Lâm Đồng bắt đầu mạnh tay với phân lô bán nền

19/03/2021 - 10:21

PNO - UBND huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản gửi Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Phòng Tài nguyên – Môi trường, UBND các xã, thị trấn yêu cầu dừng triển khai các chủ trương cho tự nguyện hiến đất làm đường đi trên địa bàn.

Theo UBND huyện Lâm Hà, thời gian vừa qua, trên địa bàn huyện việc các hộ dân có nhu cầu tự nguyện hiến đất làm đường đi chung tại các xã, thị trấn diễn ra tương đối phổ biến với các mục đích: Mở đường đi chung cho các hộ dân xung quanh, đường đi phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp, thuận lợi cho việc sử dụng đất của gia đình.

Các chủ trương đã được UBND huyện chấp thuận cho hiến đất và mở đường đi với quy mô đường GTNT loại B theo quyết định 4927/QĐ-BTGTVT chiều rộng mặt đường 3,5 – 5m, lề đất 0,5 – 1m mỗi bên, kèm mương thoát nước dọc. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, rà soát một số nội dung có liên quan, mục đích hiến đất làm đường đi chung nhưng lại chủ yếu là phục vụ việc tách thửa sau đó.

Nhiều hộ dân xin hiến đất làm đường để đi lại nhưng lại dùng phục vụ tách thửa
Nhiều hộ dân xin hiến đất làm đường để đi lại nhưng lại dùng phục vụ tách thửa

Để việc hiến đất, mở đường của các cá nhân, tổ chức trên địa bàn huyện được quản lý chặt chẽ đúng mục đích và theo quy định, UBND huyện đề nghị dừng toàn bộ công việc đang thực hiện liên quan đến các chủ trương cho tự nguyện hiên đất làm đường đi trên địa bàn.

Giao Phòng Kinh tế và Hạ tầng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu, giải quyết các hồ sơ xin hiến đất làm đường theo quy định chuyên ngành và nội dung quyết định 04/2021/QĐ-UBND ngày 19/1/2021 của UBND tỉnh Lâm Đồng quy định điều kiện tách thửa, điều kiện hợp thửa và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, kiểm tra, hướng dẫn điều chỉnh đối với các trường hợp đã cho chủ trương theo đúng nội dung quyết định 04/2021/QĐ-UBND.

Trước đó, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng xuất hiện nhiều tờ rơi quảng cáo và thông tin trên mạng xã hội Facebook, Zalo… về việc môi giới buôn bán đất nền tự phân lô gắn mác khu nghỉ dưỡng, dự án đầu tư để thu hút người mua tại một số huyện, thị trấn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Riêng địa bàn huyện Lâm Hà, qua rà soát tại các xã Đông Thanh, Gia Lâm, Mê Linh, thị trấn Nam Ban (cụm Nam Ban), Phúc Thọ, Tân Hà (cụm Tân Hà) đang có dấu hiệu xuất hiện tình trạng nêu trên.

Tình trạng phân lô tách thửa gắn mác nghĩ dưỡng rầm tộ
UBND huyện Lâm Hà dừng chủ trương tự nguyện hiến đất để hạn chế tình trạng phân lô tách tràn lan 

UBND huyện Lâm Hà chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tổ chức kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm cấm các trường hợp tự ý xây nhà trên đất nông nghiệp, tự ý mở đường, múc đất san gạt mặt bằng, xây dựng công trình hạ tầng trái phép trên địa bàn quản lý. Giao Phòng Kinh tế và Hạ tầng tham mưu xử lý vi phạm về xây dựng trái phép hạ tầng trên các khu đất tự phân lô theo chức năng, nhiệm vụ được giao. 

Đồng thời, yêu cầu chi nhánh văn phòng Đăng ký đất đai huyện giải quyết hồ sơ tách thửa, hợp thửa, đặc biệt tại các khu vực có nhiều thông tin phản ánh về tình trạng phân lô, bán nền trái phép trên địa bàn đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Trước đó, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã ra nhiều văn bản chỉ đạo kiểm tra chặt chẽ việc phân lô bán nền. 

Quyết định số 04/2021/QĐ-UBND ban hành ngày 19/1/2021 của UBND tỉnh Lâm Đồng quy định: Trường hợp tách hoặc hợp thửa, người sử dụng đất phải có giấy chứng nhận. Thửa đất mới hình thành phải đảm bảo các điều kiện như: Tiếp giáp đường giao thông hiện hữu; nếu hình thành đường giao thông mới thì chiều rộng đường tối thiểu 5,5m (khu vực đô thị) hoặc 7m (khu vực nông thôn); 

Đối với trường hợp thửa đất nông nghiệp thuộc quy hoạch sử dụng đất (hoặc quy hoạch phân khu) là đất ở mà người sử dụng đất có nhu cầu tách thửa theo mục đích đất ở thì thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng một phần (hoặc toàn bộ thửa đất) sang đất ở theo quy định, sau đó lập thủ tục tách thửa theo quy định tại quyết định này.

Đất ở thuộc quy hoạch sử dụng đất là đất nông nghiệp thì diện tích tối thiểu tách thửa là 500m2. Với đất nông nghiệp, diện tích tối thiểu tách thửa cũng là 500m2. Những thửa đất có nhiều mục đích sử dụng, nếu thuộc quy hoạch đất ở mà muốn tách thửa đất ở đồng thời có đất nông nghiệp thì thực hiện theo quy định nêu trên. Trong đó, diện tích đất nông nghiệp không cần đảm bảo tối thiểu 500m2; 

Nếu thuộc quy hoạch đất nông nghiệp, diện tích tối thiểu tách thửa là 500m2 nhưng diện tích đất ở chỉ thuộc một trong các thửa đất sau khi tách. Trường hợp tách đất ở ra thuộc các thửa đất khác nhau thì diện tích đất ở trong từng thửa đất sau khi tách tối thiểu phải 500m2.

Bích Trần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI