Kẹo socola Kinder bán đầy thị trường, phụ huynh lo mua phải hàng nhiễm khuẩn

15/04/2022 - 10:24

PNO - Nhiều phụ huynh lo ngại thông tin về lô kẹo socola Kinder có nguy cơ nhiễm khuẩn hiện khá hạn chế, trong khi sản phẩm này đang được bán phổ biến với đủ chủng loại, xuất xứ.

Rối vì một nhà sản xuất nhưng sản xuất tại nhiều nước

Trước thông tin kẹo socola Kinder Surprise của Công ty Ferrero sản xuất tại Bỉ khiến 150 trẻ tại 9 nước châu Âu nhiễm khuẩn Samonella, Bộ Công thương đã yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh, phân phối thực phẩm, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Hiệp hội Phát triển chợ Việt Nam thu hồi một số dòng sản phẩm kẹo socola Kinder (người tiêu dùng trong nước quen gọi là kẹo trứng). Bộ cũng đề nghị các nhà cung cấp không tiếp tục bán sản phẩm kẹo này cho tới khi có thông báo mới. 

Theo ghi nhận của phóng viên, trên thị trường có nhiều sản phẩm socola Kinder của Công ty Ferrero với đủ nguồn gốc xuất xứ.

Một cửa hàng thực phẩm Pháp trên đường Xuân Hồng (quận Tân Bình, TPHCM) đang bán hai loại socola Kinder Surprise và Kinder Joy Surprie loại 50g với giá 50.000 đồng/quả, xuất xứ từ Ý. Nhân viên cửa hàng cho biết, có nắm thông tin sản phẩm này gây ngộ độc cho trẻ ở châu Âu, nhưng loại socola Kinder nhiễm khuẩn đều sản xuất tại Bỉ, trong khi sản phẩm bán tại cửa hàng được sản xuất tại Ý.

Kẹo socola Kinder được đóng gói như những quả trứng, bán phổ biến từ sạp chợ đến các cửa hàng tiện lợi, siêu thị lớn... Sản phẩm được sản xuất từ nhiều nước khác nhau, chẳng hạn nếu nhập từ Mỹ sẽ có socola Kinder forboy (loại dành cho nam), socola Kinder forgirls (loại dành cho nữ), giá bán trung bình 25.000 đồng/quả. Nếu là socola Kinder Sorpresa, Kinder Schoko bons của Đức thì giá bán lên đến 50.000 đồng/quả.... Sản phẩm này được trẻ nhỏ yêu thích khi ngoài hương vị độc đáo còn kích thích trẻ chơi trò bóc trứng. 

Một số loại Kinder dành cho bé trai, bé gái có nguồn gốc tại Mỹ, Ấn Độ...
Một số loại Kinder dành cho bé trai, bé gái có nguồn gốc tại Mỹ, Ấn Độ...

Chị Phương Nga (TP.Thủ Đức) cho biết, đây là sản phẩm yêu thích của cả hai bé (3 tuổi và 5 tuổi) con chị. Các bé xem YouTube và thích thú với trò bóc trứng nên mỗi khi đi siêu thị thường đòi mẹ mua. "Do thấy sản phẩm nhập từ châu Âu nên từ trước đến nay tôi khá yên tâm. Khi đọc được thông tin sản phẩm này có nguy cơ gây nhiễm khuẩn cho trẻ, tôi vội kiểm tra các sản phẩm còn lại của bé nhưng hầu hết được sản xuất tại Mỹ chứ không phải Bỉ nên cũng yên tâm phần nào", chị Nga chia sẻ.

Trên thị trường chủ yếu là kẹo socola Kinder Joy
Kẹo socola Kinder Joy With Surprise trên thị trường chủ yếu là của Ấn Độ

Một đầu mối chuyên cung cấp sỉ kẹo trứng Kinder Joy cho biết, giá bán sản phẩm tùy vào hạn sử dụng, theo đó, những sản phẩm cận date (gần hết hạn sử dụng) sẽ có giá rẻ hơn. 

Thậm chí có nhiều loại Kinder với tên rất lạ không rõ nguồn gốc xuất xứ
Socola Kinder có xuất xứ từ Đức

Cần kiểm nghiệm tất cả chủng loại kẹo của Ferrero

Trả lời PV Báo Phụ Nữ TPHCM, đại diện các hệ thống siêu thị MM Mega Market, LOTTE Mart, Co.op Mart, GO! Big C khẳng định không bán hai sản phẩm kẹo socola và kẹo thạch sữa trái cây (XZL Milk Fruit Jelly School Bag) - sản phẩm vừa bị Bộ Công thương cảnh báo thu hồi. Theo đại diện MM Mega Market, hệ thống hiện chỉ bán sản phẩm Kinder Joy sản xuất tại Ấn Độ.

Đại diện LOTTE Mart cũng khẳng định: “Sản phẩm đang được bán tại LOTTE Mart được sản xuất ở Ấn Độ chứ không phải ở Bỉ. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cùng nhà cung cấp rà soát lại các sản phẩm”.

Các siêu thị cho rằng tuy không bán loại socola Kinder Surprise được sản xuất tại Bỉ nhưng vẫn sẽ rà soát lại các sản phẩm
Các siêu thị cho rằng tuy không bán loại socola Kinder Surprise được sản xuất tại Bỉ nhưng vẫn sẽ rà soát lại các sản phẩm

Tiến sĩ Phan Thế Đồng - Phó chủ tịch Hội dinh dưỡng thực phẩm TPHCM cho biết, Salmonella là vi khuẩn sống trong đường ruột nhiều loại động vật khác nhau nên rất dễ lây nhiễm vào thực phẩm. Với sữa, nếu chuồng trại nuôi bò sữa vệ sinh không tốt cũng có nguy cơ gây nhiễm, thịt tươi cũng bị nhiễm nếu vệ sinh không tốt lúc giết mổ, vỏ trứng gà cũng dễ nhiễm do đẻ ra bằng đường bài tiết chất thải…“Hiện siêu thị không bán socola Kinder Surprise có bao bì giấy nhôm như sản phẩm bị cảnh báo, chỉ đang bán socola Kinder Joy có bao bì nhựa hình trứng” - đại diện Co.op Mart cho biết.

Trong sản phẩm kẹo socola Kinder, thành phần dễ nhiễm khuẩn gồm có sữa, protein, bột mì… trong đó sữa dễ nhiễm khuẩn nếu không được thanh trùng kỹ. Tại nước ngoài, có một số sản phẩm sữa không được thanh trùng hoặc không kiểm soát đầu vào nên vẫn còn sót vi khuẩn. Hoặc trong quá trình chế biến đóng gói, nếu điều kiện vệ sinh công nhân không tốt sẽ có nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn này.

Nhiễm khuẩn Salmonella sẽ có các triệu chứng như: đau bụng, nôn ói, nặng hơn là nhức đầu, mệt lả người. Ở người lớn, tình trạng nhiễm độc do vi khuẩn Salmonella thường thoáng qua và ít biến chứng, nhưng ở trẻ nhỏ (nhất là trẻ dưới 5 tuổi) tình trạng nhiễm độc có thể diễn tiến nặng hơn như gây biến chứng nhiễm trùng máu, viêm não, viêm xương. Ngoài ra, các cơ quan khác như phổi, tủy sống, thận... có thể bị ảnh hưởng do Salmonella.

Khi thấy trẻ có triệu chứng này mà trước đó trẻ có ăn kẹo socola trứng thì người nhà hãy nghĩ ngày đến việc có thể trẻ đã bị nhiễm khuẩn Salmonella. “Để gây ngộ độc thì số lượng vi khuẩn trong sản phẩm phải đủ lớn. Hàng trăm trẻ nhỏ ăn kẹo socola Kinder rồi nhiễm khuẩn đến mức nhập viện, như vậy số lượng vi khuẩn trong kẹo không nhỏ” - tiến sĩ Phan Thế Đồng cảnh báo.

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Trường đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng, không chỉ khuẩn Samonella, các sản phẩm cũng thường nhiễm E.coli. Các công ty thực phẩm lớn, uy tín thường cẩn thận trong khâu sản xuất, song có thể họ chủ quan không kiểm soát các chi tiết nhỏ. Theo ông, các nhà sản xuất phải nghi ngờ tất cả yếu tố, nguy cơ có thể xảy ra để kiểm soát chặt chẽ hơn, loại trừ các nguy cơ cũng là điều kiện để đảm bảo an toàn thực phẩm, như vậy sẽ không xảy ra tình trạng tương tự.

Từ những vụ việc trên, PGS.TS Duy Thịnh khuyến nghị khâu kiểm tra, kiểm soát thực phẩm vào Việt Nam cần phải kỹ lưỡng, siết chặt hơn. Ngoài các giấy tờ, phân tích kiểm nghiệm của nhà sản xuất đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng, an toàn thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cần đề nghị đơn vị nhập khẩu kiểm nghiệm sản phẩm thêm lần nữa, chỉ khi đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm thì mới được nhập, phân phối tại thị trường Việt Nam.

“Điều kiện cần đầu tiên là tất cả sản phẩm thực phẩm nhập khẩu đều phải có chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm của nhà sản xuất, điều kiện đủ là sản phẩm nhập về Việt Nam phải được kiểm nghiệm đảm bảo an toàn mới được lưu hành. Tóm lại, phải kiểm tra hai lần mới đảm bảo an toàn chất lượng sản phẩm, tập trung kiểm nghiệm các loại vi khuẩn có nguy cơ nhiễm vào thực phẩm, đặc biệt với những nguy cơ mà các nước đã phát hiện, cảnh báo, cần kiểm tra kỹ hơn. Phương pháp kiểm tra đã thống nhất trên toàn thế giới và Việt Nam cũng có nhiều phòng kiểm nghiệm, cần đẩy mạnh khâu kiểm nghiệm thực phẩm nhập khẩu”, PGS.TS Duy Thịnh nhấn mạnh.

Nguyễn Cẩm - Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI