Khi trẻ lớp Một học online

13/09/2021 - 13:52

PNO - Run quá quên tên, chốc chốc lại xin đi vệ sinh, lúc nào cũng cầu chi viện “mẹ ơi, ba ơi”… là câu chuyện diễn ra tại những lớp học trực tuyến (online) bậc tiểu học.

Những tình huống cười… ra nước mắt

Chị Nguyễn Thanh Loan (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) kể, con gái chị vừa có pha ra mắt cô và bạn học hết sức buồn cười. Số là con chị vừa vào lớp Một, cuối tuần có buổi gặp nhau trên không gian mạng để làm quen lớp. “Cô cho chơi trò chơi đến lượt tên bạn nào bạn ấy tự giới thiệu. Trong lúc các bạn nói, con hồi hộp quá quên luôn tên, tuổi của mình, cứ quay qua mẹ ngồi kế bên hỏi “con mấy tuổi mẹ, con lại quên rồi”… tầm 40 lần. Trong lúc tắt mic chờ tới lượt, bé cứ nói đi nói lại cho thuộc câu: “Con chào cô, chào các bạn, con sáu tuổi học lớp Một”. Tới lúc cô gọi tên, bé run quá quên hết, rồi tự nói: “Cô ơi, cho con đi tè đã”. Thế là phóng đi mất. Mãi gần hết cả lớp, cô gọi lại lần nữa, bé run quá bật mic nói: “Chào cô, con một tuổi, học lớp Sáu”. Nhiều phụ huynh cười ré lên, mẹ cũng suýt té ghế”, chị Loan kể. 

Học sinh lớp Một đang học xin mẹ chạy ra nằm ra chơi game - Ảnh: Đoàn Kim Ngọc - Đại Minh
Học sinh lớp Một đang học xin mẹ chạy ra nằm ra chơi game - Ảnh: Đại Minh

Còn chị Kim Ngọc (Q.8, TP.HCM) phải kèm hai con trai lớp Hai và lớp Ba học online. Cứ năm phút thì hai bé hỏi: “Mẹ ơi, cô nói gì vậy mẹ, vậy là sao mẹ, giờ con nói gì mẹ…”. Hai con thay phiên nhau “réo” mẹ hỗ trợ. Một buổi học, chị phải phân thân đáp ứng yêu cầu của hai con. Qua ngày thứ hai, tình trạng cũ vẫn tiếp diễn. Quá mệt, chị kiên quyết: “Ủa con học mà, mẹ đâu có học, mẹ không biết”. Thế là hai con lại đổi chiến thuật, vào học được tầm 10 phút thì uốn éo người: “Mẹ ơi, con muốn đi vệ sinh, mẹ nghe cho con đi nhé”. Chị quyết định kiên trì hướng dẫn cho con các thao tác trên Zoom, còn lại tự con phải học. Tới giờ con học, chị hỗ trợ các bước thao tác máy ban đầu, đăng nhập, xong chị đeo tai nghe để mỗi khi con hỏi thì bảo là mẹ không nghe, con tự giải quyết. 

Nhiều giáo viên tiểu học cũng rơi vào tình thế khó xử khi bên kia phụ huynh ngồi sát bên hỗ trợ con. Với học sinh tiểu học, phần lớn khi học đều có cha mẹ kèm kế bên nên rất nhiều giáo viên mới cảm thấy áp lực, ngại ngùng. Có giáo viên tâm sự, lắm lúc, phía học sinh không tắt mic, nhiều trao đổi tế nhị trong gia đình cả lớp đều nghe mà không biết làm sao để cắt ngang, vì một phần cũng ngại với phụ huynh nên đành cho qua. “Có lần, tôi đang dạy thì bên kia, một người đàn ông chắc là bố của học sinh ghé vào màn hình nhìn xong thì hỏi: “Cô giáo con hả? Hơi béo nhỉ!”. Lúc đó, tôi chỉ muốn tắt luôn máy tính, bởi không chỉ một mình em nghe được mà có lẽ gần 40 phụ huynh và học sinh nghe được”, cô P.T.T.T. nói về tai nạn nghề nghiệp khi dạy online. 

Không được mềm lòng

Theo các nhà sư phạm, việc trẻ lớp Một phải học trực tuyến ngay khi tựu trường kéo theo nhiều khó khăn, bởi trẻ đang quen với hoạt động vui chơi, bước đầu làm quen để phát triển kỹ năng ở môi trường mầm non. Trẻ chưa làm quen với môi trường học tập có nền nếp, thêm thời gian nghỉ dịch quá dài càng khiến trẻ mất hết thói quen kỷ luật và tự giác… Chính vì vậy, thầy cô phải đi từng bước để trẻ làm quen, chuyển từ chơi (nghe, nhìn…) thành học. Còn phụ huynh, một phần hỗ trợ con về các vấn đề kỹ thuật nhưng một phần phải cứng rắn để con tự lập. 

Chị Kim Ngọc chia sẻ kinh nghiệm hướng dẫn con học online: “Bình thường đến trường học, không có cha mẹ thì con không ỷ lại, thay vào đó sẽ nghiêm túc nghe lời thầy cô. Nhưng khi ở nhà, các con sẽ bày trò cầu cứu cha mẹ nên cha mẹ phải nhẫn nại, kiên trì hỗ trợ ban đầu nhưng sau đó phải thả con tự giải quyết vấn đề của mình khi đang học. Có thể sau giờ học, cha mẹ phải điện thoại lại hỏi cô về bài học để giải thích cho con, nhưng tuyệt đối không mềm lòng thì con mới tự giác và tự lập được”. 

Trẻ tiểu học học online thường chưa tự lập- Ảnh: Đoàn Kim Ngọc
Trẻ tiểu học học online thường chưa tự lập - Ảnh: Đoàn Kim Ngọc

Còn thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn, giáo viên Trường tiểu học Bình Hòa (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), khuyến cáo phải khởi động lại tinh thần cho học sinh. Sau đó, giáo viên có thể dùng clip hướng dẫn và dạy học tương tác trực tiếp thông qua các phần mềm. Với dạy học thông qua phần mềm ứng dụng trực tuyến vẫn có sự tương tác, đó là giáo viên giảng tới đâu, học sinh tương tác, đọc câu hỏi, phát biểu giải thích đến đó. Giáo viên canh làm sao mỗi bạn được gọi phát biểu một lần, nhất là với những học sinh hơi chậm, chưa theo kịp các bạn. Lớp Một vẫn quan trọng là đọc, viết nên phụ huynh cần đồng hành cùng con. Ngoài ra, giáo viên cũng có thể quay thêm clip hướng dẫn học sinh để cha mẹ hướng dẫn các em cách viết đúng. 

 

Dạy tiếng Anh online thế nào khi không có sách và máy tính?

Thạc sĩ Nguyễn Hồ Thụy Anh, chuyên gia giáo dục tiểu học, cho hay: hiện nay, giáo viên tiểu học đối mặt với nhiều tình huống khó khi dạy trực tuyến. Đó là sách giáo khoa không có, trang thiết bị máy tính cũng không, học sinh chưa làm quen nền nếp và khả năng tự học… Như vậy làm sao dạy, nhất là môn tiếng Anh?

Nhưng trong “nguy” chúng ta phải thấy “cơ”. Việc sách giáo khoa không đến được tay học sinh do COVID-19 là cơ hội để giáo viên thực hiện đúng chương trình mới: dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực cho người học, là cơ hội để người dạy tiến gần hơn với cách dạy của các trường quốc tế đúng nghĩa. Hãy ngồi xuống, sắp xếp nội dung dạy học theo đúng chuẩn, theo chủ đề, chủ điểm thật logic, phù hợp với kiểu học của trẻ con chưa biết gì.

Theo đó, chủ đề sẽ học phải được sắp xếp để lặp lại từ, mẫu câu của chủ đề đã học. Đây là cơ hội để giáo viên không lệ thuộc vào sách giáo khoa, không phải lật từng trang khi đứng lớp. Người thầy không bao giờ hình thành được phẩm chất và năng lực cho người học nếu toàn bộ quá trình dạy học chỉ diễn ra trong giới hạn của sách giáo khoa.

Khi không có máy tính, không có sách tiếng Anh, ta sẽ tận dụng kho tàng truyện tranh, bài hát, trò chơi phong phú trên internet để dạy học. Giải pháp là hãy chia kiến thức thành từng gói nhỏ, sau đó viết hướng dẫn sử dụng để cha mẹ hướng dẫn con học theo. 

Điều kiện cần: điện thoại chỉ cần tải được bài hát dài chừng một phút; cha mẹ chỉ cần biết chữ, biết đọc và không cần biết tiếng Anh càng tốt. Chúng ta tạm minh họa bằng bài học về màu sắc, thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Cha mẹ mở clip bài hát, bài học cho học sinh nghe, nhìn (ít nhất hai lần, trẻ đòi nghe thêm, hãy cho con xem thêm; nếu học sinh lớp Một có hát, có nhảy theo cũng đừng la).

Bước 2: Phát cho trẻ hộp bút màu, yêu cầu trẻ lấy ra bốn màu như trong bài hát. Cứ bấm dừng sau mỗi màu và yêu cầu trẻ lấy màu cho đúng. 

Bước 3: Cha mẹ lấy một tờ giấy tập cắt làm bốn. Viết lên đó bốn chữ trong bài hát, mỗi tờ một chữ: red, yellow, blue, pink.

(Cùng trẻ xem lại bài hát, dừng ở những chỗ có chữ, rồi nhìn và chép xuống chính xác). 

Bước 4: Yêu cầu trẻ chọn đúng bút màu tô đúng chữ (màu) trên từng tờ. Ví dụ: bút màu đỏ thì tô vào tờ giấy nào? Khi trẻ chọn, người lớn khuyến khích trẻ nói. 

Bước 5: Sau khi tô màu xong, cha mẹ yêu cầu trẻ gắn tờ giấy có chữ đã được tô màu vào những đồ vật trong nhà có cùng màu, vừa gắn vừa khuyến khích trẻ nói.

Bước 6: Cắt tờ giấy thứ hai làm bốn. Lần này cũng viết bốn chữ lên bốn tờ. Yêu cầu trẻ nhìn chữ, tìm đồ vật có màu trên chữ.

Bước 7: Cho trẻ nghe lại bài hát, khuyến khích trẻ hỏi người lớn: chỉ vào đồ vật, hỏi để người lớn trả lời. 

Nếu hướng dẫn con học theo cách này, bắt đầu từ bước thứ hai có trẻ sẽ nói xí xô, lặp lại theo máy cho đến bước 7; cũng có những trẻ không nói được. Việc của cha mẹ là không nóng ruột, không la, không bắt trẻ lặp lại… Thay vào đó là trong những lúc rảnh hãy mở bài hát trên cho trẻ nghe, nhìn; rủ con chơi lại.

 

 

 

Thanh Thanh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI