Lao động nữ làm việc ở nước ngoài: Đi rủi ro, về bất trắc

31/08/2013 - 17:42

PNO - PN - Chị N.T.L. (Ba Vì, Hà Nội) đi giúp việc tại Ả rập Xê út nhưng bị lừa bán vào nhà chứa, thường xuyên bị đánh đập. Chị L. là một trong số nhiều lao động nữ đi xuất khẩu lao động gặp rủi ro nhưng không được bảo vệ.

edf40wrjww2tblPage:Content

Từ bị gạ gẫm...

Theo thống kê, phụ nữ đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) có xu hướng gia tăng (chiếm trên 36% trong tổng số lao động đi XKLĐ). Bình quân mỗi năm có 27.000 nữ đi XKLĐ, tốc độ tăng 2,9%. Hàng năm, số ngoại tệ LĐ nước ngoài nói chung và phụ nữ nói riêng gửi về nước khoảng hai tỷ USD. Tuy nhiên ở nước ngoài, so với nam giới, phụ nữ gặp nhiều khó khăn hơn do vẫn chưa được bảo vệ một cách tốt nhất.

Chị N.N.M. (quê Nghệ An) cho biết: “Trầy trật mãi tôi mới đi làm công nhân may ở Malaysia, gặp phải chủ không tốt, luôn tìm cách để phạt và trừ tiền lương. Có tuần, ngày nào họ cũng phạt tiền tương đương 50.000 đồng. Mình có phản ứng cũng chẳng được gì vì họ cầm đằng cán, họ giữ lương của mình”. Một số LĐ giúp việc gia đình không tránh khỏi tình trạng bị các “ông chủ” gạ gẫm: “Ông ấy bảo bỏ chồng đi, chồng mày xấu lắm. Có đêm, ông ấy tìm cách sờ soạng khiến tôi không dám chợp mắt”, chị K. một nữ giúp việc nhà ở nước ngoài, quê Thái Bình, kể.

Theo khảo sát mới đây về “thực trạng và nhu cầu của nạn nhân bị buôn bán, bóc lột sức lao động trở về nước” của Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) cho thấy: khoảng 23,5% người lao động (NLĐ) không nhận được thông tin đầy đủ về công việc sẽ làm; 24,14% NLĐ không biết chi phí thực tế của chuyến đi cũng như chi phí bồi thường; 93,56% NLĐ bị lừa gạt ít nhất một lần trong quá trình làm việc nước ngoài.

Bước chân đi XKLĐ, LĐ nữ đã gặp muôn vàn khó khăn nhưng khi về nước, họ còn phải tự bươn chải, tự tìm việc làm. Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Viện Nghiên cứu gia đình và giới cho biết: trong một khảo sát NLĐ đi XKLĐ trở về ở TP.HCM và các tỉnh lân cận cho thấy, chỉ có 20% là có việc làm nhưng thường là tự mở cơ sở sản xuất kinh doanh theo kiểu gia đình, còn 80% có công việc bấp bênh hoặc thất nghiệp. Chưa kể, thời gian sống xa cách có thể là nguyên nhân dẫn đến rạn nứt trong hôn nhân. Qua kết quả nghiên cứu, có gần 50% các hộ gia đình được phỏng vấn cho rằng khi phụ nữ đi XKLĐ, quan hệ gia đình trở nên lỏng lẻo. 84% người chồng cho biết, họ gặp khó khăn khi chăm sóc con. “Do đó, khi quyết định đi XKLĐ, NLĐ cần xác định rõ những mặt tích cực cũng như hệ lụy do XKLĐ mang lại”, bà Tâm nhấn mạnh.

Lao dong nu lam viec o nuoc ngoai: Di rui ro, ve bat trac

Lao động nữ đi XKLĐ cần được quan tâm và bảo vệ nhiều hơn (Lao động nữ làm việc tại Malaysia, ảnh mang tính minh họa)

Đến thiếu sự hỗ trợ

TS Nguyễn Hữu Minh, Viện Nghiên cứu gia đình và giới nhận định: “Khó khăn lớn nhất mà LĐ nữ đi XKLĐ đang đối mặt là không có các dịch vụ bảo trợ, hỗ trợ pháp lý khi ở nước ngoài. Một số LĐ nữ cho biết, họ không nhận được sự trợ giúp của các công ty tuyển dụng khi có vấn đề tranh chấp xảy ra với giới chủ. Pháp luật về người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chưa có quy định về trách nhiệm công đoàn, khi gặp trục trặc NLĐ không biết tìm ai để bảo vệ cho mình".

Theo ông Phạm Đỗ Nhật Tân, Phó Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ Việt Nam, hiện có 170 doanh nghiệp (DN) đưa LĐ đi XKLĐ được cấp phép. Những bất cập trong công tác quản lý, bảo vệ NLĐ chưa nghiêm, dẫn đến “vàng thau lẫn lộn”, có “đất” để các tổ chức trục lợi, lừa đảo NLĐ. Các phát hiện của đoàn giám sát của Quốc hội cũng cho thấy, DN tuyển dụng của Nhà nước cũng thu của NLĐ tiền vé máy bay cao hơn năm triệu đồng/người so với quy định.

TS Nguyễn Thị Lan Hương, Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐ-TB-XH) đề nghị, cần đào tạo cho LĐ nữ kỹ năng phòng ngừa và đối phó trong trường hợp bị xâm hại, xóa bỏ định kiến giới trong nghề nghiệp, hỗ trợ LĐ nữ tiếp cận thông tin XKLĐ chính thức, nâng cao nhận thức về bình đẳng cho NLĐ và gia đình họ...

PGS-TS Nguyễn Văn Tiệp, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM cho rằng, cần thành lập các hội, nhóm như hội gia đình có người đi XKLĐ để họ có điều kiện chia sẻ kinh nghiệm, chuẩn bị tâm lý cho những người chuẩn bị đi-về và thân nhân của họ; cùng sinh hoạt, chia sẻ tâm tư, tình cảm khi vợ chồng sống xa nhau, cách quản lý giáo dục con cái…

Các chuyên gia LĐ đề nghị nên hỗ trợ kinh phí XKLĐ cho phụ nữ nghèo, lập đường dây nóng hoặc địa chỉ hỗ trợ pháp lý cho LĐ nữ ở nước sở tại. Đồng thời, phải xử phạt nghiêm các công ty XKLĐ vi phạm pháp luật như tước giấy phép, công bố liên tục, rộng rãi trên các phương tiện truyền thông để NLĐ được biết.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) hiện Việt Nam có khoảng 500.000 LĐ đang làm việc tại 40 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mỗi năm, có từ 70.000-80.000 LĐ đi làm việc ở nước ngoài, trong đó LĐ nữ chiếm 20-36%. LĐ nữ đi làm việc ở nước ngoài thường làm trong nhà máy, nông nghiệp, dịch vụ và giúp việc gia đình.

 Quỳnh Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI