Khi karaoke làm mất tình làng nghĩa xóm

10/10/2022 - 13:31

PNO - Người xưa nói "Bán bà con xa mua láng giềng gần'' nhưng thời buổi karaoke "lên ngôi'' khiến hàng xóm láng giềng nhiều khi không còn muốn nhìn mặt nhau.

Chẳng biết tự khi nào, một thứ giải trí lành mạnh, hấp dẫn như karaoke lại trở thành nỗi ám ảnh của mọi người. Hàng xóm không hát karaoke là một trong những tiêu chí lựa chọn khi người ta đi mua nhà, chọn nơi để an cư lạc nghiệp.

Bạn tôi bán nhà. Khách đến xem nhà xong hỏi: hàng xóm quanh đây có hay hát karaoke ồn ào không? Bảo "không" thì không đúng vì bạn cũng từng đau đầu vì "vấn nạn" karaoke hàng xóm. Nhưng không lẽ khuyên khách đi mua nhà ở mấy khu dân cư sang chảnh có quy định nội khu nghiêm ngặt để né khoản này chứ mấy khu dân cư tầm trung trở xuống làm sao tránh khỏi?

Hàng xóm của tôi có thể hát karaoke bất cứ lúc nào chứ chẳng cần đợi cuối tuần, lễ lạt hay sự kiện gì đặc biệt. Già trẻ lớn bé đủ mọi lứa tuổi, đủ thể loại nhạc, hát hay có, hát dở có, hát đúng nhạc có, hát lệch tông sai nhịp cũng có, em bé bập bẹ tập hát cũng có. 

Có những lúc đi làm về mệt bã người chỉ muốn được yên tĩnh nghỉ ngơi nhưng lại phải chịu trận khi nhiều nhà đồng thanh cất giọng. Hát hay, đúng nhịp cũng có thể chấp nhận được để thư giãn. Chứ đã hát sai tông, lệch nhịp thì đúng thảm họa, chưa kể hát to quá khiến người nghe khó chịu nhưng nhiều lúc phải chịu trận mà không biết làm sao vì góp ý thì dễ mếch lòng.

Karaoke thường đi đôi với nhậu nhẹt chứ ít ai hát chay (ảnh minh hoạ)
Karaoke thường đi đôi với nhậu nhẹt chứ ít ai hát "chay" (ảnh minh hoạ)

Chưa hết, karaoke thường đi đôi với nhậu nhẹt chứ ít ai hát "chay". Rượu vào lời ra, càng uống người ta càng có hứng hát hăng, hát to hơn thì phải. Người nhậu nói chuyện đã ồn. Hát cũng ồn. Vừa nhậu vừa hát càng ồn hơn. Chưa kể nhậu và hát vui vẻ thì không sao. Không ít khi cuộc vui trở thành cuộc cãi vã, thậm chí ẩu đả vì bất đồng chuyện gì đó.

Lúc bình thường bận rộn người ta đã hát. Thời xã hội giãn cách đến ba tháng, có lẽ người ta rảnh rỗi nên càng hát nhiều hơn. Bị công an cấm tụ tập đông người, mạnh nhà nào nhà nấy tự hát tạo nên một mớ tạp âm hại não. Dạo ấy, tôi ở nhà ba tháng trời, lúc thì căng thẳng vì dịch bệnh, bức bối vì không được ra ngoài, lúc thì chịu trận karaoke, nhiều lúc tôi bị stress. Nghe đâu có nhà nọ gọi lên báo công an phường tố nhà kế bên hát đến khuya. Công an gọi xuống nhắc nhở người hát. Kể từ đó hai nhà cạch mặt nhau luôn.

Những dịp lễ, tết dài ngày mới thực sự thảm hoạ. Những ai có điều kiện đi đâu xa, vắng nhà mới thoát khỏi sự tra tấn không chút nể nang từ mấy người láng giềng vô tư, thiếu tế nhị. Còn thì phải ngậm bồ hòn chịu đựng khiến không chỉ tâm trạng kém vui mà thể trạng cũng bị ảnh hưởng.

Dù Chính phủ đã có quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn nhưng có lẽ ít ai bị phạt vì lý do này cũng như chính quyền địa phương còn nương tay, người dân thì cả nể, rốt cục ai hát cứ hát, ai khó chịu thì ráng chịu. 

Người xưa nói "Bán bà con xa mua láng giềng gần'' nhưng thời buổi karaoke "lên ngôi'' khiến nhiều khi hàng xóm láng giềng không còn muốn nhìn mặt nhau. Giá mà người ta biết đặt mình vào vị trí của người khác để biết những gì mình gây ra ảnh hưởng đến người khác như thế nào mà điều chỉnh sinh hoạt vừa đủ để không làm phiền nhau thì cuộc sống dễ chịu hơn biết bao. Văn minh đô thị đâu cần gì to tát mà chỉ bắt đầu từ "văn minh làng xã" qua những điều vụn vặt như thế này thôi!

 

Nguyễn Yến Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI