Kho báu trong thành phố - những hoài niệm của tuổi thơ

16/06/2023 - 21:27

PNO - Thật khó có thể nói thế giới trẻ thơ của “ngày xưa” và hiện tại, đâu là nơi an toàn nhất cho sự phát triển nhân cách, trí tuệ của trẻ?

Nhà báo, nhà văn Nguyễn Khắc Cường khi đã trưởng thành vẫn có cơ hội để nhiều năm được sống cùng thế giới tuổi thơ, đó là quãng thời gian anh công tác tại Báo Khăn Quàng Đỏ. Từ thực tế công việc, tôi nghĩ đó chính là chất liệu và cũng là “gợi ý” của bạn đọc để anh viết truyện dài Kho báu trong thành phố (Nhà xuất bản Trẻ, 2023). 

Nguyễn Khắc Cường dành nhiều tâm tình khi quay về với năm tháng trước đây - thời trẻ con chưa được “trang bị tận răng” với biết bao trò chơi từ máy móc điện tử, thậm chí từ chiếc điện thoại thông minh là đã có thể ngốn hết thời gian. Thật khó có thể nói thế giới trẻ thơ của “ngày xưa” và hiện tại, đâu là nơi an toàn nhất cho sự phát triển nhân cách, trí tuệ của trẻ?

Với vai trò của một nhà báo, một phụ huynh, nhà văn Nguyễn Khắc Cường trình bày theo cách của riêng mình thông qua 2 tuyến nhân vật. Ở tuyến hiện tại - có gia đình tham gia game show thực tế Cha con số 1 kéo dài 4 tuần. Đó cũng là dịp cha và con gần gũi nhau hơn. Ba nhắc nhở con về ý nghĩa sự quan tâm lẫn nhau của các thành viên trong gia đình. Tôi thích mẩu chuyện thiết thực, dễ nhớ, rằng một ngày kia, người cha bị bệnh, phải vào cấp cứu tại bệnh viện: “Ba của anh nhóm máu gì? - bác sĩ hỏi. Anh con trai ngớ người ra. Câu hỏi này, hàng xóm không giúp gì được, chỉ người trong gia đình mới biết, tiếc thay, anh con trai không biết”. 

Khi tham dự game show với rất nhiều giải thưởng, nếu đoạt giải nhất, quan điểm của Nguyễn Khắc Cường thế nào? Tôi tin nhiều phụ huynh tán thành suy nghĩ của người vợ: “Không cần về nhất đâu. Về bét cũng được. Chỉ cần 2 cha con dậy sớm, xỏ giày vô chạy với người ta, leo núi với người ta, băng rừng với người ta… Cái đầu của con thoát khỏi ba cái game trong iPad là hay rồi”. 

Ở tuyến quá khứ, nhân vật xưng tôi kể lại vô số kỷ niệm, trò chơi quen thuộc với nhiều người: “Chợ Bà Chiểu là nơi má tôi mua nếp, đậu, đường, dừa, lá chuối… nấu xôi bán mỗi ngày. Lâu lâu được má cho đi theo xách giỏ, tôi hăm hở nắm tay má đi luồn vô lồng chợ. Rồi ở lối đi hẹp té trong nhà lồng, hẹp đến nỗi phải nghiêng người mới lách qua nhau được, đột ngột hiện ra sạp bán bánh chuối nước dừa. Má biểu tôi ngồi gọn vô rồi rút một tờ tiền trong nắm tay, mua một dĩa chuối hấp. Hai má con ăn nhanh rồi về kẻo trưa nắng. Lần nào cũng vậy, khi đứng lên lấy tay quẹt miệng, tôi đều thấy tiếc”.

Nguyễn Khắc Cường cũng dụng công miêu tả những trò chơi, thú vui thời ấy. Anh tâm tình: “Tôi viết cuốn truyện này để được quay về tuổi thơ, sa đà vô các trò chơi búng thun, tạt lon, bắn bi, chọi cầu, đá cá, bắt dế, tắm mưa, lò cò, chơi u, chơi keng, đánh trỏng, banh lỗ… Những trò chơi khiến trẻ con 40 năm trước mê mệt, quên ăn quên ngủ, giờ không thấy ai chơi nữa, buồn quá chừng! Không mơ nhỏ lại được thì tôi ước những trò chơi bị ngủ quên đó mau thức dậy, làm bạn với trẻ em bây giờ. Khi cùng nhau chạy nhảy, la hét, rượt đuổi… các em sẽ trở nên lanh tay lẹ mắt, hoạt bát, nhanh nhẹn, ít nguy cơ bị cận thị, béo phì hơn là suốt ngày ngồi một chỗ dán mắt vô màn hình máy tính, điện thoại”. 

Các câu chuyện về tình bạn, tình cha con, mái ấm gia đình của năm tháng ấy và bây giờ, qua Kho báu trong thành phố, với nhiều tình tiết chân thật lẫn ngộ nghĩnh đã lôi cuốn bạn đọc. 

Lê Minh Quốc

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI