Khoảng trống học online, làm sao khỏa lấp?

26/11/2021 - 07:26

PNO - Từ đầu năm học đến nay, học sinh - sinh viên đang theo học tại TPHCM chỉ có thể học online. Nhiều học sinh đầu cấp, sinh viên năm nhất còn chưa kịp biết ngôi trường thế nào đã lao vào lịch học online nhiều tháng liền, để lại cho các em nhiều tiếc nuối về sự háo hức của ngày tựu trường, thiếu môi trường tương tác cần thiết…

Chưa biết “mặt mũi” ngôi trường

Tính từ đầu năm học 2021 - 2022 đến nay, học sinh (HS) - sinh viên (SV) tại TPHCM đã học trực tuyến xấp xỉ ba tháng. Nhưng với nhiều em, việc học online thậm chí đã bắt đầu từ cuối học kỳ II năm học trước vì dịch bệnh đột ngột diễn biến phức tạp. Điều này khiến nhiều HS cảm thấy thiệt thòi, không chỉ về hiệu quả học tập mà còn là cảm xúc hồi hộp nôn nao của mùa tựu trường. 

Theo nhiều phụ huynh, thương nhất là những HS lớp 1, bởi khi còn ở bậc học mầm non, các con chủ yếu sinh hoạt nền nếp, vui chơi nên sự gắn bó với ngôi trường theo một kiểu rất khác. Ngôi trường tiểu học đặc biệt quan trọng với các em nhưng đến thời điểm này, các em chưa từng được đặt chân đến ngôi trường mới.

Anh Phan Quốc, phụ huynh tại Q.Tân Bình, kể: “Giữa năm con học lớp Lá, tôi định cuối năm sẽ chở con đến Trường tiểu học Yên Thế để con làm quen và có tình cảm với trường mới. Thế nhưng dịch đến, con không thể biết “mặt mũi” ngôi trường thế nào đã phải học online. Khác với các lớp lớn hơn, các em đã quen bạn sẵn nên đỡ bỡ ngỡ, HS lớp Một toàn bộ là bạn mới mà còn phải gặp qua màn hình nên rất tội. Con chẳng háo hức, thích thú gì cả”. 

Học sinh đến trường không chỉ để học kiến thức, mà còn cần môi trường để tương tác và phát triển. Trong ảnh: Học sinh Trường quốc tế Việt Nam - Phần Lan (Q.7) trong giờ học nấu ăn
Học sinh đến trường không chỉ để học kiến thức, mà còn cần môi trường để tương tác và phát triển. Trong ảnh: Học sinh Trường quốc tế Việt Nam - Phần Lan (Q.7) trong giờ học nấu ăn

Không chỉ HS thấy thiếu gì đó, mà ngay cả SV cũng trông ngóng ngày được đến trường hơn bao giờ hết. Nguyễn Như Quỳnh (tỉnh Hà Tĩnh), thủ khoa đầu vào Trường đại học Công nghệ TP.HCM, cho biết: “Trước khi vào đại học, tôi háo hức, mường tượng trải nghiệm đời sống SV năng động, phong phú, đa sắc màu. Nhưng đến giờ, tôi chưa thể tận hưởng điều đó ngoài việc nhập cuộc học trên giảng đường online, cũng có chút tiếc nuối”. 

Thầy Phạm Lê Thanh, Trường THPT Lê Thánh Tôn (Q.7), chia sẻ: Với việc học tập trực tuyến hiện nay thì đa số HS đã thích ứng. Các em thể hiện được khả năng tự chủ, tự học và sáng tạo qua định hướng và xây dựng kịch bản dạy học, tương tác với thầy cô. Tuy nhiên, vẫn còn những HS yếu thế, không theo kịp bạn, cô đơn, buồn chán cần được thầy cô hỗ trợ nhiều hơn, điều này sẽ được giải quyết dễ dàng hơn nếu được đi học trực tiếp. Có thể thấy rõ điều này dù công nghệ thông tin tối ưu thì vai trò quyết định nhất đối với chất lượng giáo dục vẫn thuộc về các yếu tố liên quan trực tiếp tới người thầy. Bởi không phải hành trang lên lớp của thầy cô chỉ là giáo án, laptop... mà là cả trái tim và khối óc. 

“Bản thân thầy cô ngay chính lễ nhà giáo 20/11 năm nay là một minh chứng cho việc cảm xúc bị đánh cắp bởi dịch bệnh. Thầy trò chỉ gặp nhau qua màn ảnh, những cuộc gọi. Còn đâu những cái ôm ấm áp của thầy trò, vui mừng gặp lại nơi ghế đá, sân trường… Mong sao dịch bệnh giảm sâu, HS được tiêm vắc-xin đầy đủ, để có thể đến trường cùng bạn bè, trải nghiệm những tháng ngày của tuổi học trò tươi đẹp thay cho việc chỉ ngồi sau màn hình lặng lẽ và không thể có cảm xúc trọn vẹn như hiện nay”, thầy Lê Thanh nói. 

Để lại khoảng trống không nhỏ

Có người cho rằng việc an toàn đáng lo hơn cảm xúc của người học. Song việc thiếu hụt này đã để lại hậu quả không hề nhỏ đối với người học, nhất là HS tiểu học. Thực tế cho thấy, việc học online kéo dài đã ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của HSSV. 

Tiến sĩ - bác sĩ Đinh Thạc, Trưởng khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết: “Ngày 24/11, tôi khám cho một HS lớp Một liên quan tới ảnh hưởng của học online kéo dài. Theo mẹ của bé, trước đây con gái mình rất năng động, hay tò mò, thích nói chuyện. Thế nhưng, bé trở nên ngày càng nhút nhát, không còn hay nói chuyện, thậm chí tỏ ra thờ ơ với việc học tập nên gia đình đưa con đến bác sĩ thăm khám”.

Chiều 25/11, bác sĩ Thạc lại ghi nhận một bé gái 13 tuổi tới khám với hành vi muốn tự tử. Ngoài ra, bệnh nhi này còn bỏ học online. Ban đầu, mẹ bé tưởng con bị bất thường tâm lý giai đoạn hậu COVID-19 (bé bị COVID-19 vào tháng 10 và đã khỏi). Thế nhưng khi tiếp xúc, bé gái chia sẻ với bác sĩ rằng mình không hiểu bài. Vì không hiểu bài nên bé rất sợ mỗi lần tới giờ học online.

Theo bác sĩ Thạc, học online tuy giúp HS hạn chế tiếp xúc, nhưng lâu dài gây những ảnh hưởng tâm lý của trẻ. HS khi tới trường thì ngoài học tập còn có hoạt động vui chơi vào giờ giải lao. Nhờ thế mà tăng sự trao đổi oxy, giúp trẻ giữa mỗi tiết học tỉnh táo và dễ ghi nhớ bài giảng hơn.

Ngoài học tập, ở trường HS còn tham gia các hoạt động như trực nhật, sinh hoạt lớp, giúp rèn giũa về nhân cách, đạo đức, kỹ năng sống, tăng tính tương tác xung quanh. Không chỉ vậy, học online bị hạn chế hơn học trực tiếp bởi bị chi phối ở đường truyền mạng, thiết bị công nghệ. Có những hình thức giảng dạy, kiểm tra bài, thảo luận nhóm mà học online không thể truyền tải hết được. Học trực tiếp tính tương tác giữa thầy và trò cao hơn, trẻ phát huy được ý tưởng sáng tạo tốt hơn.

Ngoài ra, khi học ở trường, một điều đóng vai trò quan trọng mà học online ở nhà rất khó kiểm soát được, đó là tác phong, nền nếp, tính nghiêm túc khi HS tham gia các giờ giảng của thầy cô. Rất nhiều phụ huynh đã phản ánh với bác sĩ rằng, trong giờ học online con mình tránh né các câu hỏi của thầy cô, không hưởng ứng, hợp tác khi thầy cô giảng bài, mất đi sự hứng thú học tập. Nếu học online kéo dài quá lâu, trẻ sẽ bị các rối loạn về tâm lý, mất đi sự tự tin, ngại giao tiếp. Trong khi đó, sự tự tin, giao tiếp đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển, trưởng thành, hòa nhập của đứa trẻ sau này.  

Cách lấp đầy khoảng trống

Giải pháp tốt nhất để xóa bỏ khó khăn này chính là đi học trực tiếp để người học được tái hòa nhập đời sống học đường. Song với tình hình dịch bệnh hiện nay, việc mở cửa trường học trở lại không thể quá sớm, nhất là với bậc tiểu học chưa được tiêm vắc xin. Vậy thì, trong giai đoạn này, chúng ta cần có những giải pháp tạm thời để giúp HS an tâm với việc học online.

Theo bác sĩ Đinh Thạc, để lấp đầy khoảng trống của việc học online thì liệu pháp bắt buộc phải đến từ sự quan tâm của gia đình và thầy cô nhiều hơn. Gia đình và thầy cô phải nói chuyện với nhau để tìm ra nút thắt của từng HS và giúp các em tháo gỡ nút thắt. Chỗ nào các em chưa hiểu bài rất cần được thầy cô hỗ trợ chỉ bảo thêm, không gây áp lực... Từ đó, HS sẽ không sợ mỗi khi tới giờ học online. 

Ngoài ra, phụ huynh có thể tăng cường cho con sự tương tác với môi trường an toàn, đừng bó hẹp con ở nhà suốt ngày. Anh Trần Thanh, phụ huynh lớp Bốn tại Q.12, cho biết: “Sau khi kết thúc công việc, tôi thường chở con ra ngoài để con hít thở không khí, nhìn ngắm các hoạt động cuộc sống. Cha con trò chuyện về nhiều thứ để mình hiểu con và cũng để con khuây khỏa sau giờ học… Tất nhiên, tôi và con đảm bảo tuyệt đối 5K, không ghé vào chỗ có nhiều người. Chiều cuối tuần có thể cho con ra bãi đất trống gần nhà đạp xe đạp rồi về…”.

Chị Trần Thị Quỳnh ở Q.4 thì chọn cách hướng con vào các hoạt động ngoại khóa để quên đi sự bức bí của bốn bức tường: “Vì con chưa tiêm vắc-xin nên cũng không đi ra đường nhiều. Trong suốt thời gian học online, tôi không ép con học nhiều, cho chơi cờ - môn con thích - để con bớt tập trung và căng thẳng vì chuyện học. Cách đây ít hôm, con giành huy chương vàng trong giải vô địch cờ vua trẻ toàn quốc 2021 được tổ chức online”. 

Với bản tính năng động, SV Nguyễn Như Quỳnh chia sẻ: “Giai đoạn học online nhưng trường cũng có nhiều hoạt động nên tôi nghĩ mỗi SV nên trắc nghiệm bản thân cần gì để tham gia các hoạt động phù hợp. Như thế sẽ có thêm nhiều mối quan hệ, cập nhật tình hình ở trường, tránh cảm giác lạ lẫm, buồn chán khi đang là… SV online. Điều đó cũng giúp tôi hứng thú học tập hơn. Mặc dù học online nhưng tôi đã kịp “check-in” kha khá hoạt động như tham gia câu lạc bộ Truyền thông và sự kiện, các hoạt động đoàn thể…”. 

Thanh Huyền - Tiêu Hà
 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI