PNO - Lãi suất cho vay tiêu dùng thấp là một trong những yếu tố quan trọng để kích cầu chi tiêu, mua sắm trong dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP nhưng hiện mặt bằng lãi suất này vẫn đang quá cao.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ tháng 3/2021 mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, tất cả các mức lãi suất (LS) cho vay của Việt Nam hiện nay đều thấp hơn mức chung trong khu vực Đông Nam Á. Với mức trần 4,5%/năm (LS vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên), mức LS của Việt Nam đang thấp hơn mức bình quân của khu vực (5,7%/năm). Tuy nhiên, theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa công bố gần đây, LS cho vay bình quân của Việt Nam là khoảng 7,2%/năm, cao hơn mức bình quân của khu vực.
Các ngân hàng cần tiếp tục giảm lãi suất cho vay tiêu dùng để hỗ trợ các khách hàng cá nhân
Hiện tại, theo đánh giá của người dân, chuyên gia, LS cho vay ở Việt Nam vẫn đang khá cao, đặc biệt LS cho vay tiêu dùng. Theo khảo sát của Báo Phụ Nữ TPHCM, trong quý I/2021, mức LS cho vay theo hình thức tín chấp khoảng từ 10-16%/năm (có ưu đãi). Khi hết đợt ưu đãi, các ngân hàng (NH) thường áp dụng mức LS từ 16-25%/năm. LS cho vay theo hình thức thế chấp trong khoảng từ 7% đến hơn 10%/năm. Một số NH đang đẩy mạnh các chương trình ưu đãi, khuyến mãi, tặng LS nên mức LS áp dụng trong thời gian đầu vay thế chấp chỉ từ 6-8,3%/năm.
Sở dĩ LS cho vay tín chấp gấp đôi, thậm chí gấp ba LS cho vay thế chấp là do hình thức vay này không có tài sản đảm bảo. Các NH buộc phải đẩy LS lên cao để bù đắp chi phí rủi ro.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - người có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tài chính ở Mỹ - nhận xét, mặt bằng LS như vậy là vẫn còn khá cao, mức giảm chưa tương xứng với tốc độ giảm lạm phát (bình quân quý I/2021 tăng 0,29%, là mức thấp nhất trong 20 năm trở lại đây). Điểm thứ hai là hiện các NH thường áp dụng chương trình khuyến mãi, ưu đãi nên mới có mức LS vay tiêu dùng (mua nhà, mua ô tô…) ở mức 6-8%/năm. Tuy nhiên, ưu đãi chỉ kéo dài sáu tháng hoặc tối đa một năm, sau đó LS được thả nổi theo thị trường.
“Vừa qua, nghe nói LS giảm, tôi định vay để mua nhà. Khi hỏi, các NH vẫn báo LS cho vay quá cao, thường từ 7-8% trong thời gian đầu, sau đó trên 10%/năm. Thu nhập giảm, kinh doanh khó khăn do dịch COVID-19 mà lãi vẫn cao thế thì rất khó để trả được nợ” - chị N.T.H., ở Q.Tân Bình, TPHCM, nhận xét.
Biên độ lãi quá “khủng”
Trung tâm Phân tích chứng khoán SSI (SSI Research) vừa công bố báo cáo đánh giá về LS. Theo đó, trong năm 2020, LS cho vay giảm từ 1-1,5%, thấp hơn mức giảm của LS tiền gửi (2-2,5%). Nhờ vậy, biên độ lãi ròng (NIM) của hầu hết các NH thương mại cổ phần (TMCP) đã tăng rất mạnh trong nửa cuối năm 2020 và hiện ở mức khoảng 4%.
Theo công bố, NH TMCP Đông Nam Á (SeaBank) có lợi nhuận quý I/2021 hợp nhất đạt 698,3 tỷ đồng, tăng gần 2,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Lê Đức Thọ - Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank - cho biết, ước tính, lãi trước thuế quý I/2021 của NH này đạt khoảng 7.000-8.000 tỷ đồng (chưa gồm nguồn thu từ hợp tác bán bảo hiểm với Manulife), cao hơn 135-175% so với cùng kỳ năm trước. Ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank - cho biết, trong quý I/2021, NH đạt lợi nhuận khoảng 7.000 tỷ đồng, tương đương 28% kế hoạch cả năm (25.200 tỷ đồng). Như vậy, so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận quý này cao hơn khoảng 34%…
Hàng loạt NH báo lãi “khủng”, đó là điều rất đáng mừng nếu xét về mặt kinh doanh của họ. Nhưng, với biên độ lãi ròng lên tới 4%, rõ ràng các NH đang hưởng lợi rất lớn từ việc huy động tiền gửi với LS thấp và cho vay với LS cao. Kể cả khi đã trừ đi các khoản trích lập dự phòng rủi ro, chi phí huy động thì biên độ lãi này cũng là “cao lịch sử”, đặc biệt là trong bối cảnh tất cả các ngành nghề, khách hàng đang khốn đốn vì đại dịch COVID-19, rất cần sự hỗ trợ về LS từ các NH.
Thị trường vẫn luôn kỳ vọng vào chính sách tiền tệ ổn định để kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô. Cùng với đó là mặt bằng LS thấp để người dân, doanh nghiệp có thể vay vốn đầu tư, chi tiêu. Do đó, chiến lược khôn ngoan nhất của các NH trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay là giảm chi phí, giảm một phần lợi nhuận để chia sẻ với khách hàng, từ đó thu hút được nhiều khách hàng hơn, mở rộng mạng lưới hơn, tăng tín dụng bền vững hơn. n
Gia Kỳ
Lãi suất vay tín chấp cao nhất lên đến 30%/năm
Tại NH TMCP Quân Đội (MBBank), gói vay thế chấp dành cho tiêu dùng đối với khách vay mua bất động sản có LS vay sáu tháng là 7,2%/năm; sau thời hạn này, sẽ cộng thêm biên độ dao động là 3,0%; LS 12 tháng là 7,7%/năm, biên độ dao động là 3,2%; LS 18 tháng là 8,5%/năm, biên độ dao động 3,5%; 24 tháng là 9%, biên độ 3,6%. Với gói vay mua ô tô, LS ưu đãi 7,4% dành cho kỳ hạn sáu tháng, sau đó cộng thêm biên độ 3,2%/năm; vay 12 tháng thì LS 7,9%/năm, biên độ 3,4%.
Tại phòng giao dịch Bình Thạnh, TPHCM của NH TMCP Tiên Phong (TPBank), nhân viên tín dụng cho hay, có các gói vay dạng tín chấp, LS tùy thuộc vào cơ quan nơi khách hàng làm việc. Nếu người vay đang làm việc cho các cơ quan nhà nước, thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng thì LS là 19,6%/năm; nếu làm cho các công ty tư nhân, mức lương thấp hơn thì LS lên đến từ 20-25,6%/năm.
LS cho vay tiêu dùng tín chấp tại NH TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) được tính theo nhiều cách. Nếu khách vay có bảo hiểm y tế thì LS là 28%/năm, còn khách vay không có bảo hiểm y tế thì LS là 32%/năm. Nếu vay theo lương, cũng tùy mức lương mà mức LS khác nhau: người có thu nhập dưới 7 triệu đồng/tháng, LS là 30%/năm; thu nhập từ 7-10 triệu đồng/tháng, LS là 26%/năm; thu nhập từ 10-20 triệu đồng/tháng, LS là 22%/năm; thu nhập từ 20-30 triệu đồng/tháng, LS là 18%/tháng; thu nhập từ 30 triệu đồng trở lên/tháng, LS là 16%/tháng. Tại NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), LS vay tín chấp tùy thuộc vào đối tượng khách hàng. Với công chức nhà nước, LS từ 1-1,2%/tháng; với khách vay làm việc tại các công ty cổ phần, tập đoàn lớn, LS từ 1,3-1,4%/tháng; với khách hàng làm việc tại các công ty tư nhân, thành lập dưới 5 năm, LS từ 1,4-2,17%/tháng…
Ông Phan Đình Tuệ - Phó Tổng giám đốc Sacombank - thông tin, trước đây LS huy động cao, các NH không thể giảm LS cho vay nhiều. Nguồn vốn cho vay của các NH phụ thuộc vào khả năng huy động tiền gửi nên để có mức giảm LS hỗ trợ khách hàng trong thời gian xảy ra dịch COVID-19, NH đã phải “gồng mình”, cắt giảm chi phí, kể cả lương thưởng của nhân viên. “Hy vọng trong thời gian tới, LS đầu vào giảm thì LS đầu ra mới có thể giảm được” - ông Tuệ nói.
Nếu người tham gia bảo hiểm bị ảnh hưởng thiệt hại do bão Yagi, các doanh nghiệp phải thực hiện ngay việc tạm ứng bồi thường, trả tiền nhanh chóng, kịp thời.
Khá nhiều cây xăng ở TPHCM treo bảng “cấm sử dụng điện thoại” khiến một số khách hàng cảm thấy áy náy, băn khoăn khi muốn thanh toán bằng chuyển khoản.
Ngày 6/9/2024, Saigon Co.op đã tổ chức lễ khai trương Co.opmart Phạm Thế Hiển tại quận 8, TPHCM, đưa hệ thống Co.opmart đạt con số 131 điểm bán trên toàn quốc.