Kỳ vọng vào chương trình phục hồi và phát triển kinh tế

05/01/2022 - 06:11

PNO - Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế mà Chính phủ vừa trình Quốc hội được kỳ vọng sẽ tạo đà cho việc phục hồi kinh tế, cải thiện đời sống, thu nhập của người dân.

Cần hàng trăm ngàn tỷ để phục hồi

Sáng 4/1, trong ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp bất thường Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội về dự thảo nghị quyết chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội. Theo đó, chương trình có tổng quy mô 347.000 tỷ đồng. 

Gói hỗ trợ phục hồi kinh tế bao gồm một số chính sách nổi bật như giảm thuế, phí, lệ phí 64.000 tỷ đồng; đầu tư xây mới, nâng cấp hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng, viện và bệnh viện cấp Trung ương 14.000 tỷ đồng; cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội 5.000 tỷ đồng; hỗ trợ lãi suất cho đối tượng vay vốn 3.000 tỷ đồng; giảm chi phí cho doanh nghiệp khoảng 6.000 tỷ đồng thông qua việc gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất năm 2022…Chính phủ cũng sử dụng khoảng 46.000 tỷ đồng từ các nguồn tài chính hợp pháp khác để nhập khẩu vắc-xin, thuốc điều trị và thiết bị, vật tư y tế phục vụ việc phòng, chống dịch. 

Đánh giá cao sự kịp thời, cần thiết của gói hỗ trợ hồi phục kinh tế, tại phiên thảo luận tổ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra, tăng trưởng GDP năm 2021 đạt 2,58%, là con số thấp nhất trong 10 năm qua. Bên cạnh một số điểm sáng như nông nghiệp, xuất khẩu, Việt Nam đối diện với không ít vấn đề bất cập như khó đạt được mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đặt ra, đời sống của người dân gặp khó khăn, rất nhiều doanh nghiệp xuống sức… Do đó, gói hỗ trợ hồi phục kinh tế sẽ giúp giải quyết lao động, phục hồi tăng trưởng cho cả nước, không chỉ trong hai năm 2022 - 2023 mà còn cho cả sau này. 

Nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất tính toán, kiểm soát lạm phát khi triển khai gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, tăng đầu tư công
Nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất tính toán, kiểm soát lạm phát khi triển khai gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, tăng đầu tư công

Tuy nhiên, Chủ tịch nước lưu ý, một vấn đề quan trọng là phải giữ ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là chỉ tiêu lạm phát. Phải lưu ý lạm phát, giá dầu tăng trong điều hành kinh tế khi tung tiền ra nhiều. Đặc biệt, việc hỗ trợ cho người lao động và các khu vực bị ảnh hưởng cần khẩn trương, quyết liệt để tiền đến được tay người dân, doanh nghiệp. Gói phục hồi kinh tế phải được thiết kế phù hợp để người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận nhanh chóng và thuận tiện nhất, tránh tình trạng tham ô, lãng phí. 

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (tỉnh Cà Mau) nhận định, nên có chương trình phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, cần đánh giá tác động và chia ra làm hai kỳ, gồm phục hồi và tăng trưởng. Cụ thể, nền kinh tế phải phục hồi khỏe rồi mới đến kỳ tăng trưởng. Giai đoạn phục hồi có thể là phải 1,5 - 2 năm trong bối cảnh xuất hiện biến thể Omicron. Chính phủ cần đưa ra lộ trình thực hiện các chính sách để có nền tảng thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ. Nếu hoàn thiện được điều này thì tính thuyết phục của chương trình phục hồi kinh tế sẽ rất cao.

Phải tính đến lạm phát 

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Minh Đức (TP.HCM) nêu vấn đề, trước gói hỗ trợ hồi phục kinh tế lần này, Chính phủ đã có những gói hỗ trợ khác như gói 62.000 tỷ đồng, gói 28.000 tỷ đồng, gói riêng cho Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) 4.000 tỷ đồng… Do đó, gói hỗ trợ mới này phải có sự tính toán trên mặt bằng tổng thể, nhằm đảm bảo cân đối với việc thu, chi ngân sách. Ông đề nghị Chính phủ báo cáo rõ về tính hiệu quả của các gói hỗ trợ trước đây. 

Đại biểu Nguyễn Minh Đức cũng nêu hiện tượng “lạ”: mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh, việc sản xuất, kinh doanh trong nhiều lĩnh vực bị ngừng trệ nhưng thời gian qua, tiền đầu tư cho chứng khoán lại gia tăng khủng khiếp, giá bất động sản vượt quá tầm kiểm soát của Chính phủ và quy định của pháp luật. Do đó, ông đề xuất, gói hỗ trợ này phải ưu tiên cho các doanh nghiệp trong những lĩnh vực sản xuất tạo ra sản phẩm chứ không phải tạo ra giá trị, tài sản vô hình: “Phải đảm bảo tính thực tế, đúng quy định của Luật Đầu tư công, tránh dàn trải, thiếu thực tiễn”. 

Đại biểu Lê Hoàng Anh (tỉnh Gia Lai) cơ bản đồng tình với dự thảo nghị quyết của Chính phủ nhưng cho rằng, cần tập trung tháo gỡ ách tắc trong giải ngân vốn đầu tư công. Dự thảo chưa làm rõ được điểm nghẽn trong vấn đề này. Nếu chưa có giải pháp mà vẫn tiếp tục tập trung nguồn lực, lấy đầu tư công để dẫn dắt, phục hồi và phát triển, sẽ rất khó đạt hiệu quả như mong muốn. 

Giảm thuế, tiếp cận vốn vay lãi suất thấp... là những mong muốn hỗ trợ cấp thiết của các doanh nghiệp hiện nay để giúp họ khôi phục hoạt động. (Trong ảnh: Chế biến thực phẩm ở Công ty Sài Gòn Food) ẢNH: LINH LINH
Giảm thuế, tiếp cận vốn vay lãi suất thấp... là những mong muốn hỗ trợ cấp thiết của các doanh nghiệp hiện nay để giúp họ khôi phục hoạt động. (Trong ảnh: Chế biến thực phẩm ở Công ty Sài Gòn Food) - Ảnh: Linh Linh

Đặc biệt, đại biểu Lê Hoàng Anh đề nghị phải tính đến vấn đề lạm phát và Chính phủ phải có giải pháp điều hành, kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, trong báo cáo của mình, Chính phủ không nêu lên sự dịch chuyển của lạm phát và ở mức độ nào mà chỉ nói đến một số giải pháp để kiểm soát lạm phát. Liên quan tới vấn đề này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý, khi bơm tiền cho nền kinh tế, trong quá trình điều hành, cần phải đặc biệt quan tâm tới vấn đề lạm phát và giữ ổn định nền kinh tế vĩ mô. 

Quan tâm nâng cao năng lực y tế cơ sở

Đầu tư cho việc củng cố hệ thống y tế là một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm trong gói hỗ trợ phục hồi kinh tế lần này. Đại biểu Nguyễn Minh Đức cho rằng, cần rà soát từng đối tượng, kể cả đối tượng phòng, chống dịch bởi trong thời gian qua, đã xảy ra nhiều vấn đề vượt quy định pháp lý mà các cơ quan chức năng buộc phải xử lý. 

Ông Nguyễn Minh Đức cũng nhấn mạnh việc đầu tư hiệu quả cho y tế cơ sở, cấp xã, phường để người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế tốt nhất: “Nếu sức khỏe của người dân ở mức độ cần khám, chữa bệnh thông thường, họ chỉ cần đến dịch vụ y tế ở cấp xã, có đầy đủ y bác sĩ, thiết bị dụng cụ tốt, thay vì phải lên các thành phố lớn để tiếp cận dịch vụ y tế tốt hơn, dẫn đến nhiều vấn đề hệ lụy”. Theo ông, Việt Nam đang phát triển y tế theo hình chóp ngược, chưa ưu tiên y tế cơ sở. Cho rằng tờ trình của Chính phủ chưa nói rõ ràng, ông đề nghị: “Quan trọng là có thay đổi mô hình hay không? Chính phủ cần phải bổ sung”. 

Theo đại biểu Lê Hoàng Anh, việc đầu tư cho y tế là mối quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội. Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch COVID-19, nhưng bên cạnh COVID-19, cũng có thể xuất hiện các dịch bệnh khác. Do đó, cần tăng cường năng lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, đặc biệt là cho y tế cấp xã. “Báo cáo của Chính phủ chỉ nêu lựa chọn địa phương mà chưa lập được danh mục cụ thể các dự án. Như thế là chúng ta lại đi ngược. Vì vậy, Chính phủ cần rà soát và tính toán lại”. Đại biểu này đề nghị, cần xác định tiêu chí từ diện tích địa phương, quy mô dân số, số hộ nghèo, hộ cận nghèo, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, số lượng người mắc và tử vong do COVID-19 trong giai đoạn vừa qua… để bố trí nguồn lực nâng cao năng lực y tế từ cấp xã.

Đại biểu Trịnh Xuân An (tỉnh Đồng Nai) cho rằng, đầu tư cho hệ thống y tế thì không thể bỏ qua yếu tố nhân lực. Ông đề nghị, khi triển khai thực hiện gói hỗ trợ, Chính phủ cần phải điều hành sát sao, giám sát kỹ lưỡng để đảm bảo tính hiệu quả của đồng tiền bỏ ra.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá, y tế cơ sở của chúng ta hiện còn quá yếu kém. Vì vậy, cần nghiên cứu cụ thể, đề xuất các chính sách, xác định mức chi ngân sách nhà nước tối thiểu hằng năm dành cho y tế nhằm nâng cao năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEanlanhsongmanhvi /strCate=anlanhsongmanh
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthitruongvi /strCate=thitruong