Kịch bản phim Việt: Bài toán vẫn cần lời giải

29/10/2018 - 06:14

PNO - Kịch bản hay là yếu tố then chốt tạo nên những bộ phim chất lượng. Lĩnh vực này luôn được chú trọng ở hầu hết các quốc gia có nền điện ảnh phát triển. Tuy nhiên tại Việt Nam, kịch bản vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Vì đâu kịch bản phim Việt kém chất lượng?

Theo thống kê sơ bộ của Cục diện ảnh, trung bình hiện nay, một năm có khoảng 35 phim Việt ra rạp, tức là gần như tháng nào cũng có.

Sự phát triển quá nhanh này khiến cho những yếu tố nội tại không theo kịp, đặc biệt là kịch bản.

Điều gì làm nên thành công của một bộ phim? “Kịch bản, kịch bản và kịch bản” - đạo diễn lừng danh Alfred Hitchcock đã chốt hạ. Đa phần phim Việt hiện nay, khán giả có thể tấm tắc khen nhiều thứ, từ kỹ xảo, hình ảnh, ánh sáng, hóa trang,… cho đến diễn xuất của diễn viên, tay nghề của đạo diễn… còn kịch bản thì chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm.

Kich ban phim Viet: Bai toan van can loi giai
Mùa viết tình ca - một phim mắc không ít lỗi về kịch bản

 Biên kịch Châu Quang Phước: 

“Nếu không bị o ép quá đáng từ những thành phần làm nghề trục lợi ngắn ngày, thì hầu hết các kịch bản phim đều có mức thù lao khá ổn so với mặt bằng lao động chung của nhiều ngành nghề khác. Với kịch bản phim chiếu rạp, với những trường hợp đặc biệt thù lao có thể mua được nhà. Ở mức phổ thông hơn, thù lao của biên kịch vào tầm một năm lương người có thu nhập trung bình khá ở các công ty tư nhân lớn”. 

Sự ngây ngô về tình tiết, nhân vật không có chiều sâu tính cách, lời thoại sách vở, cấu trúc lộn xộn,… là những lỗi thường mắc của kịch bản phim Việt. Không quá khó để liệt kê hàng loạt cái tên như vậy: Chú ơi đừng lấy mẹ con, Mùa viết tình ca, Tìm vợ cho bà, Ống kính sát nhân,… Ngay cả Người bất tử, bộ phim được kỳ vọng của đạo diễn Victor Vũ dù hoàn hảo ở những khía cạnh khác thì cũng vấp phải sự rối ren trong kịch bản khiến phim bị gãy mạch. 

Nguyên nhân của thực trạng này là do điện ảnh Việt hiện đang thiếu lực lượng biên kịch chắc tay, lành nghề, có thể viết những kịch bản đưa ngay vào sản xuất như những cái tên gạo cội: Việt Linh, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Thị Minh Ngọc,…

Hiện có hai lực lượng biên kịch chính. Một là những tay ngang chuyên về viết lách, muốn thử sức ở lĩnh vực biên kịch.  

Tất nhiên, không phải cây bút nào có tác phẩm thu hút độc giả cũng có thể trở thành biên kịch giỏi. Hamlet Trương là trường hợp điển hình với Thử yêu rồi biết.

Lực lượng biên kịch thứ hai là những người được đào tạo qua trường lớp, hoặc có kinh nghiệm và đa phần là các biên kịch truyền hình trước đây. Nếu như các tay ngang gặp khó khăn trong việc triển khai và phát triển ý tưởng thì biên kịch truyền hình khó thoát khỏi sự dông dài thường thấy.

Một nhà sản xuất chia sẻ rằng, từ kịch bản lên phim là câu chuyện rất dài, bởi đạo diễn khi làm việc phải chỉnh sửa rất nhiều cho phù hợp với bối cảnh, tình tiết trong thực tế. Chuyện kiện tụng vì kịch bản cũng bắt đầu từ đây, nhưng đó lại là một câu chuyện khác.

Kich ban phim Viet: Bai toan van can loi giai
Thử yêu rồi biết - thảm họa đầu năm 2018 của phim Việt

Ai nắm quyền “sinh-sát” kịch bản lên phim?

Có thể thấy đội ngũ làm phim hiện nay đang trong quá trình trẻ hóa, từ đạo diễn cho đến các nhà sản xuất. Chính vì thế, họ cần những kịch bản tương thích về mặt thị trường, thu hút thị hiếu khán giả hơn. Đó cũng chính là lý do nhà sản xuất và đạo diễn ít khi tìm được tiếng nói chung với biên kịch, đặc biệt là những biên kịch lành nghề, bởi đa phần họ đều đã bước qua tuổi 40, 50.

Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa là điện ảnh Việt hiện tại hoàn toàn vắng bóng những biên kịch giỏi. Có thể kể ra đây vài cái tên khá hot như Kay Nguyễn, Trần Khánh Hoàng, Nguyễn Mỹ Trang… Để đảm bảo tác phẩm đi đúng hướng, đa phần các đạo diễn thường tự bắt tay viết kịch bản. Charlie Nguyễn, Victor Vũ, Nguyễn Quang Dũng, Vũ Ngọc Phượng, Leon Lê,… là những trường hợp như vậy.

Chính sự thiếu hụt kịch bản chất lượng là một trong những nguyên nhân khiến nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra số tiền không hề nhỏ mua kịch bản nước ngoài về remake. Nhưng, remake là con dao hai lưỡi. Nhà làm phim thiếu bản lĩnh sẽ cho ra một bản sao kém cỏi. Sự thất bại của Sắc đẹp ngàn cân (remake từ 200 Pounds Beauty), Yêu em bất chấp (remake từ My Sassy Girl),… trở thành bài học cảnh tỉnh cho nhà sản xuất.

Trong khi những bộ phim nội địa “trăm phần trăm” như Em chưa 18, Chàng vợ của em, Song Lang,… hoặc thành công phòng vé, hoặc được đánh giá cao về mặt nghệ thuật càng củng cố niềm tin và khát khao tìm kiếm một kịch bản đủ tốt để làm phim của nhà đầu tư.

Kich ban phim Viet: Bai toan van can loi giai
Chàng vợ của em - bộ phim thương mại nhận được lời khen về nhiều mặt, trong đó có kịch bản

Đạo diễn trẻ Cao Thúy Nhi chia sẻ, cô đã phải đi gõ cửa tất cả các nhà sản xuất để trình bày dự án của mình và ekip. “Nếu có 10 nhà sản xuất thì tôi đã gõ cửa đến 11, nhưng tất cả đều bị từ chối. Họ là nhà đầu tư nên băn khoăn đến chuyện thu hồi vốn là lẽ đương nhiên. Một vài cá nhân hiếm hoi ngỏ ý sẽ đầu tư, nếu tôi cho thêm cảnh nóng vào kịch bản, đổi diễn viên nữ hoặc đổi… đạo diễn!”. Kiên quyết giữ vững tinh thần cho dự án, Cao Thúy Nhi và những người bạn đã trải qua một quá trình vô cùng cam go, thử thách để có thể đưa Nhắm mắt thấy mùa hè thành phim.

Đạo diễn Leon Lê cũng gặp tình trạng tương tự khi chào hàng kịch bản Song Lang cho đến khi gặp nhà sản xuất Ngô Thanh Vân. Rõ ràng, thị hiếu của khán giả xem phim và giá trị của tấm vé đóng vai trò rất quan trọng trong việc quyết định một kịch bản có thể chuyển thành phim hay không.

Phạm Duy Thuận (ca sĩ Jun Phạm), thí sinh đoạt giải vàng mùa 2 của cuộc thi Tìm kiếm nhà biên kịch tài năng do CJ CGV tổ chức, chia sẻ: “Trước đây, tôi thường trình bày ý tưởng của mình để tìm nhà đầu tư nhưng đều bị từ chối. Tôi thường nhận được câu trả lời: khó sản xuất! Tham gia cuộc thi này, tôi mới hiểu được khó khăn của nhà sản xuất, cũng như các yếu tố mà một kịch bản cần để có thể dựng thành phim”. 

Đạo diễn Đức Thịnh khẳng định: “Bất kỳ nhà sản xuất nào cũng muốn có kịch bản hay để làm ra một bộ phim tốt. Tuy nhiên, chọn kịch bản nào tùy thuộc vào gu của nhà sản xuất, dự liệu khả năng thu hồi vốn, tính khả thi của kịch bản khi lên màn ảnh”.

Kich ban phim Viet: Bai toan van can loi giai
Nhắm mắt thấy mùa hè - dự án phim dũng cảm của Cao Thúy Nhi và những người bạn.

Đâu là hướng đi dài hơi?

Rất nhiều kịch bản bước ra từ cuộc thi Tìm kiếm nhà biên kịch tài năng (diễn ra lần đầu tiên vào năm 2017) đã được nhà sản xuất thương lượng, mua bản quyền và dựng thành phim. Siêu sao siêu ngố, một kịch bản của Huỳnh Châu Ngọc thu về hơn 100 tỷ doanh thu phòng vé mùa Tết 2018. Trong khi đó, kịch bản Con đường của tác giả Nguyễn Anh Vũ từng đoạt giải vàng cũng đã được nhà sản xuất Mockingbird mua bản quyền. Táo quậy, một kịch bản của Du Dương sẽ ra mắt phim vào dịp Tết năm 2019.

Bước sang mùa hai, cuộc thi này tiếp tục thu hút 4023 thí sinh so với 3802 thí sinh của mùa trước. Lần này, ban tổ chức chọn những nhà sản xuất thương mại để đảm bảo có thể hỗ trợ các thí sinh đoạt giải ký biên bản thỏa thuận hợp tác sản xuất, đồng thời bồi dưỡng cho lứa thí sinh này thành những biên kịch giỏi nghề trong tương lai.

“Điểm đặc biệt của cuộc thi mà tôi đánh giá rất cao đó là không chỉ ươm mầm và đào tạo nên những biên kịch tương lai, mà hoạt động này còn là cầu nối quan trọng đưa kịch bản của các thí sinh tới tận tay nhà sản xuất” - ông Nguyễn Trùng Khánh - Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch - đánh giá.

Trailer phim Nhắm mắt thấy mùa hè:

 

Tất nhiên, cuộc thi này chỉ là một phần nhỏ, bởi để đi được đường dài, còn cần có nhiều điều đồng bộ hơn. Để nghề biên kịch có tiếng nói, cũng như tăng cơ hội tiếp cận với nhà làm phim, chỉ một cuộc thi là chưa đủ.

Một hiệp hội tương tự như Hiệp hội Biên kịch Mỹ (WGA/ Writers Guild of America), tạo thành điểm đến để nhà sản xuất, đạo diễn tìm kiếm kịch bản mới, biên kịch có cơ hội giới thiệu kịch bản là một điều hết sức cần thiết. Hiệp hội đồng thời là “trạm trung chuyển” phụ trách quyền lợi cho biên kịch, nhằm giải quyết tranh chấp bản quyền giữa biên kịch với đạo diễn hoặc hãng phim, giữa các hãng phim với nhau.

Top 5 thí sinh xuất sắc đoạt giải cuộc thi Nhà biên kịch tài năng 2018:

1. Giải Vàng: Thí sinh Phạm Duy Thuận với kịch bản Gia vị nhân gian, thuộc đội của  đạo diễn - biên kịch Kay Nguyễn.

2. Giải Bạc: Thí sinh Vũ Nguyễn Nam Khuê với kịch bản Học viện chồng ngoan, thuộc đội của biên kịch Trần Khánh Hoàng.

3. Giải Đồng: Thí sinh Dương Quỳnh Anh với kịch bản 15 phút hào quang, thuộc đội của đạo diễn Đinh Tuấn Vũ.

4. Giải Triển vọng: Thí sinh Đặng Thị Quỳnh Trang với kịch bản Tôi đến từ biển khơi, thuộc đội của đạo diễn Đinh Tuấn Vũ.

5. Giải Triển vọng: Thí sinh Phùng Thục Uyển với kịch bản Cô hồn, thuộc đội của đạo diễn – nhà sản xuất Đức Thịnh – Thanh Thúy.

Lê Phan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI