Khi nhà quản lý khoa học chơi bum-mê-răng

28/12/2013 - 20:31

PNO - PN - Thổ dân Úc có cái bum-mê-răng từ thời tiền sử. Sự kỳ diệu của thứ vũ khí này là sau khi ném đi, nếu không trúng đích nó lại bay về chân người ném. Chắc người nguyên thủy đã phải nghĩ nát óc mới tạo ra được thứ bảo...

edf40wrjww2tblPage:Content

Ví dụ và so sánh nào cũng có chút khập khiễng, nhưng cái ụ nổi M83 của ông cựu Cục trưởng Cục Hàng hải vừa nhận án tử là cái bum-mê-răng thần thông biến hóa. Chỉ khác ở chỗ, thổ dân Úc tuy phải tốn rất nhiều gỗ mới đẽo được cái bum-mê-răng, nhưng ném không trúng họ thu lại trọn vẹn vũ khí; ông Dũng đốt 24 triệu đô tiền thuế của dân cho cái ụ nổi M83 mà chỉ thu về cho mình và đồng bọn chưa tới hai triệu và có thể mất mạng. Về mặt này vị cựu Cục trưởng Cục Hàng hải không tính giỏi bằng người tiền sử châu Úc.

Tưởng chỉ ông cựu cục trưởng ném bum-mê-răng không thành, nhưng buồn thay, trò chơi này xem ra khá phổ biến và thường được dân gian gọi là “lại quả”. Báo Tuổi Trẻ vừa đưa ra công luận một vụ dự định “lại quả” nóng hổi. Qua lời “tâm sự” xin từ chức của vị tiến sĩ chủ nhiệm một đề tài khoa học cấp nhà nước, thì quy trình "ném bum-mê-răng" đã được vạch ra khá hoàn hảo. Vị chủ nhiệm đề tài này tiết lộ: “Giám đốc gợi ý đóng góp cho trung tâm khoảng 50% kinh phí. Đối với một đề tài cấp nhà nước, yêu cầu đóng góp này là quá cao và không nhận được sự đồng tình của ban chủ nhiệm”. Tuy bum-mê-răng chưa được ném ra nhưng quy trình thì đã rõ. Có lẽ những nhà “quản lý khoa học” này trình độ cao hơn ông cục trưởng tốt nghiệp tại chức nên yêu cầu tỷ lệ khoản tiền “lại quả” đến 50%. Cao đến nỗi người chủ nhiệm đề tài không chịu đựng nổi đã phải xin từ nhiệm. Và đặc biệt, nó được diễn giải dưới những vỏ bọc có vẻ hợp lý và lịch sự như “phí cảm ơn”, “phí thanh tra” (?) v.v… Ôi, 50% tiền nghiên cứu khoa học quay về người cấp thì khoa học chỉ còn biết khóc! Và chúng ta bỗng hiểu vì sao cả nước có hàng chục ngàn tiến sĩ chứ có ít đâu mà có năm chỉ có một công trình khoa học được công bố quốc tế.

Chuyện này mới được đưa ra ánh sáng lần đầu, nhưng nó không có gì mới. Có thể tóm tắt: tôi quản lý tiền của Nhà nước, tôi cấp cho ai, hào phóng hay chặt chẽ là do một tay tôi, tôi cấp để anh làm dự án, công trình khoa học và rất có thể cả tiền hỗ trợ nhân đạo, vậy anh hãy biết điều, chí ít cũng như trẻ em khuyết tật ở Hà Giang, mỗi em còn biết “lại quả” một trăm ngàn cho cán bộ quản lý cơ mà! Chuyện này đã có từ lâu, ai cũng biết nhưng ai cũng im lặng “chấp hành” vì nói ra thì “chứng cứ” đâu và hậu quả lại nhãn tiền, có thể mất cả dự án.

Ngay từ 1997, trong một bài trả lời phỏng vấn trên báo Tia Sáng, giáo sư Hoàng Tụy đã thẳng thắn cảnh báo rằng, trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học ở nước ta “tiêu cực cũng rất dữ dội”, đồng tiền đang lũng đoạn sáng tạo và “đấu thầu nghiên cứu khoa học” đang có xu hướng giống như “đấu thầu xây dựng cơ bản”.

Đầu tư trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học của ta chưa thấm vào đâu so với nhu cầu phát triển. Nhưng buồn thay, nếu đồng tiền đang quá ít ỏi ấy bị chia nhau, có khi đến một nửa dưới cái lá nho “nghiên cứu” thì chắc chắn nó sẽ hút mất hồn của sự nghiệp khoa học. Khi một ông cục trưởng ném tiền Nhà nước qua cửa sổ chơi bum-mê-răng thì công quỹ chỉ mất một lần mấy chục triệu đô. Nhưng trong nghiên cứu khoa học mà người quản lý ngân sách thích chơi trò ném bum-mê-răng thì họ sống nhưng khoa học sẽ chết.

Nguyễn Quang Thân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI