Lại chuyện con sâu

26/07/2015 - 06:30

PNO - PN - Chuyện hai anh em là du khách Việt đi du lịch Thụy Sĩ, bị bắt phạt vì ăn cắp kính trong một cửa hàng thời trang, đang thành đề tài đàm tiếu của dư luận. Tổng cục Du lịch đã phải yêu cầu đơn vị tổ chức chuyến đi có hai...

Một điều chắc chắn là cơ quan quản lý du lịch của cả nước không thể và không bao giờ là “cái phanh” chặn đứng thói ăn cắp vặt. Một lần nữa, hình ảnh quốc gia bị bêu rếu; hình ảnh người Việt một lần nữa lọt vào tầm ngắm đề phòng, thậm chí khinh khi của người nước ngoài, bởi hễ người Việt xuất hiện, là coi chừng bị mất cắp.

Khách du lịch ăn cắp; tiếp viên hàng không ăn cắp; sinh viên ăn cắp; đại gia ăn cắp. Ăn cắp từ Nhật, Thái, Hàn, Singapore, lan cả sang châu Âu. Có học, ít học, giàu, nghèo, ăn cắp tuốt. Nhiều đến mức tại Nhật Bản, tháng 6/2013, bức ảnh do một du học sinh tại Nhật chụp tấm biển cảnh báo được viết cả bằng tiếng Việt và tiếng Nhật: “Ăn cắp vặt là phạm tội. Nếu ăn cắp vặt thì bị phạt tù dưới 10 năm. Ngay khi phát hiện ăn cắp vặt thì chúng tôi sẽ thông báo cho cảnh sát ngay lập tức. Camera phòng chống tội phạm đang hoạt động. Tăng cường điều tra”. Thật hổ thẹn!

Sẽ có người chống chế rằng, những kẻ ăn cắp vặt không phải là đám đông, là tất cả. Thưa rằng, một người cũng có thể là tất cả, một khi đã đóng cái mác là người Việt ở xứ khác. Ông bà nói “ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt”. Kinh nghiệm dân gian, rồi sau này các nhà nghiên cứu đúc rút, chỉ rõ ăn cắp vặt đó là thói xấu cố hữu của người Việt. Thói tính “thích cầm nhầm” qua thời gian, càng biến tướng, che đậy dưới nhiều hình thức, mà lạ, là thích ăn cắp vặt. Ăn cắp được giữa chốn đông người, thì vênh mặt lên, tự sướng rằng mình khôn khéo hơn người, là bệnh mà giới nghiên cứu chỉ ra là “không hướng đến việc tích lũy trí tuệ, mà chỉ hướng tới ứng xử khôn khéo”, tức là thích thu vén bản thân, và ăn cắp cũng là một cách thu vén.

Một điều chắc chắn là những người đi du lịch Thụy Sĩ trên không thể nghèo, và cũng có thể họ được phổ biến rằng, sang xứ người, vào siêu thị, cửa hàng, thì việc giám sát của người ta rất chặt chẽ. Nhưng trong một phút… cao hứng thăng hoa, họ… hiện nguyên hình và đưa tay… cầm nhầm. Điều đáng nói, là chuyện đàm tiếu, lên án đang sôi lên ở ta nhiều khi cũng lập lờ. Báo chí đưa ảnh lên mà làm mờ mặt, ghi tên tắt. Tại sao cứ vậy, mà không phóng to rõ ảnh, tên tuổi cụ thể cho mọi người biết, bởi ở đây không còn là chuyện đời tư cá nhân, mà là quốc thể bị bôi bẩn.

Có những nước, hễ ai ăn cắp bị bắt là bị chặt tay, đem ra giữa quảng trường cho thiên hạ ném đá. Hình phạt ấy tất nhiên là quá man rợ, rùng rợn, nhưng cũng có tác dụng làm chùn tay bao kẻ manh nha ăn cắp. Thói xử lý duy tình, ỡm ờ, không bị chế tài bằng luật ở ta, đã góp phần dung dưỡng cho thói xấu “xuất khẩu”. Ở nước mình, có một căn bệnh phổ biến dai dẳng, là thích chung chung, chẳng đến nơi chốn việc gì, ngay cả luật pháp “muốn hiểu thế nào cũng được”, ít xử phạt làm gương, hay đưa ra luận điểm: phạt để giáo dục là chính. Muốn giáo dục cho nên người, thì phải phạt đủ nặng, để răn đe kẻ khác, chứ không chỉ để người bị phạt sợ.

Chừng nào người Việt chưa được răn dạy nghiêm túc và trừng phạt đúng mức để biết sợ hãi rằng, ăn vắp vặt là đồng nghĩa với việc mình bị phỉ báng, không có cơ hội ló mặt ra với đám đông, thì những tức tối và phiền phức vẫn còn liên lụy, làm khổ đám đông.

Cũng chuyện du khách Việt ở nước ngoài, những ngày qua, ngành hàng không đang khốn khổ vì hải quan Singapore từ chối nhập cảnh một số nữ du khách, dù đầy đủ giấy tờ. Nghe có vẻ lạ tai, nhưng những người từng nghe chuyện “du lịch Singapore không mất tiền” sẽ đỏ mặt vì tủi hổ.

Trên các diễn đàn mạng, du khách rào rào kháo nhau kinh nghiệm qua cửa hải quan Singapore: nếu đi một mình, ăn mặc không kín đáo, trang điểm mắt xanh mỏ đỏ thì rất khó “lọt”. Tại sao? Là vì, từ vài năm nay, có quá nhiều những cô gái đội lốt khách du lịch để sang nước này làm những việc không hay, gây mất trật tự trị an.

Tệ nạn mang rượu, thuốc lá, hàng hóa lậu và cả ăn cắp vặt, vượt đèn đỏ trong kỳ du lịch cũng khiến không ít người rơi vào danh sách đen cấm nhập cảnh. Và khi nước bạn bảo vệ trật tự của họ, thì những người Việt đàng hoàng với nhu cầu đi du lịch, đi công tác, đi chữa bệnh... đã dở khóc dở cười tại cửa khẩu, nhiều người khác phải quay về nước trong uất ức. Những con sâu mắt xanh mỏ đỏ nào đó không chỉ làm rầu nồi canh, mà còn làm nhục quốc thể, vạ lây tới đám đông, khiến cả ngành giao thông và ngành ngoại giao phải xắn tay giải quyết.

Chuyện những con “sâu du khách” vi phạm pháp luật ở nước ngoài đang làm hình ảnh người Việt “không thể xấu hơn”. Nếu không có những cách xử lý, trừng phạt nghiêm hơn, e mọi chuyện sẽ còn kéo dài, và đến lúc chúng ta ra nước ngoài chỉ dám cúi đầu mà bước đi...

TRUNG VIỆT

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI