Không kiếm được tiền, mất quyền lên tiếng

13/12/2021 - 12:55

PNO - Đàn bà không kiếm được tiền, phải phụ thuộc chồng đã khổ, đàn ông phụ thuộc vợ còn khổ hơn.

Tin chú H. của tôi đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan khiến anh em họ hàng ngạc nhiên. Người ta đang mong như chú chẳng được, chỉ cần ở nhà trông nhà "cho có hơi người", còn thích ăn gì thì ăn, thích làm gì thì làm, sao tự dưng lại phải lặn lội xứ người cho vất vả. Tiền nhà chú đâu có thiếu?

Đúng thế. Nếu nói về tiền, vợ chồng chú H. thuộc top đầu thị trấn quê miền núi này. Nhà riêng ba tầng tiện nghi. Ô tô vợ chồng mỗi người một chiếc sang chảnh. Đất đầu tư mấy miếng rải rác khắp nơi.

Hồi chưa có dịch COVID-19, tuần nào chú cũng tổ chức ăn uống hát hò ở nhà, mời anh em bè bạn đến chung vui. Có điều chú luôn phải sống một mình, vợ và hai con gái chú đều đi làm ở Hà Nội. 

Theo lời thím, chú chỉ việc ở nhà trông nhà và duy trì các mối quan hệ cần thiết với họ hàng như ma chay cưới hỏi giỗ chạp mà thôi, chứ tiền chú muốn bao nhiêu, thím "bơm" đầy ví bấy nhiêu. 

Dẫu phải làm thuê, lương thấp hơn... Ô sin, nhiều anh chị em vẫn chấp nhận để giữ được tiếng nói trong gia đình (Ảnh minh họa)

Vậy mà chú H vẫn chọn cách ra đi... kiếm tiền. Chú bảo tiêu đồng tiền mình làm ra nó khác với tiền tự dưng mà có được, nhất là tiền... vợ cho hàng tháng.

Về phía phụ nữ, có rất nhiều chị em tâm sự với nhau rằng khi lấy chồng, thời gian nghỉ sinh con không kiếm ra tiền, phải phụ thuộc chồng cả gói băng vệ sinh nho nhỏ đã khổ tâm lắm rồi. Rõ ràng mình đâu có ở nhà ăn bám, mình quần quật cả ngày chăm lo cho con nhỏ, là con của chồng, là cháu nội của gia đình chồng, nhưng vẫn bị họ coi như một kẻ ăn bám ngứa mắt. Những người đàn ông kiếm ít tiền hơn vợ, hay thậm chí thất nghiệp cũng đâu có sung sướng hơn.

Kiếm tiền không chỉ vì tình yêu với gia đình, mà còn vì lòng tự trọng (Ảnh minh họa)
Nhiều người đàn ông quyết ra ngoài kiếm tiền không chỉ vì tình yêu với gia đình, mà còn vì lòng tự trọng (Ảnh minh họa)

Cậu Toàn bạn tôi vốn cũng nhanh nhẹn, chăm chỉ, có chí hướng, nhưng chưa gặp thời, hoặc làm sai cách, nên vừa gây dựng được một công ty nhỏ, mới đi vào hoạt động vài tháng đã phá sản. Nợ nần chồng chất, Toàn phải làm đủ việc để trả nợ.

Thật may là năm sau vợ Toàn lại làm ăn phát đạt, chẳng mấy đã trả hết nợ cho chồng. Nhưng cô như người một lần bị rắn cắn, mười năm sau vẫn sợ sợi dây thừng, sau khi đã giải quyết xong nợ nần, cô yêu cầu Toàn ở nhà giúp cô trông nom con cái, đưa chúng đi học đúng giờ và đón chúng về đúng lúc.

Không phải cô thiếu tiền thuê người giúp việc, chỉ là cô không muốn Toàn lại ra ngoài lao vào việc đầu tư các kiểu, mà theo cô, thành công không thấy, chỉ thấy thất bại nhãn tiền.

Mấy tháng sau, tôi thấy Toàn đi làm. Công việc đưa hàng vất vả, chạy xe suốt ngày “bạc cả mặt”, nhưng Toàn vẫn thuê người giúp việc. Toàn bảo: "Tôi đi làm như thế này, lương tháng còn thấp hơn cả người giúp việc nhà tớ, nhưng tôi vẫn chọn đi làm. Trong cuộc sống gia đình, nhiều khi có những việc tưởng như đơn giản mà lại rắc rối vô cùng. Bất cứ là ai, đàn ông hay đàn bà, cứ không kiếm được tiền là mất quyền lên tiếng. Từ việc nhỏ như chọn cho con học thêm môn nào, hay bỏ môn nào, đến việc đi đám cưới mừng bao nhiêu tiền, đi đám ma viếng bao nhiêu trăm, nói chung, dù vất vả, kiếm được tiền ít còn hơn không".

Rất nhiều gia đình đã chọn cách thuê người giúp việc, thậm chí giao cả việc giáo dục con cái cho người giúp việc, chỉ vì họ mải đuổi theo cái gọi là “tiền bạc” và “tự trọng”. Vì sao mà thế? Chẳng phải là không ai trong số họ chọn cách ứng xử văn hóa nhất đối với chính người mà họ yêu thương nhất, và người yêu thương họ nhất hay sao?

An Cư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI