Lại ồn ào mua bán giải hoa hậu: Cơn khát danh hiệu “hão” bao giờ ngưng?

14/06/2022 - 17:50

PNO - Chị Đặng Thị Hương (35 tuổi, quê Bà Rịa Vũng Tàu) - Á hậu 3 Hoa hậu Quý bà Việt Nam Toàn cầu 2022 tố BTC cuộc thi mua bán giải.

Nhóm thí sinh đạt giải trong đêm chung kết Hoa hậu Quý bà Việt Nam Toàn cầu 2022, diễn ra hồi tháng 4, tại TP Đà Nẵng
Nhóm thí sinh đạt giải trong đêm chung kết Hoa hậu Quý bà Việt Nam Toàn cầu 2022, diễn ra hồi tháng 4, tại TP. Đà Nẵng

Thí sinh nói một đằng, BTC nói một nẻo

Chị Hương kể ban đầu BTC thông báo chi phí trọn gói để tham gia là 20 triệu đồng, bao gồm vé máy bay 2 chiều, ăn ở… Trong quá trình tham gia, chị được chào mời mua giải. Khi giao dịch, trao đổi, họ không sử dụng từ ngữ mua bán, mà dùng các từ tự quy ước với nhau, không có giấy tờ. 

Tổng cộng, chị Hương đã chuyển 800 triệu đồng, trong thời gian dự thi. Chị Hương nói bà Đặng Gia Bena, trưởng BTC là người trực tiếp chào mời, nhưng tiền được chuyển cho ông Huỳnh Trương Minh Tuấn, phó BTC. 

Ông Trung Hoàng, đại diện BTC, nói không có việc mua bán giải, cho rằng hợp đồng giữa bà Hương và ông Tuấn là hợp đồng miệng, bao gồm nhiều khâu như: quần áo, truyền thông, trang điểm, sử dụng dịch vụ cao cấp hơn, ăn ngon hơn, hình ảnh xuất hiện nhiều hơn…

5 lần chuyển khoản của chị Hương đến tài khoản của ông Tuấn
5 lần chuyển khoản của chị Hương đến tài khoản của ông Tuấn với tổng số tiền 800 triệu đồng

Chị Đặng Thị Hương phản bác, cho biết về ăn, ở, đi lại, thí sinh đều theo đúng sự sắp xếp của BTC, ngang bằng nhau, trong khoản chi phí ban đầu. Về quần áo, trang điểm, thí sinh có thể sử dụng từ nhà tài trợ, hoặc tự thoả thuận với ê-kíp trang điểm, NTK và tự lo chi phí này.

Chị Hương cho biết, sau khi chuyển khoản đủ số tiền trên, trước đêm chung kết, chị nhận được câu hỏi ứng xử từ BTC, kèm theo câu trả lời để học thuộc. Vì sợ thí sinh khác phát hiện nên chị chụp lại trên điện thoại để học, không dám cầm giấy. Ngoài ra, chị Hương cũng bị BTC thay đổi thông tin từ trưởng phòng, thành giám đốc công ty. Chị từng đề nghị BTC công bố đúng thông tin, nhưng BTC không thực hiện.

Chị tố một số thí sinh khác cũng được BTC yêu cầu thay đổi thông tin. Một số không đồng ý, nên bỏ thi. Ngoài ra, điều khiến chị bức xúc là những hứa hẹn của BTC không được thực hiện sau cuộc thi, giúp hình ảnh được lan tỏa. 

Chị Đặng Thị Hương
Chị Đặng Thị Hương trong đêm chung kết, nhận giải Á hậu 3

Liên lạc với ông Minh Tuấn, phó BTC cuộc thi để làm rõ một số thông thông tin phản bác từ chị Đặng Thị Hương, nhưng ông cáo bận, từ chối trả lời. 

Ngày 9/6, Sở Văn hoá Thể thao Đà Nẵng đã có buổi làm việc với công ty Top Star - đơn vị tổ chức cuộc thi này. Ông Phạm Tấn Xử - Giám đốc Sở cho biết hiện đang đợi BTC cung cấp hồ sơ, chưa thể cung cấp thông tin cụ thể về quá trình làm việc. Nếu có yêu cầu từ Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở sẽ báo cáo theo yêu cầu. Nếu có sai phạm, sẽ xử lý theo luật định quản lý nhà nước hiện hành.

Cơn khát danh hiệu đến bao giờ?

Đây không phải lần đầu việc mua bán danh hiệu diễn ra ở các cuộc thi nhan sắc dành cho đối tượng quý bà, doanh nhân. Năm 2020, hoa hậu Q.H.L của cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Sắc đẹp Việt tố cáo BTC mua bán giải, chỉ sau vài ngày đăng quang. Chị này cho biết chị và nhiều thí sinh chi hàng trăm đến tiền tỷ để có được giải thưởng. 

BTC bị phạt 90 triệu đồng vì tổ chức thi “chui”. Tháng 2/2022, công an TPHCM truy tìm Giám đốc công ty Khổng Tước, đơn vị tổ chức cuộc thi này để điều tra hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. 

Cùng trong năm 2020, ông Trương Huỳnh Minh Tuấn, phó BTC Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam Toàn cầu kêu cứu đến cơ quan công an vì bị nhóm người lạ mặt dọa giết. Nguồn cơn của sự việc được nghi vấn liên quan chuyện mua bán giải. 

Cách đây ít ngày, chị H. thí sinh Hoa hậu Thương hiệu Việt Nam 2018 (cũng do bà Đặng Gia Bena tổ chức) tố BTC gạ mua giải, nhưng chị không đồng ý. Tại cuộc thi Nữ hoàng sắc đẹp Việt Nam 2014, thí sinh Ngọc Bích tố BTC không chuyên nghiệp, có dấu hiệu mua bán giải. Sự việc được chuyển công an điều tra vào thời điểm đó.

Hoa hậu Doanh Nhân Sắc đẹp Việt bị chính người chiến thắng tố cáo mua bán giải
Hoa hậu Doanh nhân Sắc đẹp Việt 2020 bị chính người chiến thắng tố cáo mua bán giải

Cơn khát danh hiệu của người dự thi đã khiến những tiêu cực nảy sinh. Điều mà họ nhận về, cũng chỉ là trái đắng. Chị Đặng Thị Hương, chị Q.H.L, chị H. sau khi tham gia các cuộc thi đều nhận ra rằng những trải nghiệm này hoàn toàn không có ích, thậm chí khiến họ rước phiền toái vào người. Danh hiệu có được không có giá trị, không được trân trọng. “Tôi không muốn những người phụ nữ đi sau vướng vào sai lầm tương tự nên đứng lên tố cáo”, chị Hương nói. 

Cơ chế mở từ nghị định 144/2020/NĐ-CP về nghệ thuật biểu diễn dẫn đến trong 6 tháng qua, có đến hàng chục cuộc thi lớn, nhỏ, dành cho nhiều đối tượng được tổ chức. Số hoa hậu, á hậu được ra đời tăng theo cấp số nhân, đến mức công chúng không thể nhớ mặt, gọi tên. Những cuộc đổi chác tiền bạc càng khiến danh hiệu rẻ rúng.

Thực trạng được phơi bày liệu có khiến những cơn khát danh hiệu được cắt giảm, để trả lại những cuộc thi nhan sắc lành mạnh? Bên cạnh việc quản lý của cơ quan chức năng thì sự tỉnh táo của người dự thi cũng là yếu tố tiên quyết hàng đầu, để điều chỉnh sự tiêu cực này. Bởi lẽ, khi chẳng có cầu, thì không có cung.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI