Lạm dụng trải nghiệm ngoài thành phố: Đưa tiêu chí học sinh tham gia vào đánh giá giáo viên

10/11/2022 - 16:59

PNO - Nhiều trường THPT tại TPHCM đưa tiêu chí học sinh tham quan học tập, trải nghiệm ngoài thành phố vào đánh giá thi đua giáo viên. Nếu lớp ít học sinh tham gia, giáo viên sẽ bị đánh giá "không tận tâm, không quan tâm tới lớp, không tạo được sự đoàn kết trong lớp”.

Còn quá nhiều bất cập

Hoạt động trải nghiệm ngoại khoá ngoài thành phố đang được nhiều trường tổ chức đem lại nhiều ý nghĩa tích cực cho học sinh, giúp các em được “xả stress” sau thời gian học trên lớp.

Những chuyến đi còn giúp các thành viên trong lớp có thêm sự gắn kết, thấu hiểu nhau, tạo nên những kỉ niệm đẹp của tình bạn. Đây cũng là cơ hội để học sinh có thêm nhiều hiểu biết thực tế về cuộc sống với những trải nghiệm mà sách vở không thể nào làm được.

Lý thuyết là vậy nhưng trên thực tế, có rất nhiều vấn đề cần phải xem xét lại để có thể tổ chức hiệu quả hoạt động tham quan, học tập trải nghiệm ngoài thành phố.

Việc đưa học sinh đi tham quan học tập trải nghiệm ngoài nhà trường còn tồn tại nhiều bất cập
Việc đưa học sinh đi tham quan học tập trải nghiệm ngoài nhà trường còn tồn tại nhiều bất cập

Nói về những bất cập này, một giáo viên THPT tại quận 3 chỉ rõ, việc nhiều trường tổ chức các chuyến tham quan học tập trải nghiệm “ồ ạt” cùng một thời điểm dẫn đến việc quá tải ở những địa điểm tham quan được “ưa thích”, chẳng hạn như Đà Lạt. Khi tới các địa điểm tham quan, tốp này phải chờ tốp kia ra thì mới được vào. Với thời gian hạn hẹp, học sinh không thể có trải nghiệm trọn vẹn. 

Điều bất cập nữa là việc triển khai các hoạt động trải nghiệm chưa phong phú, những chuyến đi có phần nhàm chán khi địa chỉ tham quan quá quen thuộc. Có rất nhiều trường hợp, ở năm cấp 2 (lớp 9) học sinh đã được trường tổ chức tham quan ở địa điểm này, sang năm cấp 3 (lớp 10) trường mới lại tiếp tục chọn địa điểm đó để cho học sinh tham quan trải nghiệm. Chính vì vậy, học sinh không còn hào hứng để tham gia, khiến các chuyến trải nghiệm mất đi ít nhiều ý nghĩa.

"Điều quan trọng là chưa có sự chuyên nghiệp trong cách tổ chức các hoạt động học tập trong chuyến đi. Đa số những chuyến học tập trải nghiệm nhưng lại thiên về tham quan du lịch theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”. Nhà trường và đơn vị tổ chức chưa có sự phối hợp để tạo ra những chuyến học tập đúng nghĩa"- giáo viên này nhấn mạnh. 

Học sinh không tham gia là giáo viên không tận tâm với lớp?

Một giáo viên Trường THPT Lương Văn Can (quận 8) chia sẻ, vì trường nằm ở vùng ven thành phố, đa số học sinh là con em lao động nghèo, tiền ăn, tiền học phí còn chật vật. Vì thế, chi phí để tham gia những chuyến ngoại khoá dài ngày lên đến tiền triệu, là gánh nặng lớn cho phụ huynh.

"Nói là tham gia trên tinh thần tự nguyện nhưng ban lãnh đạo lại yêu cầu giáo viên chủ nhiệm phải tìm mọi cách để thuyết phục (tới mức ép buộc) học sinh trong lớp tham gia đầy đủ. Thậm chí, lấy tiêu chí đó để đưa vào nội dung đánh giá thi đua đối với giáo viên. Nếu giáo viên chỉ vận động được số ít học sinh trong lớp tham gia có thể bị xếp vào lỗi “không tận tâm, không quan tâm tới lớp, không tạo được sự đoàn kết trong lớp”. Vì lẽ đó, nhiều giáo viên chủ nhiệm cảm thấy áp lực, nặng nề khi phải tìm mọi cách để thuyết phục học sinh tham gia “cho đạt chỉ tiêu về số lượng” mà nhà trường đưa ra" - giáo viên này bức xúc.

Thường xuyên theo chân học sinh đi tham quan, trải nghiệm ngoài thành phố, giáo viên một trường THPT tại quận 7 bày tỏ bản thân cũng không mấy vui vẻ khi được (bị) điều động tham gia trong chuyến đi. Nếu lớp quá ít học sinh tham gia thì giáo viên đôi khi còn bị nhà trường đánh giá, thậm chí còn trở thành yếu tố ảnh hưởng đến bình bầu, xét thi đua cuối năm…

Nhiều giáo viên gặp áp lực trước các chuyến đi trải nghiệm ngoài thành phố
Nhiều giáo viên gặp áp lực trước các chuyến đi trải nghiệm ngoài thành phố

“Để quản lý được học sinh trong chuyến đi rất cực khi các em đều đang trong độ tuổi mới lớn, ham vui chơi. Chỉ một sự bất cẩn cũng có thể gây ra những điều đáng tiếc. Chưa kể, nhiều học sinh phàn nàn với phụ huynh về chất lượng bữa ăn, nơi nghỉ không tương xứng với số tiền phải bỏ ra, chuyến đi bớt phần ý nghĩa. Điều đó khiến giáo viên cảm thấy áy náy với cả học sinh và gia đình các em” - giáo viên chủ nhiệm này chia sẻ. 

Trong khi đó, anh N.V.T. - phụ huynh học sinh lớp 10 một trường THPT tại TP. Thủ Đức kể, mới đây gia đình vừa đóng 595.000 đồng để con được tham gia trải nghiệm 1 ngày tại Vũng Tàu cùng nhà trường. Theo anh, mức chi phí này là chưa hợp lý nếu không muốn nói là quá đắt đỏ, tuy nhiên anh vẫn đồng ý cho con tham gia. 

"Nhà trường nói rằng chuyến đi không mang tính bắt buộc nhưng em nào không tham gia phải có lý do chính đáng. Khi con nói rằng con không muốn tham gia vì Vũng Tàu gia đình cũng đi nhiều rồi thì lý do này lại không được giáo viên chấp nhận. Vậy lý do nào thì được xem là chính đáng và lý do nào là không chính đáng". 

Hiệu trưởng một trường THPT tại quận 1 nhấn mạnh, việc tổ chức các chuyến đi tham quan, học tập trải nghiệm ngoài thành phố cho học sinh nhà trường chỉ mong tạo ra không khí vui tươi cho học sinh, được nhà trường tổ chức bài bản, có kế hoạch và cực kỳ chú trọng yếu tố an toàn chứ không phải thích thì làm.

Dù vậy, hiệu trưởng này thừa nhận hiện nay việc đưa học sinh ra ngoài thành phố đến các tỉnh thành xa thời gian di chuyển trên xe nhiều, ít nhiều ảnh hưởng đến hiệu quả trải nghiệm. Các công ty du lịch mà nhà trường phối hợp cũng chưa có sự đổi mới nhiều trong thiết kế tour cho học sinh, chưa lồng ghép được nhiều các điểm đến riêng biệt cho học sinh mà dường như mới chú trọng đến yếu tố dịch vụ, du lịch.

"Tôi cũng từng đề cập vấn đề này đến các công ty du lịch đối tác nhưng còn gặp khó khăn về kinh phí. Tuy nhiên, những chuyến trải nghiệm tới đây cho học sinh nhà trường tôi sẽ đặt yêu cầu cao hơn về vấn đề này để đảm bảo các chuyến đi tham quan, học tập trải nghiệm mang đúng ý nghĩa...", vị hiệu trưởng này chia sẻ.

Quốc Trung 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI