Khi chồng 'đốt' nhà bằng rượu

15/05/2017 - 11:28

PNO - Những cơn say xỉn đã đẩy nhiều gia đình vào thảm cảnh. Tình trạng lạm dụng rượu bia đang ngày càng phổ biến, số người lạm dụng bia rượu vẫn không ngừng gia tăng, nhưng dường như vẫn chưa có lá chắn hiệu quả...

Chung sống với hung thần

Chúng tôi tìm về xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ, TP.HCM, gặp lại chị N.T.T., người tự cứu mình khỏi bóng ma của rượu. Chị T. 38 tuổi, tươi tắn, khỏe khoắn, khác hẳn hình ảnh ba năm trước khi tìm đến báo Phụ Nữ cầu cứu để được thoát khỏi người chồng nghiện rượu, bạo lực. Chị nói: “Ly hôn, tôi mới được… sống. Những tháng ngày đó, thật kinh khủng”. 

Khi chong 'dot' nha bang ruou
Chị N.N.H. bị chồng là anh N.T.T. đánh trong lúc say rượu

Chị T. và anh N.V.B. cưới nhau hơn 15 năm. Khoảng 5 năm đầu, cuộc sống của họ tuy vất vả nhưng êm đềm. Khi nghề nuôi tôm phát triển, đất đai ở Cần Giờ tăng giá, bỗng dưng anh B. sinh tật ham nhậu nhẹt. Ban đầu, anh chỉ uống xã giao với bạn bè, nhưng uống riết thành nghiện, ngày nào không rủ được bạn thì uống một mình, bỏ bê việc nhà cho vợ.

Rượu vào, anh lại chửi mắng, đánh đập chị. Khi phóng viên báo Phụ Nữ tiếp xúc, người đàn bà gầy guộc đó mới len lén vén áo quần cho xem những vết tích đòn roi của chồng, với hàng loạt vết sẹo khắp đùi, hông.

Quay nhìn căn nhà trơ trọi giữa đường đê nhỏ hẹp dài hun hút của vuông tôm, chúng tôi rợn người khi mường tượng cảnh chị T. đêm đêm phải đối mặt với cơn say của chồng, bởi “có kêu cũng không ai nghe để cứu”.

Khi chong 'dot' nha bang ruou
Chị N.T.N.H. (H.Hóc Môn) bị chồng say rượu đánh cấp cứu

Say xỉn là hình ảnh của không ít người đàn ông Việt. Đáng buồn là hình ảnh đó dường như đang được xem là bình thường. Nhiều người vẫn xuề xòa, bao biện: “Say chút có gì đâu! Thằng đó nó hiền như cục đất”. Đáng nói, không ít những “cục đất” ấy khi đã có hơi men, bỗng trở thành hung thần, đặc biệt với người thân trong gia đình. 

Bé T.G., con gái anh N.V.P. (ngụ xã Tân Thới Nhì, H.Hóc Môn, TP.HCM) nức nở kể: “Chưa bao giờ cha đi họp phụ huynh được cho con. Đã vậy, khi bạn tới nhà, cha lè nhè mắng chửi, làm con rất xấu hổ. Có khi nhậu say, cha nằm cả ngày ở bụi tầm vông sát rào la hét. Mẹ con bán cá, giấu tiền trong lu gạo để dành đóng học phí cho con, tới hạn, tìm tiền thì không còn đồng nào, vì cha lấy uống rượu hết trơn”.

Không ít những đứa con, nạn nhân của các “đệ tử lưu linh” này lên tiếng phản kháng lại hành vi bạo lực của cha bằng nhiều cách. Thậm chí có em đã cầm dao đâm chết cha ruột để giải thoát cho cả mẹ và mình khỏi kiếp sống oan nghiệt. 

Khi chong 'dot' nha bang ruou
Chị N.T.P. bị chồng là N.T.B. đánh vỡ hốc mắt vì anh này đi nhậu về chị P. vẫn lo buôn bán, không kịp nấu cơm.

Cách dây hơn ba năm, từng có hai nữ sinh viên (ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM) tìm đến gặp chị Hạnh Dung của báo Phụ Nữ, trải lòng: “Tụi em chỉ muốn bỏ thuốc độc cho ba uống để ổng chết cho cả nhà yên chuyện”. 

Khủng khiếp nhất với hai em không chỉ là chuyện ba chặn đường đánh dập hai chị em sau mỗi lần say rượu mà chính là việc người đàn ông ngoài 50 tuổi này thường xuyên mượn rượu, bia cưỡng bức vợ ngay trước mắt các con. 

Ngậm đắng, nuốt cay cho qua hết… “một kiếp làm vợ” là nỗi lòng của không ít người phụ nữ có chồng nghiện rượu. Có những bi kịch chỉ kết thúc khi người chồng nghiện ngập ấy qua đời. Bà N.T.A.H., 56 tuổi, ngụ ở P.7, Q.Phú Nhuận, TP.HCM là một điển hình như vậy: nhiều phen chết đi sống lại do bị người chồng nát rượu hành hung; chuỗi ngày bạo hành chỉ chấm dứt cách đây một năm khi chồng bà bị ung thư gan qua đời. 

Khi chong 'dot' nha bang ruou
Chi N.T.H. Bến Tre bị chồng tạt nước sôi.

Theo đề tài “Nghiên cứu hành vi hung tính của người đàn ông nghiện bia rượu đối với các thành viên trong gia đình tại TP.HCM” (tác giả Nguyễn Thụy Diễm Chi, Trường đại học Sư phạm TP.HCM năm 2016), 42,5% trường hợp nghiện bia, rượu biểu hiện hành vi hung tính dạng nhẹ, 12,6% biểu hiện hành vi hung tính dạng vừa.

Phải mạnh tay với “ma men”

Tại tọa đàm “Rượu bia - hiểm họa đối với gia đình” do Hội LHPN TP.HCM tổ chức ngày 12/5, luật sư Trần Mỹ Thoa - Phó đoàn Luật sư TP.HCM - chỉ ra rằng, có ba lý do chính khiến việc uống rượu bia tại Việt Nam phổ biến, đặc biệt là ở nam giới: giá rượu bia rẻ; mọi người đều có thể dễ dàng mua rượu, bia mọi lúc, mọi nơi; việc quảng cáo rượu, bia không được kiểm soát. Điều đáng lo ngại là giới trẻ Việt Nam tiếp xúc với các hình thức tiếp thị rượu bia ở mức độ cao, sẽ dẫn đến việc gia tăng số người trẻ sử dụng rượu, bia. 

Tại tọa đàm, các chuyên gia y tế, chuyên gia tâm lý, luật sư, nhà quản lý đều cho rằng, việc lạm dụng rượu bia không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người uống, tạo gánh nặng kinh tế, ảnh hưởng đến trật tự xã hội mà còn làm rạn nứt hạnh phúc gia đình. 

Khi chong 'dot' nha bang ruou
Chị T.T.N. bị chồng là anh G.T.Đ. đánh.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - nhận định: “Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, có 33,7% các vụ bạo lực gia đình xuất phát từ việc sử dụng rượu bia. Chung quy, phụ nữ và trẻ em lại là đối tượng chịu hậu quả của nạn lạm dụng bia rượu. Rượu bia làm niềm tin, lòng tôn trọng, tình yêu giữa cha mẹ, vợ chồng, con cái bị ảnh hưởng nặng nề, hạnh phúc gia đình mai một dần, tế bào xã hội dần tan rã, sức khỏe giống nòi bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Chúng tôi cảm thấy lo lắng, bức xúc khi mà vụ việc, số lượng tai nạn giao thông, đánh nhau, ngoại tình, bạo hành gia đình sau khi uống rượu ngày càng gia tăng và nó cũng tỷ lệ thuận với mức độ tiêu thụ rượu bia bình quân của người dân TP.HCM”. 

Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng - giảng viên Trường đại học Sư phạm TP.HCM - cho rằng, lạm dụng rượu bia là không tốt, nhưng trong hoàn cảnh “buộc phải uống”, mỗi người cũng cần “uống có trách nhiệm”: ý thức được “sức khỏe là tài sản chung của gia đình”, ý thức được vị thế, giá trị của mình, biết “tửu lượng” của mình, chọn bạn “ít nhậu” mà chơi, tự bảo vệ sức khỏe bằng việc ăn trước khi uống, sử dụng thuốc hỗ trợ tiêu hóa, giải độc… 

Khi chong 'dot' nha bang ruou
 

Với gia đình, người vợ, người mẹ cần thẳng thắn góp ý phê bình, mềm mỏng thuyết phục hoặc nhờ con cái lên tiếng, thỏa thuận giới hạn, phát tín hiệu nhắc nhở…

Bà Ngô Thị Giang - Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Tân Phú Trung, H.Củ Chi, TP.HCM - đề xuất: “Với hành vi uống rượu bia rồi đánh đập người khác, cố ý phá hoại tài sản, cần dùng biện pháp mạnh để xử lý:  phê bình trước cộng đồng, lập biên bản xử phạt, thậm chí đưa đi giáo dục tập trung theo quy định của pháp luật”. 

Cũng theo bà Giang, rượu bia là tác nhân của không ít vụ án mạng thương tâm, nhưng trong thực tế xét xử tại các tòa án, vẫn còn kiểu “kết luận” xem việc say xỉn như một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: “Bản thân bị cáo không tiền án, tiền sự, hiền lành, chỉ vì tác động của rượu bia mà bị cáo mất tự chủ…”. Bà đề nghị, cần quy định rõ: việc dùng rượu, bia, chất kích thích là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. 

Một trong mười nguyên nhân gây ra tử vong

Tổ chức Y tế Thế giới nhận định, rượu bia là một trong 10 nguyên nhân gây ra tử vong hàng đầu trên thế giới. Trong đó, 20% tử vong do chấn thương, tai nạn giao thông; 50% ca tử vong do xơ gan, 30% tử vong do ung thư thực quản, ung thư gan, động kinh. Có khoảng 30 loại bệnh phát sinh do sử dụng rượu bia. Rượu bia cũng là nguyên nhân làm giảm năng suất, gia tăng tai nạn lao động, thất nghiệp, bạo lực, tệ nạn xã hội, tội phạm.

Ngày càng nhiều phụ nữ… ham nhậu 

Theo thống kê, Việt Nam là một trong những nước sử dụng rượu bia nhiều nhất thế giới. Riêng tại TP.HCM, một nghiên cứu mới đây cho thấy, 80% đàn ông TP.HCM uống rượu bia, trong đó có 13% uống hàng ngày. Tỷ lệ phụ nữ uống nước có cồn cũng tăng cao, với 22% có uống rượu bia, trong đó 1% uống hàng ngày. 

Thạc sĩ Đào Lê Hòa An - Giám đốc chiến lược Trung tâm Chăm sóc tinh thần Ý Tưởng Việt - cho biết, qua khảo sát 470 người từ 18-28 tuổi, phần lớn đều thừa nhận có uống rượu bia, thỉnh thoảng uống say. Theo trào lưu sống ảo, nhiều nam - nữ thanh niên tung clip ghi lại cảnh uống rượu được thưởng tiền; có bạn nữ cầm bia uống, chụp ảnh đăng facebook chỉ vì sẽ được nhận… nhiều like (lượt thích).


Nghi Anh - Hoài An - Mẫn Nhi

Từ khóa cba
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI