Đã có những người thầy như thế!

20/11/2020 - 17:29

PNO - Sứ mệnh của con tằm là phải nhả tơ. Sứ mệnh của thầy cô là dạy chữ. Nhưng gieo tình thương thì không thể gọi là nghĩa vụ.

Có những cái duyên gặp gỡ có thể khiến cuộc đời rẽ sang một hướng khác. Được gặp gỡ một người thầy có thể thổi bùng hòn than âm ỉ cháy bên trong để bừng sáng thành ngọn lửa đam mê quả thật là một điều kỳ diệu.

Một buổi chiều mệt nhoài, tôi trở về nhà sau một ngày dài đứng lớp. Đôi chân mỏi nhừ. Cởi đôi giày bỏ nơi bậu cửa, không hiểu sao ý nghĩ về truyện ngắn được nghe thầy giảng vào một ngày đã xa cứ luẩn quẩn quanh tâm trí: truyện ngắn Kép Tư Bền.
Truyện kể về anh kép Tư Bền, một nghệ sĩ hát bội kiêm diễn viên hài nổi tiếng. Anh lên sân khấu pha trò để mang đến những tiếng cười sảng khoái cho khán giả nhưng lòng dạ đau như cắt, vì cha già đang thập tử nhất sinh. Để rồi màn nhung hạ xuống, anh khuỵu xuống. Cha già đã qua đời, anh không kịp nhìn cha lần cuối…

Tác giả và học trò
Tác giả và học trò

Như kép Tư Bền, bước lên bục giảng, học trò chỉ thấy hình ảnh người thầy chỉn chu, say mê với từng con chữ. Khi màn nhung khép lại, khán giả biết anh kép Tư Bền đang trải qua nỗi đau gì? Rời bục giảng với nỗi lo cơm áo, với cổ họng đau rát, với đôi chân mỏi nhừ như bây giờ, liệu có mấy người hiểu thấu? 

Không có nghề nào là dễ dàng. Đời người mà nói, ai cũng có những vấn đề khó khăn. Thế nhưng, nghề giáo thật đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ nhà giáo mỗi ngày tiếp cận với học sinh. Những đứa trẻ trong trẻo, ngây thơ, đáng yêu ngay cả khi lỗi lầm. Trước những đứa trẻ như thế, không ai có thể kìm lòng mà không thương yêu. Và tình yêu thương những đứa trẻ là sợi dây níu giữ mạnh mẽ nhất trên đời này. Chúng níu người ta giữ mình mỗi ngày, níu người ta cố gắng sao cho mặc vừa vặn chiếc áo người thầy đã khoác trên vai. Chúng níu người ta phải cố gắng nỗ lực vượt qua những phiền toái đau lòng, chán nản. 

Hơn ai hết, những người trưởng thành như chúng ta hiểu sâu sắc một điều: không dạy dỗ ai được bằng lời nói. Bài học được dạy hiệu quả nhất chính là mình đã làm gì. Biết bao thế hệ nhà giáo, người trước kẻ sau như trong một cuộc chạy tiếp sức, ai không lấy chính đời mình để in dấu vào trái tim những tâm hồn trẻ trung ấy?

Tôi thấy mình quả thật may mắn, khi xưa đi học, không những gặp được một mà nhiều người thầy như thế trong đời. Biết bao năm tháng đi qua, chiếc áo trắng thanh xuân đã xếp lại rất lâu trong tủ áo, mà giọt nước mắt nhớ thương mẹ của thầy khi dạy bài Thư gửi mẹ vẫn như vừa nghe thấy hôm qua. Giọng bình Kiều sâu sắc thiết tha cứ như còn văng vẳng bên tai…

Biết bao năm tháng đi qua, hình ảnh người thầy nhỏ bé, dắt chiếc xe đạp giữa đường đá đỏ đầy bụi, ôm chiếc cặp sờn cũ cũng đầy đá đỏ bụi đường nhưng chưa từng trễ giờ, chưa từng có một chút cau mày cáu gắt cứ ở mãi trong tâm trí tôi. Thi thoảng, chúng lại chạy sượt qua như một lời động viên, nhắc nhở, hệt chiếc phanh giữ cho chiếc xe thăng bằng và không trượt dốc. Chợt nhận ra chỉ có yêu thương chân thành được gieo mới có thể bền sâu gốc rễ, mới có thể đi qua tháng năm, mới có thể đồng hành với những chông chênh hay nghiệt ngã của đời người.

Thầy giáo, cô giáo Trường tiểu học - THCS Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) lội suối giữa mùa lũ đến trường dạy học.
Thầy giáo, cô giáo Trường tiểu học - THCS Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) lội suối giữa mùa lũ đến trường dạy học (ảnh: Báo Nhân dân)

Hôm nay tôi thấy mình may mắn và tự hào, khi xung quanh tôi, đồng nghiệp - những con người giản dị, lặng thầm - mỗi ngày bằng chính cách sống, cách nghĩ, việc làm của mình, tạo nên những bài học sâu sắc, tỉ mỉ từng chút một chạm khắc vào lòng học trò. Tôi không thôi cảm phục trước hình ảnh những người thầy miền Trung, không chỉ một năm mà nhiều năm rồi như thế, kết bè chuối để vượt lũ mang thức ăn cho học trò của mình.

Giữa mênh mông là nước, lạnh chứ, nguy hiểm chứ, nghe cả tiếng các thầy bảo nhau “mệt rồi” mà sao tôi chỉ thấy nụ cười sáng rỡ. Tôi thấy thương biết bao bếp than hồng nóng đượm nấu cơm cho học sinh giữa mùa mưa lũ. Nghe chờn vờn như gian bếp của bà, của mẹ. Tình thân tình thương ấy rồi sẽ đi theo sưởi ấm biết bao con người. Cả người cho cũng như người nhận. Dường như tôi đọc được trong ánh mắt đồng nghiệp mình bây giờ cũng như của chính thầy cô khi xưa có ngọn lửa chia sẻ không bao giờ tàn lụi.

Tôi thấy mình may mắn khi sáng sáng mở điện thoại, gần như mỗi ngày, ít hay nhiều đều nhận được vài ba tin nhắn: “Cô ơi cô à…”, “Nhớ cô muốn xỉu!”, “Con muốn ôm cô như hồi ra trường”… Khi thi thoảng giữa trưa Sài Gòn rực rỡ nắng, chuông cửa réo vang, cậu học trò nhỏ chìa ly chanh đào: “Con đi làm thêm, nắng quá, cô uống cho mát rồi đi dạy các em!”. Khi trong tiết học “phát biểu chủ đề về nghề nghiệp ước mơ của mình”, cô học trò 18 tuổi đã dõng dạc nói thật rõ từng từ: “Mình sẽ là cô giáo. Mình muốn đi đến vùng sâu vùng cao để dạy học sinh người dân tộc cái chữ”. Tiếng vỗ tay rào rào. Tôi nhớ mình, mới hôm qua đây thôi, đã cố ngăn nước mắt chảy...

Các thầy của Trường PTDT nội trú Bố Trạch (Quảng Bình) kết bè chuối vượt dòng nước lũ, tìm lượng thực cho 280 học sinh nội trú
Bị nước lũ cô lập nhièu ngày, các thầy của Trường PTDT nội trú Bố Trạch (Quảng Bình) kết bè chuối vượt dòng nước lũ, tìm lương thực cho 280 học sinh nội trú (Ảnh: VTV)

Có những cái duyên gặp gỡ có thể khiến cuộc đời rẽ sang một hướng khác. Cái hướng mà trước kia chưa từng có trong suy nghĩ của mình. Được gặp gỡ một người thầy có thể thổi bùng hòn than âm ỉ cháy bên trong để bừng sáng thành ngọn lửa đam mê quả thật là một điều kỳ diệu. Vậy nên tri ân những người thầy trên đời là điều dễ hiểu. Dẫu rằng họ chưa bao giờ mưu cầu một sự tri ân. Tôi biết, chưa ai trong các thầy cô của tôi, bạn bè của tôi rồi sau này là học sinh của tôi kế nghiệp thầy, mỗi năm tiễn những cánh chim bay đi mong chúng quay về để báo đáp.

Không ai cả! Anh kép Tư Bền bắt buộc cháy đến tận cùng vì nghề nghiệp, vì mưu sinh, lòng tự trọng. Sứ mệnh của con tằm là phải nhả tơ. Sứ mệnh của thầy cô là dạy chữ. Nhưng gieo tình thương thì không thể gọi là nghĩa vụ. Mỗi lần trái tim con người rung lên những nhịp thương yêu là từng ấy lần phải được trân trọng và cảm ơn. Bất kỳ thương yêu nào trên đời này cũng phải được khắc ghi và nâng niu. Không hẳn vì người mà chính vì mình. Bởi lẽ chỉ khi có lòng biết ơn mới khiến người ta đứng lên, đứng thẳng và rồi sẽ vươn cao. Chỉ có nuôi giữ được lòng biết ơn người ta mới có thể yêu mình, yêu người và yêu đời. Không có lòng yêu thì sống sao đây? 

“Các em yên tâm, cô sẽ không để các em thiệt thòi. Các em hãy tự tin dù hôm nay các em thiếu vở, thiếu bút… Ngày mai dù ít dù nhiều cô sẽ mang về cho các em!”. Khi đọc những lời động viên của cô hiệu trưởng một trường tiểu học trong tâm lũ, không hiểu sao tôi cứ nghĩ đến mẹ mình. Cho đến bây giờ, đã đi qua cái quãng ấu thơ một đoạn xa lắc, tôi vẫn không cách gì bỏ đi được một thói quen: mỗi khi lâm vào tình cảnh thắt ngặt hay tuyệt vọng là cả lòng dạ, tâm trí lại nghĩ đến mẹ. Hệt như ngày còn nhỏ. Tôi biết chỉ cần có mẹ, bằng cách này hay cách khác, mẹ sẽ đưa tôi qua vùng rắc rối, ngổn ngang. Tôi biết chỉ cần có mẹ, tôi có thể ngủ yên không giật mình. Tôi biết chỉ cần có mẹ là ngày mai sẽ khác…

Đã, đang và sẽ luôn có những người thầy như thế.

Triệu Vẽ 
(giáo viên Trường THPT Trần Quang Khải, Q.11, TP.HCM)

 

 


 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI