Khi phụ nữ kề vai sát cánh để giữ rừng

27/09/2021 - 05:23

PNO - Chỉ cách đây vài năm, phụ nữ người dân tộc tại miền Bắc Kenya còn phải chật vật kiếm sống dựa vào rừng. Thế nhưng, nhờ hàng loạt chính sách mới tiến bộ, giờ đây, họ đang nắm giữ trọng trách bảo hộ nguồn tài nguyên thiên nhiên bản địa trước sức ép biến đổi khí hậu. Câu chuyện đoàn kết giữ rừng của phụ nữ bộ tộc Samburu phản ánh thông điệp giá trị về bảo vệ môi trường.

Tương tự những tổ tiên Samburu đầu tiên xuất hiện từ thế kỷ XV thuộc cộng đồng những bộ tộc bán du mục trong khu vực Bắc Kenya, Pamela Lonolngenje từng quen với nhịp sống rong ruổi, nay đây mai đó.

Sống trên vùng đất khô hạn đặc trưng, gia đình cô thường dành nhiều năm thay đổi chỗ ở nhằm tìm kiếm nguồn nước và nơi lý tưởng để chăn thả gia súc, vốn là nguồn thu nhập chính của họ. 

Phụ nữ và trẻ em bộ tộc Samburu sinh sống gần Kirisia.  Khu rừng có độ cao hơn 2.100m, thuộc dạng rừng khô, thưa
Phụ nữ và trẻ em bộ tộc Samburu sinh sống gần Kirisia. Khu rừng có độ cao hơn 2.100m, thuộc dạng rừng khô, thưa

Tuy nhiên, lối sinh hoạt truyền thống ấy đang dần biến mất do nạn tranh chấp đất đai, xung đột giữa các bộ tộc và nghiêm trọng hơn cả là tình trạng ấm lên toàn cầu. Tám năm trước, gia đình Lonolngenje buộc phải bán bầy gia súc, chuyển đến định cư lâu dài gần rừng Kirisia - hệ sinh thái tối quan trọng với dân cư bản địa, đặc biệt vào mùa khô. Họ chủ yếu làm công việc nhặt, đốt gỗ lấy than bán, thu về số tiền chỉ khoảng hơn 200.000 đồng/tuần.

Phải vất vả kiếm sống nhưng nhiều phụ nữ như Lonolngenje vẫn liên tục bị xua đuổi. Ở khu rừng quốc gia có diện tích 915km2, đốn cây lấy gỗ là hành vi bất hợp pháp.   

May thay, Lonolngenje đã tìm ra giải pháp thoát khỏi tình cảnh khốn khó. Cô đang đồng hành với khoảng 550 phụ nữ cùng bộ tộc ra sức khôi phục, giữ gìn khu rừng khi xưa họ bất đắc dĩ làm tổn hại. Ngày nay, chính quyền địa phương trao cho phụ nữ Samburu nhiệm vụ bảo vệ một khoảng lớn diện tích Kirisia - nơi được mệnh danh “tòa tháp trữ nước” của gần 150.000 người dân cùng thảm động thực vật phong phú ở Bắc Kenya.

Cải thiện đời sống bấp bênh 

Lonolngenje là thành viên tiêu biểu trong một dự án môi trường mang tính tiên phong hiếm có. Vừa giúp đỡ phụ nữ Samburu thoát nghèo, dự án vừa trao cơ hội để họ tham gia bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá trước nhiều mối đe dọa từ biến đổi khí hậu. Thay vì đốn, thu gom gỗ để kiếm sống, giờ đây họ ươm trồng cây non.

Phụ nữ Samburu còn san sẻ công việc cùng các nhân viên kiểm lâm, thường xuyên vào rừng tuần tra theo nhóm, cũng như tham dự các hoạt động của hiệp hội quản lý rừng. 

Biến đổi khí hậu gây ra thách thức mới cho nhiều cộng đồng du mục
Biến đổi khí hậu gây ra thách thức mới cho nhiều cộng đồng du mục

“Tôi rất vui vì nay không phải sống dựa vào rừng. Tôi càng vui hơn khi phụ nữ Samburu được trao cơ hội lên tiếng, đóng góp, nhằm bảo vệ môi trường bản địa”, Lonolngenje, 30 tuổi, chia sẻ. Người mẹ bốn con và gia đình hiện sống trong một căn nhà nhỏ sát bìa rừng. Được chính quyền trợ giúp, Lonolngenje mở một ki-ốt bán thực phẩm, mang lại thu nhập bền vững hơn. 

Ngoài khía cạnh bảo vệ môi trường, trường hợp của phụ nữ Samburu minh chứng cho làn sóng chuyển đổi vai trò nữ giới đang lan nhanh tại Bắc Kenya. Khi biến đổi khí hậu khiến hạn hán ngày càng kéo dài, nam giới Samburu thường rời nhà hàng tháng ròng, đến các thành phố lớn tìm việc làm. Ở quê nhà, những người vợ không chỉ tiếp tục đảm trách việc nội trợ mà còn phải gánh vác thay chồng nghĩa vụ đảm bảo kinh tế gia đình.

Nhằm khuyến khích phụ nữ Samburu tham gia quản lý tài nguyên thiên nhiên, chính quyền địa phương đang thực thi loạt chính sách hỗ trợ thiết thực. Động thái này xuất phát từ một số nghiên cứu đương đại cho thấy cư dân bản địa, nhất là các bộ tộc có lịch sử lâu đời, giữ vị thế quan trọng trong tiến trình bảo vệ môi trường tự nhiên nơi họ cư trú.

Ngoài ra, nhiều nhà vận động vì môi trường cũng ủng hộ việc củng cố vai trò của phái nữ, nhất là phụ nữ thuộc những cộng đồng nghèo, thiểu số, trước vấn đề đấu tranh chống biến đổi khí hậu. 

Trao thêm quyền lợi cho phụ nữ

“Phụ nữ Samburu và con cái họ đang chịu tác động thường trực của biến đổi khí hậu. Những nhân tố khác đồng thời gây sức ép, khiến họ khó lòng duy trì lối sống du mục truyền thống”, Heather McGray, Giám đốc Quỹ phục hồi bình quyền khí hậu (CJRF), trụ sở tại Washington, D.C. - đơn vị trợ vốn cho dự án bảo vệ rừng Kirisia, chia sẻ.

Ông nói thêm: “Dự án này là một hình mẫu sống động biểu thị cho nỗ lực thích nghi trước tình trạng biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, phụ nữ bản địa đang được trao thêm nhiều quyền lợi”.

Phụ nữ Samburu được BOMA hỗ trợ có cơ hội kiếm sống ổn định hơn bằng công việc kinh doanh thực phẩm, gia súc
Phụ nữ Samburu được BOMA hỗ trợ có cơ hội kiếm sống ổn định hơn bằng công việc kinh doanh thực phẩm, gia súc

Phối hợp thực hiện dự án còn có BOMA Project - tổ chức phi lợi nhuận đấu tranh vì quyền phụ nữ tại khu vực châu Phi. Sam Owilly, chuyên gia về biến đổi khí hậu kiêm Giám đốc điều hành văn phòng BOMA tại Kenya, nhận định: “Vài thập niên trở lại đây, nhiệt độ tiếp tục tăng khiến tổng lượng mưa hằng năm lên xuống thất thường, từ đó ảnh hưởng xấu đến khả năng dự trữ nguồn nước lẫn sự phát triển của những khu rừng tự nhiên thiết yếu như Kirisia.

Mặt khác, thời tiết biến động, thiên tai liên tiếp khiến nhiều tộc người bản địa khó lòng duy trì lối sống ôn hòa cổ xưa. Họ buộc phải lệ thuộc vào môi trường rừng nhiều hơn. Tình trạng đốn cây, đốt than củi, săn bắn trái phép gây sức ép lên công tác quản lý, bảo tồn thiên nhiên”.

Lonolngenje có thể trực tiếp cảm nhận sự thay đổi dần nơi lối sống lẫn vai trò của phụ nữ ở bộ tộc Samburu. Khi chồng cô thường xuyên xa nhà tìm kế mưu sinh, do gánh nặng kinh tế, Lonolngenje đành từ bỏ mơ ước làm giáo viên. Kiếm sống dựa vào tài nguyên rừng trong quá khứ là hạ sách với người phụ nữ trẻ. “Nhân viên kiểm lâm thường truy đuổi chúng tôi. Khi ấy, thật khó có nguồn thu nhập ổn định”, Lonolngenje kể. 

Sức mạnh từ cộng đồng 

Cơ hội vượt qua nghịch cảnh tìm đến Lonolngenje vào năm 2019. Nhờ dự án môi trường cùng chương trình bảo trợ quyền phụ nữ do BOMA triển khai, nhiều phụ nữ bản địa như cô được giúp vốn để mở những cửa hàng kinh doanh nhỏ. Đồng thời, họ trở thành thành viên hiệp hội quản lý rừng, chung sức bảo vệ, tái thiết hệ sinh thái rừng Kirisia ở khu vực Samburu.

Ước tính đến cuối năm nay, sẽ có gần 2.000 phụ nữ Samburu gia nhập hiệp hội quản lý rừng
Ước tính đến cuối năm nay, sẽ có gần 2.000 phụ nữ Samburu gia nhập hiệp hội quản lý rừng

Nếu khi xưa phải đốn gỗ trái phép vì sinh kế, ngày nay, phụ nữ Samburu nuôi ong lấy mật và lập một số trại ươm giống cây non, thảo dược trong rừng. Không những tạo hiệu quả kinh tế dài lâu, điều này còn góp phần giải quyết nhiều vấn đề. Hàng trăm cư dân bản địa đang hỗ trợ lực lượng kiểm lâm làm tốt hơn công tác bảo vệ rừng. Không gia đình nào phải tiếp tục việc kiếm sống bất hợp pháp từ tài nguyên rừng. Thêm vào đó, đã có hơn 30.000 cây rừng được trồng lại. 

“Vừa có thêm hàng trăm phụ nữ Samburu đăng ký tham gia dự án này. Chính quyền từng vất vả với việc bảo vệ rừng do có quá ít nhân viên kiểm lâm. Sự chung tay của cộng đồng đã làm nên điều khác biệt” - Douglas Leboyare, một thành viên cao tuổi người Samburu thuộc hiệp hội quản lý rừng cho biết. 

Cuộc sống của Lonolngenje và các con đang khởi sắc nhờ những giải pháp thỏa đáng, đem đến lợi ích thiết thực cho môi trường lẫn con người. “Bảo vệ rừng không có nghĩa chúng tôi phải từ bỏ kế sinh nhai. Ngày nay, chúng tôi có thể kiếm sống lương thiện bằng cách chăm sóc, bảo vệ mảnh đất quê hương” - cô bày tỏ. 

Như Ý (theo Atlas Obscura)

Ảnh: BOMA Project

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI