Khổ sở vì bàn tay luôn ướt

14/04/2025 - 08:53

PNO - Tình trạng bàn tay luôn ướt, lạnh, thậm chí mồ hôi chảy thành giọt khiến người bệnh rất mặc cảm khi giao tiếp. Tình trạng này còn gây nhiều bất tiện trong sinh hoạt.

Càng căng thẳng, bàn tay càng ướt

Nhiều năm qua, cô N.T.T.K. (21 tuổi, ở tỉnh Vĩnh Long) luôn mất tự tin vì bị đổ mồ hôi ở lòng bàn tay. Cô cho biết tình trạng này có từ nhỏ. Từ khi lên cấp II, mỗi lần làm bài kiểm tra căng thẳng, lòng bàn tay lại tuôn mồ hôi ào ạt, nhòe cả chữ viết.

Bác sĩ Bệnh viện Da liễu TPHCM tiêm botox điều trị bệnh đổ mồ hôi tay cho bệnh nhân  - Ảnh do bệnh viện cung cấp
Bác sĩ Bệnh viện Da liễu TPHCM tiêm botox điều trị bệnh đổ mồ hôi tay cho bệnh nhân - Ảnh do bệnh viện cung cấp

K. cho biết: “Khi gặp áp lực về học tập, công việc, tôi phải dùng khăn lau tay liên tục. Càng căng thẳng, tay lại túa nước thành giọt rất khó chịu. Có lần đi làm thêm, tôi cầm hóa đơn ra đưa khách thì tờ giấy rách luôn vì thấm nước. Nếu nắng nóng, đôi tay tôi lại nặng mùi. Mọi người nghĩ tôi bê bối nhưng thực ra tôi không hề muốn”.

K. đã thử nhiều cách như dùng máy sấy tóc hong tay, mang bao tay vải, bôi thuốc… nhưng không có hiệu quả, chỉ khoảng 5 đến 10 phút tay lại ướt nhẹp. Thế nên, cô không thể cầm đồ vật lâu. Dùng điện thoại cảm ứng cũng khó khăn vì màn hình thường bị dính nước. Việc phải bắt tay xã giao là điều khiến K. sợ hãi, ngượng ngùng nhất. Cô tâm sự: “Có lần đi chơi với 1 người bạn. Anh ấy nắm tay tôi rồi giật mình buông ra ngay, tôi buồn lắm và quyết định không quen ai nữa”.

Chị P.T.T.D. (37 tuổi, ở quận Tân Phú, TPHCM) cũng luôn phải sử dụng lăn khử mồ hôi, khử mùi bởi đôi tay thường xuyên đổ mồ hôi. Có lần, chị tìm kiếm và quyết định đốt laser, châm cứu, chạy điện… nhưng không khỏi.

Chị kể: “Nhiều lúc tôi ôm con mà áo của bé thấm mồ hôi tay của tôi lổm chổm, mùi hăng lắm. Tôi cũng phải thay đổi rất nhiều nghề thủ công cũng vì sự bất tiện này. Có lần quá mặc cảm, tôi dùng bao tay, nhưng chỉ được hơn nửa tiếng, tay tôi móp méo, tróc da giống bị ngâm lâu trong nước”.

Gần đây, chị thấy mạng xã hội có quảng cáo về phẫu thuật cắt hạch thần kinh giao cảm, tiêm botox sẽ điều trị dứt điểm. Vì vậy, chị đến nhiều cơ sở y tế để khám. Bác sĩ nói bệnh của chị không nguy hiểm, nhưng việc điều trị sẽ khó khăn.

Cách kiểm soát chứng ra mồ hôi tay

Bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Quỳnh Như Ngọc - Khoa Thẩm mỹ da Bệnh viện Da liễu TPHCM - cho biết, bệnh đổ mồ hôi quá mức không kiểm soát được ở bề mặt lòng bàn tay thường khởi phát từ thời thơ ấu, có yếu tố di truyền và chưa rõ nguyên nhân. Có những thời điểm mồ hôi nhiều đến mức chảy thành giọt, nhất là những khi bệnh nhân hoạt động nhiều hoặc tâm trạng lo lắng, hồi hộp… Bệnh không nguy hiểm nhưng ảnh hưởng tâm lý.

“Hiện chưa có phương pháp điều trị dứt điểm nhưng có nhiều cách kiểm soát bệnh như: dùng thuốc uống, thuốc bôi, điện di ion hay có thể phẫu thuật cắt hạch thần kinh giao cảm. Tuy nhiên các phương pháp này không mang lại hiệu quả cao và có nhiều tác dụng phụ” - bác sĩ Như Ngọc nói. Thực tế, nhiều người bệnh sau khi phẫu thuật cắt hạch giao cảm, tình trạng đổ mồ hôi có giảm nhưng lại bị tăng tiết mồ hôi bù trừ tại các vị trí khác.

Theo bác sĩ Như Ngọc, nếu đổ mồ hôi tay nhẹ mà thấy bất tiện, người bệnh nên đến bệnh viện khám sớm. Lúc này có thể dùng thuốc bôi chống mồ hôi hoặc lăn khử mùi chứa nhôm clorua để giảm tiết mồ hôi tại chỗ. Công nghệ điện chuyển ion tác động lên tuyến mồ hôi sẽ giúp kiểm soát một cách an toàn. Nếu bị ra mồ hôi tay nặng, bác sĩ sẽ điều trị bằng cách tiêm botox. Phương pháp này mang lại hiệu quả sau vài ngày đến 1 tuần, kéo dài trong 6-12 tháng.

Bên cạnh đó, để hạn chế tình trạng đổ mồ hôi lòng bàn tay quá mức, người bệnh cần tập kiểm soát căng thẳng; hạn chế đồ ăn cay nóng, caffeine, rượu bia, những chất kích thích làm tăng tiết mồ hôi. Nên vệ sinh cá nhân sạch sẽ, tắm rửa thường xuyên, dùng sản phẩm khử mùi cũng giúp kiểm soát mồ hôi và ngăn ngừa mùi khó chịu.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI