Làn sóng mới từ văn học châu Âu

15/05/2018 - 19:00

PNO - Một loạt tác phẩm văn học nhanh chóng được chuyển ngữ ra nhiều thứ tiếng và bán rất chạy nhờ hiệu ứng phim điện ảnh chuyển thể.

Một loạt gương mặt tác giả mới nổi cùng đề tài mới mẻ, nhân vật độc đáo đã tạo nên chất riêng của văn học châu Âu đương đại. Ngày hội văn học châu Âu lần III (từ ngày 12-20/5 tại Đường sách TP.HCM) đã phần nào giúp độc giả nhận diện được nền văn học đương đại ấy.

Dịch giả Hoàng Anh (nhà xuất bản Trẻ) nhận xét: “Văn học Ý giàu cảm xúc, các tác phẩm thường tạo được sự rung cảm, đồng điệu sâu sắc với độc giả. Văn học Pháp mang triết lý nhân sinh về thế giới, luôn khiến người đọc phải ngẫm ngợi. Văn phong của các tác giả Thụy Điển khá lạnh lùng, nhưng lại lồng ghép nhiều ý nghĩa châm biếm, trào lộng và cũng không kém phần hài hước, nhân văn”.

Lan song moi tu van hoc chau Au

Một số tựa sách văn học châu Âu đương đại bestseller tại Việt Nam

Nhà báo Lê Hồng Lâm phát hiện điểm mới của nhiều tác phẩm bestseller đương đại, chính là “mùi già” trong nhiều tựa sách. Điển hình là Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất (Jonas Jonasson, tái bản lần thứ 16). Các tác phẩm Người đàn ông mang tên Ove, Bà ngoại tôi gửi lời xin lỗi và Britt - Marie đã ở đây (của nhà văn Thụy Điển Fredrik Backman) cũng cùng dạng. Những người rất già rất hiếm được khai thác trong văn học châu Âu trước đây.

Jonas Jonasson và Fredrik Backman từng là nhà báo, vừa viết sách đã nổi tiếng ngay. “Tôi gọi đó là sức hấp dẫn của “mùi già” - các nhân vật kể chuyện cuộc sống của họ sau khi đã sống qua nửa đời người. Dù bằng giọng văn hài hước, tác phẩm để lại nhiều giá trị nhân sinh, rất ý nghĩa, rất thấm thía” - Lê Hồng Lâm lý giải.

Chiều 14/5, chương trình chiếu phim - giới thiệu tiểu thuyết Thời nắng lịm của nhà văn Đức Eugen Ruge sẽ diễn ra tại Café thứ Bảy. Một loạt tác phẩm mới cũng sẽ được giới thiệu đến bạn đọc TP.HCM: Đời ong (Maurice Maeterlinck, Pháp), Cách mạng (sách của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron)…

Các đại diện từ Áo, Đan Mạch, Đức, Phần Lan, Pháp, Cộng hòa Séc, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Ý và Phái đoàn Wallonie-Bruxelles (Bỉ) mang đến nhiều sự kiện giao lưu với nhà văn, tác phẩm của quốc gia mình.

Lần đầu tiên, họa sĩ Estelle Meens (Bỉ) đến Việt Nam nhân dịp bộ truyện tranh (gồm bốn tập) của cô được nhà xuất bản Trẻ chuyển ngữ và phát hành: Điều ước của em, Từ ngày hôm ấy, Tớ là sếp và Ngày vô tận của mẹ. Đây là những quyển sách rất mỏng, minh họa màu sống động, kể những câu chuyện thường ngày giản dị, nhưng có ý nghĩa với trẻ nhỏ.

Bên cạnh sức lan tỏa cộng hưởng từ sách từ phim, Ngày hội văn học châu Âu còn truyền đi những phong cách sống từ các nước thông qua những tựa sách kỹ năng: Hygge - Hạnh phúc từ những điều nhỏ bé (trải nghiệm cuộc sống theo chiều sâu và chiều rộng của người Đan Mạch), Lagom - Vừa đủ (kim chỉ nam sống của người Thụy Điển), Vượt qua tất cả (nghệ thuật sống của người Phần Lan)… 

Diệp Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI