Khi bão giá tấn công gia đình - Bão giá như "người thứ ba"

24/03/2022 - 06:13

PNO - Cuộc hôn nhân của tôi bất ngờ xuất hiện “người thứ ba”. “Cô ấy” xộc thẳng vào nhà tôi làm vợ chồng choáng váng. “Cô ấy” là “bão giá”.

 

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Chồng tôi làm phó phòng nhân sự của một công ty may, còn tôi làm nhân viên nhà nước. Có đứa con gái thứ hai, chồng thuyết phục tôi ở nhà nội trợ để anh lo kinh tế. Ngoài việc “đem tiền về cho vợ”, cuối tuần anh dành hết thời gian chơi với con và vào bếp nấu ăn thay tôi. Nhưng mới đây, cuộc hôn nhân của tôi bất ngờ xuất hiện “người thứ ba”. “Cô ấy” xộc thẳng vào nhà tôi làm vợ chồng choáng váng. “Cô ấy” là “bão giá”. 

Trước đây, mỗi lần đưa con đi bệnh viện, từ nhà tôi ở Q. Bình Tân đi taxi đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 mất khoảng 120.000 - 150.000 đồng, giờ tôi phải trả thêm hơn 30%. Trước đây, chi tiêu cả ngày của gia đình tầm 300.000 đồng. Giờ, phần ăn sáng của bốn người đã tăng thêm gần 40.000 đồng. Một bình xăng đổ đầy trước đây khoảng 80.000 đồng, giờ phải hơn 120.000 đồng… Nói chung, đụng cái gì cũng tăng giá và “ngân sách” 9 triệu đồng tiền chi tiêu mỗi tháng của gia đình chỉ được hơn nửa tháng đã bay vèo.

Vợ chồng tôi bắt đầu căng thẳng khi tôi gọi điện dặn chồng: “Chút anh về ghé rút tiền cho em 5 triệu đồng nghen”. Thay vì vui vẻ “ok” như mọi khi, chồng tôi gắt: “Làm gì mà mới đưa đã hết rồi? Gì cũng tăng giá thì em phải chi tiêu hợp lý chứ!”. Rồi anh thông báo: “Kể từ tuần này, cả nhà không đi ăn ngoài vào cuối tuần nữa, ở nhà nấu ăn cho đỡ tốn”. 

Sau đó, anh hủy chuyến du lịch Phú Quốc vào tháng Tư, kèm giải thích “giờ phải thắt lưng buộc bụng”. Hai đứa con tôi khóc ngon lành vì đã gần hai năm không được đi du lịch.  

Chồng tôi ra vẻ cứng rắn, nhưng tôi biết anh rất buồn. Một năm qua, công ty bị ảnh hưởng do dịch, những hợp đồng xuất khẩu ngưng trệ khiến công ty anh lao đao và thu nhập sụt giảm. Gia đình tôi không giàu, nên chúng tôi không tích lũy tiền mặt mà mua bảo hiểm cho con, những ngày dịch và bão giá này, việc phải đóng phí bảo hiểm hằng tháng gần chục triệu khiến nỗi lo của chúng tôi thêm căng thẳng. 

Về nhà, anh vẫn chơi với con, nhưng bên cạnh tiếng cười thỉnh thoảng lại xen tiếng la mắng, đét mông con - điều trước đây không bao giờ có. Con gái lớn giận dỗi, con gái nhỏ khóc lu loa, chạy đi “méc” mẹ: “Ba kỳ cục lắm!”.

Anh vẫn vào bếp, nhưng không còn sự vui vẻ, mà im im, và “thành phẩm” không phải là những món ăn “tuyệt vời ông mặt trời” như con tôi hay khen, mà hôm mặn đắng, bữa nhạt thếch.

Anh vẫn chia sẻ việc nhà, nhưng thay vì tự nguyện như trước, giờ đây tôi phải “kêu như kêu đò”. Anh cứ dán mắt vào điện thoại, đọc tất tần tật thông tin về thị trường chứng khoán. Anh muốn đầu tư, muốn kiếm thêm để cải thiện kinh tế - điều rất lạ và mạo hiểm so với một người luôn đặt sự an toàn cao như anh. 

Bão giá làm “bay màu” hình ảnh người chồng, người cha yêu đời. Còn tôi, sự căng thẳng khiến tôi mặc cảm vì “mình không làm ra tiền, nên bị xem thường”. Tôi mau nước mắt, dễ cáu và tổn thương. Mỗi khi chồng về, thay vì ba mẹ con chạy ra đón như trước, giờ tôi chui vào phòng, hoặc kiếm việc gì làm để ít phải giao tiếp với chồng. Tôi sợ phải nhìn gương mặt đăm chiêu của chồng, chồng tôi cũng rất mệt mỏi trước “nghề bán than” của tôi.

Chúng tôi ngại ngồi với nhau, vì cả hai biết rõ điều mình nói sẽ xoay quanh tiền nong. Tôi từng tự tin rằng, với tình yêu, sự tôn trọng và tin tưởng nhau, vợ chồng tôi sẽ đồng hành lâu dài trong hạnh phúc. Nhưng trước “người thứ ba” xuất hiện thình lình, chúng tôi thật sự bị động và nỗi lo sóng gió nổi lên bất cứ lúc nào. 

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm - Trung tâm Tư vấn Hồn Việt: “Một túp lều tranh hai trái tim vàng” đã thành cổ tích

Nỗi lo cơm áo gạo tiền ghì hai người trong cuộc xuống sát đất. Sống giữa cảnh khó khăn, thiếu thốn, vợ chồng phải tựa vào nhau, thấu cảm nhau, nếu không rất dễ dẫn đến cảnh cáu kỉnh, cơm không lành canh không ngọt.

Tuy nhiên, khả năng thích ứng và linh hoạt của con người là vô biên. Giữa thời buổi “bão giá” này, những gia đình khó khăn thường chuyển từ cơm hàng qua xách cặp lồng cơm đi làm, hạn chế tiệc tùng, mua sắm, những hẹn hò với chị em bạn dì từ nay khép lại.

“Một túp lều tranh hai quả tim vàng” cũng còn đó, nhưng không phải là lựa chọn của các cặp vợ chồng, mà do hoàn cảnh. Vì họ biết chấp nhận nên họ ổn. Rất cần “đồng vợ, đồng chồng” vào lúc này để có thể cùng nhau cười trong thiếu thốn.  

Chị Dương Thị Phương Mai (48 tuổi, Trưởng phòng Du lịch Nội địa Công ty Du lịch Vietjetours): Tôi giảm đồng loạt các chi tiêu cơ bản

Sau hai năm đại dịch, công ty chúng tôi bị ảnh hưởng không ít, nhưng giám đốc vẫn cố gắng cầm cự để nhân viên có mức lương đủ “thoi thóp” qua ngày. Từ đầu năm đến nay, mọi thứ cần mua cứ tăng từng ngày. 

Gia đình tôi đã cắt bớt buổi ăn xế của các con chuyển giờ ăn tối sớm hơn; thay vì sử dụng máy lạnh thì nay chỉ xài quạt và cài chế độ tự tắt giữa đêm để đỡ tốn điện. Thực đơn ăn sáng của các con trước khi đến trường bây giờ là mì gói, xôi, bánh mì sandwich… và tôi tự chế biến tại nhà cho đỡ tốn kém.

Trước đây, tôi thường đi siêu thị hai lần một tuần; nay chỉ còn một lần/tuần và tập trung mua thực phẩm. Thực đơn ăn uống trong tuần cũng tính toán chi ly hơn và thay đổi giữa thịt - cá - trứng, không còn quá nhiều loại thịt đắt tiền như trước. Trước đây, tôi chọn trái cây ngoại nhập nay chuyển sang trái cây Việt Nam vừa ngon vừa giảm chi phí. Thay vì sử dụng nước suối bình, tôi  chuyển sang uống nước đun sôi để nguội. Sữa ngoại cho con, nay chuyển về hàng Việt.

Việc học thêm của các con, tôi cố gắng tìm hiểu các chương trình học online tốt nhưng giá thật mềm như “Học mãi” để vừa đỡ tốn chi phí vẫn đảm bảo cho con nhận được lượng kiến thức cần thiết.

Tôi đặc biệt quan tâm đến việc thanh toán qua các ví điện tử, thẻ tín dụng của các ngân hàng để nhận được nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá, hoàn tiền.

Tiết kiệm đồng nào hay đồng đó

Bà Ngọc Hân đang chuẩn bị bữa cơm chiều
Bà Ngọc Hân đang chuẩn bị bữa cơm chiều

Gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Hân (62 tuổi, cán bộ hưu trí, nguyên giảng viên Học viện Cán bộ TPHCM) có ba mẹ con. Bà về hưu, nhưng vẫn còn dạy thỉnh giảng cho các trường đại học, hai con gái đều đã đi làm. Từ khi có dịch COVID-19, thu nhập của cả ba mẹ con đều giảm phân nửa, cộng thêm vật giá tăng liên tục, đã ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Trước đây ba mẹ con đều ăn sáng bên ngoài thì giờ ăn sáng tại nhà bằng cơm dư tối hôm trước hoặc bánh ngọt, sữa chua, ngũ cốc, bột yến mạch…  

Buổi trưa trước đây con gái bà đi làm đặt cơm trưa văn phòng khoảng 35.000 đồng/phần. Nay, buổi trưa cô con gái đem cơm nhà theo.

Bà Hân tâm sự: "Trước thì đôi khi chúng tôi xài sang, đồ ăn còn thừa để cho mèo ăn hoặc đổ đi. Nay, đồ ăn cũ tôi linh hoạt chế biến thành các món mới. Bữa ăn trước đây phải đủ 3-4 món, gồm món xào, món mặn, canh thì nay chỉ còn một món mặn và tô canh hoặc rau luộc. Thậm chí buổi ăn tối giờ chỉ còn là một nồi cháo nấu với thịt hoặc cá, mực.

Để giảm chi phí điện nước, chúng tôi tập trung quần áo giặt hằng tuần chứ không giặt mỗi ngày. Đôi khi giặt tay để lấy nước giặt đồ lau nhà. Nước rửa rau, vo gạo để dành tưới cây chứ không đổ đi như trước. Trước đây ba mẹ con mỗi người ở một phòng thì nay gom về sinh hoạt chung một phòng để đỡ tốn điện". 

Trước đây hằng tháng mẹ con bà đều đi massage, làm đẹp, cắt tóc gội đầu; hằng tháng đều “tự thưởng” cho mình quần áo, mỹ phẩm, đi xem kịch, ca nhạc… thì nay đó là những thứ phải mạnh dạn cắt bỏ trong danh mục chi tiêu. 

Gần đây, các bà nội trợ trong chung cư khu nhà bà Hân cùng nhau mua chung một số mặt hàng cần thiết để được hưởng chính sách mua sỉ. Đặc biệt các chị quan tâm đến các chương trình khuyến mãi, giảm giá ở khắp các kênh mua sắm trên mạng để tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó. 

Nhiều lúc thương con đứt ruột

Gia đình chị trang chắt bóp chi tiêu trong từng bữa cơm - ảnh: phùng huy
Gia đình chị Trang chắt bóp chi tiêu trong từng bữa cơm - Ảnh: Phùng Huy

Chồng chị Trần Thị Thùy Trang (P. Bình Hưng Hòa B, Q. Bình Tân, TPHCM) là tài xế. Chị mở quán nước nhỏ tại nhà thuê, bán thêm trái cây gửi dưới quê lên, nấu cơm cho công nhân, nhận việc xếp bao bì… Ấy vậy mà cuộc sống vẫn chật vật, giá cả lại leo thang từng ngày. Dịch giã vừa qua đi, nay đã tới bão giá.

Chị cho biết: “Mỗi lần ra chợ là phải suy nghĩ nên mua gì. Tụi nhỏ thường hỏi: “Nay mẹ nhiều tiền chưa? Mẹ chở con đi siêu thị mua sữa hay đi thú nhún nhen. Lâu quá rồi mà mẹ chưa chở đi”. 

Chị nói nhiều khi nghĩ mà thương cho con đứt ruột. Tuổi thơ của con trôi dần qua mà ba mẹ chưa đáp ứng được nhu cầu của tụi con được bao nhiêu. Để kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống, chồng chị Trang phải tăng thêm giờ làm, chị cũng phải đi làm công theo giờ vào buổi tối. Có đợt, anh chị phải nhờ ông ngoại ở quê lên phụ giúp trông coi mấy đứa nhỏ và quán nước. 

Giang Thùy - Xuân Hòa - Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI