"Kiều'' và những ngày ta sống

30/10/2020 - 06:13

PNO - Nghệ thuật chẳng cần quá nhiều nước mắt, nhưng nghệ thuật phải khơi gợi được những trắc ẩn thông thường nhất.

Ở thời điểm học sinh đến trường học rất nhiều văn chương nhưng rất khó nhớ và khó thích các tác phẩm xưa, thì nghe chừng sẽ bẽ mặt nếu hỏi chúng thuộc được bao nhiêu câu Kiều. Không ai muốn các tuyệt phẩm văn hóa quá khứ trở nên mất kết nối ở thì hiện tại, nhưng thực tế lại có quá nhiều rào cản khiến nhiều đậm đà truyền thống đuối sức khi len vào gia vị thưởng lãm của công chúng thời 4.0. 

Ấy vậy mà, cũng có khi lửa chín cơm sôi, tranh thủ lúc chồng con đang chúi đầu vào ti vi, chị em chúng tôi sực nhớ một câu Kiều. Sực nhớ vì nó nằm ngay đầu tác phẩm: Những điều trông thấy mà đau đớn lòng. Sực nhớ vì hóa ra mọi triết lý phức tạp thâm sâu có thể thấp thoáng trong vài chữ giản đơn. Và sực nhớ cũng còn vì độ này thiên tai khắc nghiệt, bao khổ sở và đau đớn cứ bày ra mồn một trước mắt.

Tạo hóa trêu ngươi
Tạo hóa trêu ngươi, thiên tai khắc nghiệt đang diễn ra trong cuộc sống

Thương cảm, xót xa, rồi lẩn thẩn trách ông trời sao nỡ nhẫn tâm tàn phá đời sống chúng sinh một cách lạnh lùng đến vậy. Chuyện một gia đình nghèo khó ở tỉnh Quảng Bình, mảnh đất mà hơn 200 năm trước Nguyễn Du từng trú chân làm quan, mất hai đứa con thơ dại vì nước lũ cuốn trôi, thật sự day dứt ám ảnh. Cùng là đàn bà nước Việt yêu con hơn yêu chồng, chị em chúng tôi quá thấu hiểu nỗi đau đến kiệt cùng nước mắt, sức lực của người mẹ trong đêm phải giữ quan tài của con để nước lũ không trùm lên.

“Ai vẽ bức tranh này” - Nguyễn Du đã từng thảng thốt như thế khi chứng kiến cảnh ba mẹ con đi ăn xin trong nhà quan yến tiệc linh đình. Nhưng có lẽ, đến cả Nguyễn Du cũng chưa thể hình dung cảnh tượng hậu thế của mình còn thê lương gấp bao lần. Tạo hóa thật biết trêu ngươi, mà văn chương, văn nhân hôm nay thì chưa có thêm nhiều Nguyễn Du để thấu hiểu, cất tiếng tường tận. 

Chẳng nghệ thuật nào chạm đến cuộc đời, nếu người viết không có những khoảnh khắc đau lòng. Trong hành trình sáng tạo, khoảnh khắc ấy đắc dụng và cần thiết biết bao. Bởi cùng một hiện thực, cùng những điều trông thấy như nhau, nhưng nhà văn đích thực, tài năng, thường là người đau đớn lòng trước tiên và sâu sắc nhất. Cảm giác đau lòng này là tự thân mang lấy và chẳng thể san nhường cho ai, ngoại trừ tự mình chuyển hóa thành những tác phẩm. Tuy thế, không cứ viết về lũ lụt, thiên tai, không cứ ròng rã làm thơ than thở nhà ngập núi đổ là đã thành tác phẩm.

Chẳng biết tự bao giờ, người người tranh nhau làm thơ chỉ để cho công chúng biết họ không vô cảm ra sao, để ai cũng xuýt xoa họ đã đau đớn lòng trước tai ương của người dân thế nào. Thực ra, nghệ thuật chẳng cần quá nhiều nước mắt, nhưng nghệ thuật phải khơi gợi được những trắc ẩn thông thường nhất. Nếu đau đớn lòng theo kiểu phong trào, văn nhân thường mệt mỏi với chính bản thân mình hơn là cứu giúp được ai. 

Nguyễn Du đã không thể làm được điều gì đáng kể để can thiệp hay thay đổi thời đại sơn hà đảo điên mà ông sống. Có lẽ ông cũng chẳng giúp ai vài đồng bạc, vài nắm xôi. Nhưng Nguyễn Du, trong nhiều năm im lặng sống ẩn nơi quê vợ và quê nhà, đã có những quan sát vào loại chân thực nhất về bản thân, về thời cuộc. Và nhờ thế, chúng ta không chỉ hiểu mà còn đồng cảm với những nỗi niềm, những đau đớn lòng của ông.

Khi nhà văn nhạy cảm với hiện thực, cũng là khi chúng ta có thể tin rằng họ đang vượt qua thế giới an toàn của mình để dấn thân vào những khó khăn, thử thách. Dẫu thế, đích ngắm lớn nhất của nhà văn vẫn cứ là tác phẩm mà anh ta đau đáu. Thế nên, thay vì cứ bàn cãi loạn xạ trên mạng xã hội thế nào là đúng, sai trong hành động thiện nguyện của nhiều nghệ sĩ, hãy làm tốt vai trò văn chương của chính mình. Chữ nghĩa, như chúng ta thấy, có khi cũng là phương thuốc nhẹ nhàng chữa lành, xoa dịu nhiều nỗi đau, mất mát đấy thôi.

Nhi Nữ Thường Tình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI