Lo xa với corona là đúng hay làm quá?

08/02/2020 - 10:48

PNO - Giữa việc đưa thông tin (đúng) gây hoang mang cộng đồng và ém thông tin khiến người ta chủ quan, bất cẩn để bệnh dịch lan nhanh, cách nào hay hơn?

Khác với không khí trong lành mà hiếm hoi những ngày "qua mùng" mới có, bầu không khí u ám về dịch bệnh phủ khắp các quán xá, nhà hàng và dày dặc đến khó thở trên mạng xã hội. Y tế cấp huyện cũng sẵn sàng đối phó dịch. Bệnh viện quận cũng gấp rút xây khu cách ly…

Cùng với việc mỗi sáng mai ngủ dậy, lại nghe số người nhiễm tăng cao, lại nghe tin gần trăm người tạ từ cõi thế, là hàng loạt số liệu thông tin khác có tính chất hủy diệt mà phải mất một khoảng thời gian hoang mang, tìm kiếm, may ra mới được khẳng định đó là fake news (tin giả) hay sự thật. 

Người dân xếp hàng mua khẩu trang tại một nhà thuốc tây ở TPHCM
Người dân xếp hàng mua khẩu trang tại một nhà thuốc tây ở TPHCM

Tìm kiếm thông tin là nhu cầu chính đáng của cộng đồng, nó tồn tại đương nhiên như thiên tai, địch họa đi cùng nỗi bất an. Ai đó hô hào: “Thôi ngừng đọc mạng xã hội đi, số người chết vì corona đang thấp hơn nhiều lần số người lên phường gặp công an vì tung tin sai lệch”. Tuy vậy, chính người đó có thể bỏ máy tính hay điện thoại ra mà sống yên, không nạp các thông tin nhiều nguồn về dịch bệnh?

Sự sống, cái chết là nỗi lo muôn đời của con người. Ở thời có quá nhiều kênh thông tin nhiễu loạn, nỗi lo ấy còn nhân lên gấp bội khi nhìn đâu cũng thấy những bài viết, số liệu rùng mình. Có thể lâu nay ta vẫn chỉ bấm theo dõi vài kênh thông tin chính thống, nhưng lúc này, liệu có đáng tin và đủ cho nhu cầu mạnh mẽ của ta?

Sau cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng ở Vũ Hán - người cùng 7 bác sĩ khác cảnh báo nguy cơ về một bệnh dịch lạ với các đồng nghiệp rồi bị xử lý vì tung thông tin gây hoang hoang cộng đồng, người ta bắt đầu hoài nghi các số liệu từ chính quyền Trung Quốc. Cùng với đó, các số liệu từ vài trang báo ngoài đại lục Trung Hoa, vài clip từ chính tâm dịch Vũ Hán bắt đầu được chia sẻ lại, dù vài ngày trước đó các số liệu, clip đã tạm mất sức hút.

Cậu đồng nghiệp trưa nay kể chuyện tranh luận với một bác sĩ: “Giữa việc đưa thông tin (đúng) gây hoang mang cộng đồng và việc ém thông tin khiến người ta chủ quan, bất cẩn để bệnh dịch lan nhanh, thì cách nào hay hơn?”

Cậu đồng nghiệp rõ ràng đã "gài" câu chữ với vị bác sĩ vốn giỏi chuyên môn nhưng không lanh lẹ mồm miệng. Bác sĩ nói: “Ờ thì với các bác sĩ, tất nhiên thà lo xa còn hơn chủ quan. Vì nguy cơ đại dịch kiểu này khác hẳn với các cơn dịch bệnh y học đã nắm chắc cách trị”. 

Sự lựa chọn của một bác sĩ sẽ khác sự lựa chọn của một doanh nhân đang kinh doanh ế ẩm vì thông tin dịch. Trong các diễn đàn, dậy lên vô số cuộc tranh luận có nên lo xa, lo quá mức hay cứ bình thản theo dòng thời sự?

Nhiều phụ huynh như tôi, “hóng tin” cả ngày chưa yên tâm, còn thức xuyên đêm đọc hết sạch bất cứ gì liên quan, tất nhiên mục đích là để gạn lọc thông tin rồi truyền tải cho người già, trẻ nhỏ trong gia đình. 

Có những đêm hội phụ huynh và giáo viên nhắn tin sáng đêm. Có những ngày dài hồi hộp phấp phỏng chờ sở giáo dục ra một cái văn bản và rồi khi ai đó reo lên "quyết rồi!" thì cả cộng đồng phụ huynh reo vang như nhận tin chiến thắng. Tuần này, thông tin dịch leo vào cả trường học thì thôi rồi, toang thật rồi. Đố phụ huynh nào còn phàn nàn sao trường không giữ cháu cho chúng tôi đi làm nữa. 

Ai đó vẫn bảo chúng tôi lo xa quá mức, cứ phòng ngừa cẩn thận đúng hướng vẫn là ổn mà. Ơ hay, ngay cả các hướng dẫn phòng ngừa cũng thay đổi mỗi ngày theo tình hình. Mới hôm nào, thông tin chỉ là corona lan qua dịch hô hấp, thì sau đó là tay nắm cửa, vòi nước, bàn phím máy tính, nút bấm cầu thang, và khả năng tồn tại trên vải, sắt, gỗ, nhựa... Thời gian chúng sống ngoài môi trường lên tới 6-12 tiếng. 

Mới hôm nào, thông tin y tế dự phòng là buộc phải dùng khẩu trang mọi nơi mọi chỗ. Bây giờ, Tổ chức Y tế thế giới, Bộ Y tế Việt Nam lại khuyến cáo người khỏe mạnh và không tiếp xúc nguồn bệnh hay ra nơi đông người thì không cần thiết đeo, tránh phụ thuộc vào cái khẩu trang gây tình trạng "an tâm ảo". Bằng chứng sống động là ở cuộc họp báo của Bộ Y tế, các quan chức ngành y đều không hề đeo khẩu trang, trong khi lớp lớp phóng viên thì đều quá sợ hãi, bao kín mũi và miệng. 

Ngày hôm qua, khi đọc bản tin một học sinh lớp 10 nhiễm virus 2019- NCoV, cảm giác đầu tiên của tôi là giận dữ. Nếu tỉnh Vĩnh Phúc quyết nhanh như nhiều sở giáo dục khác, thì em học sinh ấy ngày 30/1 đã không tới trường, giảm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. 

Thông tin đúng kèm các biện pháp hợp lý, các giải thích cụ thể đi kèm sẽ hạn chế gây hoảng loạn và không tới mức xáo trộn xã hội. Chính vì sự thiếu dứt khoát, chậm trễ các quyết định liên quan tới sức khỏe cộng đồng hay thiếu hụt thông tin mới gây ra tình trạng thông tin giả (fake news) và khiến người ta rối nùi, không thể chọn lọc.

T. Minh

(Bài viết mang quan điểm cá nhân của tác giả)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(4)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI