Liên hoan phim Venice 2020: Phim của đạo diễn nữ vượt trội về lượng và chất

12/09/2020 - 19:53

PNO - "Các bộ phim của đạo diễn nữ tham gia tranh giải năm nay dựa trên chất lượng chứ không phải là những ưu ái về giới".

Là liên hoan phim quốc tế hạng A lâu đời nhất được tổ chức offline trong thời điểm hầu hết các liên hoan phim khác đều tổ chức online do dịch Covid-19, liên hoan phim Venice đang diễn ra tại Ý (từ ngày 2-12/9) còn gây chú ý khi có sự tham gia của rất nhiều nhà làm phim nữ danh tiếng trên thế giới. 

Lần đầu tiên trong 77 năm liên hoan phim Venice

Một vị trí tranh giải Sư tử vàng tại Liên hoan phim (LHP) Venice có thể mở ra cột mốc mới trong sự nghiệp của một nhà làm phim, hoặc được xem là ứng viên của mùa giải Oscar sắp tới. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, tỷ lệ nhà làm phim nữ có phim tranh giải Sư tử vàng (Golden Lion) vẫn rất hiếm hoi, và luôn bị chỉ trích vì sự mất cân bằng đó. 

Trong 62 bộ phim tranh giải chính thức từ năm 2017 đến 2019, chỉ có bốn bộ phim do các đạo diễn nữ thực hiện. Song, mọi thứ có vẻ đã thay đổi một cách ngoạn mục trong kỳ LHP lần thứ 77 đang diễn ra tại Venice, với 44% phim tranh giải chính thức (In of competition) được đạo diễn bởi các nhà làm phim nữ, tức chiếm gần một nửa. 

Đạo diễn Mỹ gốc Hoa Chloé Zhao đang chỉ đạo Frances McDormand trên phim trường Nomadland
Đạo diễn Mỹ gốc Hoa Chloé Zhao đang chỉ đạo Frances McDormand trên phim trường Nomadland

Dù đã hoàn thành phần quay hơn một năm trước, bộ phim Nomadland của nữ đạo diễn trẻ Mỹ gốc Hoa Chloé Zhao lại phù hợp đáng ngạc nhiên với bối cảnh xã hội của nước Mỹ hiện nay: tái hiện lại thời kỳ đại khủng hoảng kinh tế của nước Mỹ thập niên 30 của thế kỷ trước và cuộc sống của những người ở bên lề xã hội do mất công ăn việc làm.

Sau khi một công ty của gia đình ở vùng nông thôn Nevada bị phá sản, Fern, một người phụ nữ ngoài 60 (do nữ diễn viên hai lần đoạt giải Oscar Frances McDormand đóng) quyết định thực hiện một chuyến đi để khám phá cuộc sống rộng lớn ở miền Tây nước Mỹ trên một chiếc xe tải như một người du mục thời hiện đại. 

Là đạo diễn hai bộ phim độc lập từng tham dự, giành giải tại LHP Cannes và đang hoàn thành bộ phim siêu anh hùng của Marvel có tên Eternals do Angelina Jolie đóng chính, nữ đạo diễn trẻ sinh năm 1982 Chloé Zhao vẫn cho thấy thế mạnh thực sự của cô trong những bộ phim độc lập về đề tài xã hội, đặc biệt là thân phận của những con người nhỏ bé, đơn độc ở miền Tây nước Mỹ. 

Trong khi đó, nữ biên kịch, đạo diễn đến từ Na Uy Mona Fastvold mang đến bộ phim lãng mạn đồng tính nữ The World to Come với diễn xuất của Vanessa Kirby và Katherine Waterston. Cô vốn là một nữ biên kịch quen thuộc với LHP Venice khi kịch bản hai bộ phim trước đó từng tranh giải Sư tử vàng là Vox Lux (Natalie Portman đóng chính) và The Childhood of a Leader, nhưng đây là lần đầu tiên cô được mời tham dự chính thức với một bộ phim đậm đặc nữ tính do chính cô đạo diễn. Nội dung kể về hai người phụ nữ kết hôn với hai người đàn ông nông dân, nhưng cuối cùng lại đem lòng yêu nhau, bối cảnh diễn ra vào những năm 1850 ở New York. 

Nữ diễn viên kỳ cựu từng hai lần đoạt Oscar Frances McDormand trong bộ phim Nomadland tranh giải Sư tử vàng.
Nữ diễn viên kỳ cựu từng hai lần đoạt Oscar Frances McDormand trong bộ phim Nomadland tranh giải Sư tử vàng.

Danh sách những phim tranh giải của các đạo diễn nữ còn có bộ phim mang màu sắc chính trị đương đại And Tomorrow the Entire World của nhà làm phim người Đức Julia von Heinz và Miss Marx, một bộ phim tiểu sử về cuộc đời cô con gái út của Karl Marx do Susanna Nicchiarelli đạo diễn… 

Ngoài ra, sự vượt trội của nữ đạo diễn tại Venice năm nay còn phải kể đến bộ phim lãng mạn hình sự của Pháp Lovers của đạo diễn Nicole Garcia; The Macaluso Sisters của Emma Dante đến từ Ý; Never Gonna Snow Again của nữ đạo diễn Ba Lan Malgorzata Szumowska và Quo Vadis, Aida? của nhà làm phim Jasmila Zbanic đến từ Bosnia.

Trong khi đó ở hạng mục tranh giải phim ngắn, bộ phim Anita khai thác chủ đề về chế độ phụ hệ trong cộng đồng người Mỹ gốc Ấn của đạo diễn Sushma Khadepaun trở thành bộ phim Gujarati đầu tiên được trình chiếu tại Venice, LHP lâu đời nhất thế giới. Đây là một trong số rất ít lần nữ đạo diễn Ấn Độ được lựa chọn chính thức ở Venice. Người đầu tiên là Mira Nair, nữ đạo diễn đã đoạt giải Sư tử vàng cho Monsoon Wedding gần hai thập niên trước.

Lựa chọn vì chất lượng, không phải vì giới

Trong buổi họp báo khai mạc LHP, Giám đốc LHP Venice, ông Alberto Barbera nhấn mạnh đến tỷ lệ phần trăm “đáng xấu hổ” khi thiếu vắng những tiếng nói quan trọng của các nhà làm phim nữ trên khắp thế giới ở các kỳ LHP trước.

Tuy nhiên, ông khẳng định, số lượng vượt trội các bộ phim của đạo diễn nữ tham gia tranh giải năm nay “hoàn toàn dựa trên chất lượng của chúng chứ không phải là những ưu ái về giới”. “Đây là tỷ lệ phần trăm chưa từng có trong lịch sử LHP Venice và chúng tôi kỳ vọng sẽ tạo ra một bước ngoặt cho tương lai, nơi điện ảnh sẽ không có bất kỳ định kiến và phân biệt đối xử nào về giới tính” - ông nói tiếp. 

Đoàn làm phim The World to Come trong buổi ra mắt bộ phim tại Liên hoan phim Venice
Đoàn làm phim The World to Come trong buổi ra mắt bộ phim tại Liên hoan phim Venice

Nhiều nhà báo và phê bình phải thừa nhận điều đó. Các bộ phim của đạo diễn nữ năm nay vừa mang tính toàn cầu vừa hợp với thời sự. Ví dụ, nhà làm phim nữ người Đức Julia von Heinz bắt đầu phát triển kịch bản And Tomorrow the Entire World từ 20 năm trước, nhưng câu chuyện của cô về chủ nghĩa tân phát xít và chống phát xít ở Đức phù hợp với bối cảnh hiện nay hơn bao giờ hết. Bà nói: “Phong trào cánh hữu ở Đức ngày càng trở nên mạnh mẽ, không chỉ ở nước Đức mà còn ở nhiều quốc gia phương Tây khác. Năm 2020 có vẻ là năm hoàn hảo để bộ phim này khai sinh”.

“Đây là bộ phim nói về mối liên hệ trí tuệ, cảm xúc và thể chất mãnh liệt giữa hai người phụ nữ bình thường đã có gia đình. Nhiều người hỏi tôi tại sao lại kể một câu chuyện về hai người phụ nữ bình thường yêu nhau? Tôi muốn nói rằng, cần phải có một vị trí trong lịch sử cho những người bình thường và trầm lặng, chứ không chỉ là những nhân vật mang tính biểu tượng hoặc có thật như Napoléon chẳng hạn”.

Đạo diễn Mona Fastvold nói về phim The World to Come

Julia von Heinz nhấn mạnh, bà gửi bộ phim này đến LHP Venice vì ngưỡng mộ một bộ phim khác do phụ nữ đạo diễn là Marianne and Juliane của Margarethe von Trotta. Bộ phim kể về hai cô con gái của một vị linh mục đứng lên đấu tranh cho những thay đổi trong xã hội, chẳng hạn như hợp pháp hóa việc phá thai. Tuy nhiên, cách đấu tranh của hai chị em họ khác nhau hoàn toàn: một người dấn thân với vai trò nhà báo, trong khi cô em gái tham gia vào một tổ chức khủng bố. 

Điều thú vị: Marianne and Juliane của Margarethe von Trotta là bộ phim đầu tiên của một đạo diễn nữ từng đoạt giải Sư tử vàng tại Venice vào năm 1981.

Từ đó đến nay, có thêm ba nhà làm phim nữ nữa từng đoạt giải Sư tử vàng là đạo diễn nổi lên từ trào lưu Làn sóng mới của Pháp - Agnès Varda với bộ phim Vagabond (1985), nữ đạo diễn Ấn Độ Mira Nair với Monsoon Wedding (2001) và gần nhất là Sofia Coppola với Somewhere vào năm 2010. 

Đạo diễn Julia von Heinz thừa nhận rằng, bà cảm thấy tự tin, thoải mái và tự hào với không khí đậm đặc nữ tính của LHP Venice năm nay. 

Trong một năm có sự vượt trội về số lượng và chất lượng phim của các đạo diễn nữ, lại do một nữ diễn viên danh tiếng làm chủ tịch Ban giám khảo là Cate Blanchett (từng làm Chủ tịch Ban giám khảo LHP Cannes hai năm trước) và trao giải Thành tựu trọn đời cho hai biểu tượng nữ khác (đạo diễn Hứa An Hoa người Hồng Kông và nữ diễn viên Tilda Swinton), chúng ta hoàn toàn hy vọng rằng, nữ giới sẽ làm nên chuyện tại LHP Venice năm nay. 

Lâm Lê

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI