"Làm công nhân thì sao?"

18/09/2016 - 14:00

PNO - “Không chịu học mai mốt chỉ có nước đi làm công nhân?” - người mẹ cảnh báo khi đứa con tỏ vẻ chán nản khi ngồi vào bàn học.

“Tôi từng có ý nghĩ sẽ làm một việc mà mình cho rằng cần thiết, là thuyết phục một số ông bố bà mẹ rằng đừng tạo áp lực chuyện học hành cho con. Nhưng ý nghĩ này đã bị dội gáo nước lạnh. Có người nói với tôi: “Cô xem cách dạy con của cô đã chuẩn chưa mà đòi dạy dỗ người khác?”. Nghe vậy, tôi hơi nóng mặt. Rồi thôi.

Thôi thì mình áp dụng cho con mình là đủ. Nhưng sáng nay, vừa mở máy tính, đập vào mắt là câu chuyện thương tâm: một học sinh lớp 11 ở Bình Dương nhảy sông tự tử vì áp lực học hành, khiến tôi không thể không viết một điều gì đó.

Tối qua, tôi cứ nghĩ mãi khi thấy hình ảnh bé Hiếu (học lớp 2) bị bà nội và mẹ phạt đứng ngoài cửa từ 8g20 đến 10g tối, vì tội sang hàng xóm chơi mà không lo học bài. Trời áp thấp nhiệt đới, gió lạnh, thằng bé đứng co ro ngoài hành lang, thỉnh thoảng lại tựa đầu vào tường, dáng như nửa đứng nửa ngồi vì mỏi quá.

Căn hộ sát cạnh nhà bé Hiếu cũng có hai bạn học lớp 2 và lớp 5. Nghĩa là nhà cũng có con trẻ, nhưng chưa khi nào nghe một tiếng hò hét ồn ào. Một năm các con tôi có lẽ nhìn thấy các bạn ấy vài ba lần thấp thoáng ở nơi chờ thang máy. Căn hộ đóng kín kể cả ngày lễ, tết. Học, đó là lý do duy nhất.

Dưới sân tòa nhà chung cư có một khu sân chơi sạch đẹp với đủ cầu trượt, xích đu, các dụng cụ tập thể dục ngoài trời. Mùa hè, buổi tối sân chơi còn ồn ào, nhưng từ khi vào năm học, chỉ ngày cuối tuần mới có lác đác vài bạn nhỏ. “Sao con không xuống sân chơi, hôm nay Chủ nhật mà”, tôi thắc mắc. Một trong số những đứa trẻ trong tòa nhà trả lời: “Cháu còn phải học. Với cả mẹ cháu bảo hè thì mẹ cho chơi ở sân chơi”.

Chiều qua chồng tôi đi chơi với nhóm bạn cấp III về kể rằng, bảy người có mặt trong bữa ăn thì sáu người có con học trường chuyên. Ở tuổi các anh, niềm hãnh diện khi gặp nhau là con học trường gì, vừa đạt thành tích gì và say sưa chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm trường lớp, thầy cô, trung tâm nào chất lượng.

Vào những dịp cuối kỳ, tổng kết năm trên bảng thông tin facebook liên tục cập nhật những thành tích của các con do bố mẹ đưa lên. Dưới mỗi dòng trạng thái, bức ảnh bảng khen là những lời ngợi ca và cả những khát vọng.

“Trẻ con bây giờ sướng chứ không khổ như ngày xưa”. Đây là câu tôi nghe nhiều người nói nhất và ít thấy ai phản đối. Tôi nghĩ khi nói câu này, người ta đặt nó trong phạm vi sự ăn uống, quần áo, tiện nghi. Cái đói khổ về vật chất kéo dài quá lâu khiến khái niệm về sự sung sướng được hiểu một cách chủ quan.

Theo họ, bọn trẻ sướng vì chỉ học thôi, chả phải làm gì. Bởi thế, đương nhiên phải giỏi. Chỉ dừng lại ở nắm hết kiến thức bài giảng, giáo khoa là chưa đủ. Phải làm được, làm hết bài tập trong sách nâng cao. Học giỏi mới nên người. Học giỏi mới hơn người. Học giỏi là lựa chọn bắt buộc, bất chấp năng lực con tới đâu.

 “Không chịu học mai mốt chỉ có nước đi làm công nhân?” - người mẹ cảnh báo khi đứa con tỏ vẻ chán nản khi ngồi vào bàn học. “Làm công nhân thì sao?”. Chẳng phải ai trong chúng ta cũng rung động trước hình ảnh một người công nhân vào nhà máy tay lấm lem dầu mỡ nhưng lòng đầy nhiệt huyết, yêu thương cha mẹ, vui vẻ với bạn bè hơn là một nhân viên văn phòng có bộ mặt vô cảm, sống ích kỷ, hẹp hòi?

Cuối cùng con là cái gì? Là công cụ hiện thực hóa những ước mơ, lý tưởng, mục tiêu của bố mẹ? Là một thực thể chỉ được phép hấp thu những thức ăn bổ dưỡng do bố mẹ lựa chọn? Là một trạng thái sống theo những khuôn phép đã đặt ra?

Rất nhiều đứa trẻ thành phố đã trở nên như thế. Chào khách đến nhà rõ to theo chỉ thị của mẹ nhưng khuôn mặt nó vô cảm, mắt vẫn dán vào màn hình ti vi. Nó thậm chí không dám xin bác hàng xóm một ly nước lọc khi khát khô cả cổ, vì mẹ cấm sang nhà người khác không được ăn uống gì. Nó đã bị triệt tiêu khả năng nhận định đúng sai, nên - không nên và nhu cầu tự nhiên. Tồn tại duy nhất: được phép và không được phép.

Đào tạo con như thế nào, theo cách nào là lựa chọn của mỗi gia đình. Xin trích lại vài dòng từ lá thư tuyệt mệnh của học sinh lớp 11 để lại cho bố mẹ: “Con luôn suy nghĩ rằng phải đậu trường công an hay y cho bố mẹ vui lòng, nhưng con thực sự rất mệt, con mệt lắm, con buông xuôi tất cả. Con không thể hoàn thành nó được…”.

Xuân Ca

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI