. 

Là người theo dõi sát sao những hoạt động của lớp học Ước mơ ở Phù Cát, bà Nguyễn Thị Đức, Trưởng ban Chăm sóc sức khỏe Hội chữ thập đỏ tỉnh Bình Định, cho hay: “Khi giáo sư Michio Umegaki đến Phù Cát, ông đã rất xót xa trước những đứa trẻ khi sinh ra đã gánh lấy những thiệt thòi.

Ông đã quyết định phối hợp với Hội chữ thập đỏ tỉnh hỗ trợ kinh phí để có thể giúp đỡ các bé. Đến nay, chúng tôi đã mở được bốn điểm trường Ước mơ ở xã: Cát Trinh, Cát Thành, Cát Minh và Cát Hanh. Trung bình mỗi trường có khoảng 20 em. Năm 2018, Hội chữ thập đỏ tỉnh đã mời giảng viên Trường đại học Quy Nhơn tập huấn các tình nguyện viên về kỹ năng chăm sóc các em”.

Dự án lớp học Ước mơ gồm ba giai đoạn: giai đoạn 1 (2012-2016) mở và duy trì lớp Ước mơ tại Trường tiểu học số 2 Cát Trinh; giai đoạn 2 (2016-2018) duy trì lớp đã mở và mở rộng thêm lớp học Ước mơ tại Trường tiểu học Cát Thành và Trường tiểu học số 1 Cát Minh; giai đoạn 3 (2018-2023) duy trì các lớp và mở rộng thêm lớp Ước mơ ở Cát Hanh. Toàn bộ kinh phí do giáo sư Michio Umegaki đảm bảo và cam kết hỗ trợ 50 triệu đồng/năm/lớp.

Văn Phi
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI