Văn minh đô thị: sao không nhường đường?

26/09/2022 - 06:37

PNO - Nếu cha mẹ luôn nhường đường cho người khác thì con cái, được chứng kiến cảnh tượng ấy từ nhỏ, sẽ không sân si tranh giành từng xăng-ti-mét đường khi lớn lên.

Anh bạn tôi đang du lịch ở Thái Lan. Anh đăng dòng trạng thái đại ý vô cùng cảm kích trước việc được nhường đường của người dân bản xứ dù việc ấy ở xứ họ có lẽ chẳng đáng gì.

Anh làm tôi nhớ chuyến du lịch ở Thái Lan cách đây khá lâu nhưng ấn tượng về một đất nước này đến nay tôi vẫn nhớ rõ như mới ngày nào.

Xe cộ hỗn loạn, ý thức giao thông kém là nỗi ám ảnh kinh hoàng của không ít người đi đường  (ảnh minh hoạ)
Xe cộ hỗn loạn, ý thức giao thông kém là nỗi ám ảnh kinh hoàng của không ít người đi đường (ảnh minh hoạ)

Lần ấy, vừa xuống sân bay, cảm giác đầu tiên trong tôi là thất vọng khi sân bay của họ đông nghịt người, đôi chỗ cũng nhếch nhác chứ không hoàn toàn như những gì tôi được nghe quảng cáo trước đó. Buổi tối đầu tiên được "thả" tự do, cảm giác thấy vọng cảng nhiều hơn khi chúng tôi tản bộ ra đường. Dù khách sạn nơi tôi ở nằm ở trung tâm Bangkok, thủ đô của xứ sở du lịch nổi tiếng này nhưng đường sá nhiều nơi rất cũ kỹ, nhiều khu nhà chẳng được đẹp đẽ như các cao ốc ở trung tâm Sài Gòn khiến tôi từng có ý nghĩ những lời khen ngợi dành cho xứ sở chùa vàng này có hơi quá lời.

Khi tôi đang do dự muốn băng qua đường vì lưu lượng xe qua lại quá đông thì bỗng thấy là lạ. Xe cộ đang lưu thông hai chiều với tốc độ khá cao bỗng dưng dừng hết lại và đều cách tôi một khoảng cách khá xa. Tôi vẫn chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra nhưng sau vài giây lưỡng lự, thấy đã an toàn, tôi đánh liều băng qua đường. Không có một tiếng còi xe nào, không có một bàn tay vẫy tỏ ý thúc giục. Chỉ khi tôi đã an vị bên kia đường, dòng xe mới bắt đầu nhẹ nhàng di chuyển tiếp. Tôi lúc ấy mới chợt nhận ra: hoá ra dòng xe cộ dừng lại là để nhường đường cho tôi qua, một người mà họ thừa biết là khách từ xa đến vì có vẻ chẳng rành đường sá. Một hành động nhỏ từ các tài xế nhưng tôi tin đó hẳn phải là kết tinh của một quá trình giáo dục ưu việt lâu dài.

Tôi cũng từng đi bộ băng qua đại lộ Las Vegas, trung tâm giải trí sầm uất nổi tiếng nước Mỹ. Nhìn dòng siêu xe hiện đại "nẹt pô" ầm ĩ phóng qua vun vút trước mặt, người nhút nhát cũng đủ mệt tim. Vậy mà khi đèn đỏ sáng lên, mọi thứ trở lại trật tự ngay tức thì, chẳng xe nào cố vượt lên để qua nốt, người đi bộ thoải mái qua đường mà chẳng sợ mấy tay vượt ẩu.

Văn minh đô thị có khi chẳng phải gì lớn lao, như thói quen nhường đường cho người khác chẳng hạn  (ảnh minh hoạ)
Văn minh đô thị có khi chẳng phải gì to tát, như thói quen nhường đường cho người khác chẳng hạn (ảnh minh hoạ)

Có lần, ngồi sau xe cô bạn, thấy bạn cứ len lỏi ráng băng qua đường giữa làn xe đông đúc, tôi bảo bạn sao không đợi người ta nhường rồi hãy qua, đỡ nguy hiểm. Bạn bảo: "có đợi đến mai cũng chẳng ai nhường đâu!". Mà quả thực, tôi từng suýt trễ xe đi làm chỉ vì đợi qua đường mà không ai nhường. Nhiều người trách những người phóng nhanh vượt ẩu, luồn lách vượt đầu xe hơi này nọ. Tôi cũng không đồng tình với mấy kiểu lạng lách, "khôn lỏi" đó nhưng để làm người văn minh trong một khung cảnh hỗn độn giữa một tập thể ý thức chưa cao hẳn những người có tâm phải chịu thiệt thòi.

Việt Nam có nhiều điểm mạnh để phát triển du lịch. Đó là các bờ biển đẹp như thiên đường, thiên nhiên ưu đãi với bốn mùa mưa nắng, thức ăn ngon, đặc sản phong phú, con người thân thiện, giá cả không quá đắt. Vậy mà xét về mặt du lịch, chúng ta vẫn chưa sánh vai nổi các nước trong khu vực chứ chưa nói "qua mặt". Phải chăng ta còn thua xa họ ở ý thức văn minh, điển hình như chuyện nhường đường "nhỏ như con thỏ" mà ta vẫn chứng kiến mỗi ngày? 

Đừng đổ lỗi cơ sở hạ tầng của ta kém hay đất nước còn nghèo, cái kiểu đổ lỗi ấy khiến chúng ta mãi không khá lên được nếu ý thức mọi người không được nâng cao từ những điều nhỏ nhặt nên bắt đầu từ môi trường giáo dục, trong trường học và trong mỗi gia đình. Nếu cha mẹ luôn nhã nhặn nhường đường cho người khác thì những đứa con, được chứng kiến cảnh tượng ấy từ nhỏ, sẽ không sân si tranh giành từng xăng-ti-mét đường khi lớn lên như chuyện hai chiếc xe hơi màu đen và màu trắng được ví như câu chuyện "dê đen và dê trắng qua cầu" được đăng trên mạng cách đây chưa lâu.

Chừng nào mà cái câu "thôi ta đứng lại nhường đường em qua" không chỉ là lời một bài hát nữa mà nó là nếp hành xử văn minh nơi đô thị thì chừng ấy hãy nghĩ đến chuyện biến Việt Nam thành "thiên đường du lịch, điểm đến thân thiện" như những dòng quảng bá du lịch mà tôi từng thấy ở nhiều nơi!

Lê Thị Ngọc Vi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI