Kéo dài xương chân có phải muốn là được?

22/12/2019 - 12:20

PNO - Kéo dài xương chân là phương pháp điều trị bệnh lý chân ngắn chân dài do bệnh bại liệt; do di chứng thương tật từ tai nạn, những trường hợp bị viêm xương hoặc do phải cắt u xương dẫn đến tình trạng chân cao chân thấp...

Tuy nhiên hiện nay, kéo dài xương được xem là giải pháp duy nhất cho nhiều người muốn cải thiện chiều cao khi đã qua tuổi dậy thì.

Mặc cảm vì ngoại hình

Sáu tuổi, anh Đ.Đ.D. (45 tuổi, ở tỉnh Cà Mau) bị ngã từ xe bò xuống đất khiến vùng mông bị chấn thương. Người nhà không đưa anh đến bệnh viện khám mà dùng lá thuốc đắp vết thương. Tưởng lành bệnh là xong, nào ngờ 6 tháng sau, anh D. thấy chân trái yếu hẳn, rồi đi khập khiễng.

Keo dai xuong chan co phai muon la duoc?
Do quá trình thực hiện kéo dài xương phức tạp và nhiều nguy cơ, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM chỉ ưu tiên áp dụng kỹ thuật này trong điều trị bệnh lý

Đến khi trưởng thành, chân trái của anh ngắn hơn 8cm so với chân phải, tình trạng “cà thọt” khiến xương của anh chững lại. Tuổi dậy thì, chiều cao 150cm kèm dáng đi “nhảy nhót” khiến anh D. rất mặc cảm, tự ti.

“Suốt ngày bị bạn bè trêu chọc, tôi buồn quá bỏ học, trốn trong nhà. Hơn 20 tuổi, tôi đi tìm việc làm nhưng do mình què nên không ai thuê. Trầy trật mãi, tôi chấp nhận tiền lương thấp để phụ các anh thợ làm thạch cao, dán nhà nhưng chỉ phụ việc lặt vặt chứ không lên thợ chính được”, anh D. nói.

Anh D. chia sẻ: “Từ nhỏ tôi đã bị gọi là thằng lùn. Chân cao chân thấp, xương sống biến dạng khiến tôi không thể làm việc nặng, cũng không leo trèo được. Mỗi lần đi tìm việc, thấy người ta nhìn mình, tôi lại lủi thủi về, lúc nào cũng cúi gằm mặt sợ hãi”.

Tình cờ biết Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM có thể kéo dài xương để trị bệnh, anh D. nhờ cha đến hỏi thăm rồi vui mừng khi được chấp nhận điều trị.

Qua thăm khám và làm các chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ Trần Chí Khôi, Khoa Phẫu thuật chi dưới, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, nhận định do anh D. bị tai nạn gây di chứng biến dạng chân đã hơn 30 năm, toàn bộ thần kinh mạch máu và gân cơ hầu như đã thích nghi với độ dài chân trái, nên kéo căng sẽ dẫn đến nguy cơ tổn thương hoàn toàn các thành phần trên. Nếu phẫu thuật không thành công, anh có thể mất chân. Khát khao được trở lại bình thường để hòa nhập vào cuộc sống, anh D. chấp nhận rủi do để… đổi đời. 

Trong sáu tháng điều trị, anh D. trải qua hai cuộc phẫu thuật lớn nhằm cố định xương chân ngắn bằng đinh, đặt dụng cụ kéo dài xương chuyên dụng. Mỗi ngày kéo dài xương chân 1mm, kéo cho đến khi hai chân bằng nhau mới dừng lại, đợi xương mọc ra, đủ sức chịu lực mới rút đinh. 

Tiếp theo, anh D. được tập vật lý trị liệu để phục hồi vận động. Hiện tại, anh đã tự tin trong giao tiếp, sinh hoạt hằng ngày. Thậm chí, anh D. có thể leo lên thang cao để làm công việc dán thạch cao.

Bác sĩ Khôi cho biết: “Phẫu thuật kéo dài xương không đơn giản. Khi xương được kéo dài, các tế bào gân cơ, mạch máu và thần kinh cũng sẽ phát triển theo để tương xứng với sự phát triển của xương. Do đó, ngoài chuyên môn của bác sĩ, tất cả dụng cụ, thiết bị được sử dụng phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn ngoại khoa.

Bệnh nhân cần được theo dõi sát trong suốt quá trình kéo dài xương từ vài tháng cho đến vài năm tùy độ dài, sức khỏe. Sau đó, người bệnh tập phục hồi chức năng cho chi được kéo dài hoàn toàn khỏe mạnh mới quay lại cuộc sống bình thường”.

Kéo dài xương để tăng chiều cao như mong muốn

Do quá trình thực hiện kéo dài xương phức tạp và nhiều nguy cơ, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM chỉ ưu tiên áp dụng kỹ thuật này trong điều trị bệnh lý. Tuy nhiên, thời gian gần đây, vẫn có nhiều người đã qua giai đoạn trưởng thành mong muốn cải thiện chiều cao bằng phương pháp này.

Như trường hợp của chị N.T.P.T. (24 tuổi, ở Vũng Tàu) chỉ cao 135cm nên mơ ước được mặc áo dài bị dập tắt chỉ qua hai lần ngắm mình trước gương. “Đi làm, tôi bị gọi sau lưng là con lùn, dù tôi đã lên làm quản lý. Buồn bã, tôi nghỉ việc, về bán hàng online để tránh tiếp xúc với người khác”, chị T. chia sẻ.

Tình cờ chị T. biết đến phương pháp kéo dài xương cải thiện chiều cao, liền tìm hiểu rồi quyết định phẫu thuật, dù với đặc điểm xương chân của chị, bác sĩ chỉ có thể kéo dài tối đa khoảng 10cm.

Chiều cao quan trọng với phụ nữ bao nhiêu thì với nam giới càng ám ảnh bấy nhiêu, anh P.V.M. (28 tuổi, ở Đồng Nai) cũng vậy, do cả cha mẹ, người thân trong gia đình đều không cao nên hết tuổi trưởng thành, chiều cao của anh M. chỉ đạt “ba mét bẻ đôi”. Lúc nhỏ, anh M. không bận tâm lắm vì ở quê anh, đó là chiều cao phổ biến. 

Tuy nhiên, khi đến Sài Gòn học đại học, anh M. rất mặc cảm khi không thể tham gia các trận đấu bóng rổ, bóng chuyền, thậm chí đá banh, bơi lội. Anh cũng chỉ đứng tới mang tai các bạn nữ khi họ mang giày cao gót.

Anh nói: “Biệt danh M. lùn, M. chuột, M. bẻ đôi cũng xuất hiện từ đó. Một lần, tôi được chọn vào đội kịch của trường, chiều cao khiến tôi bị đẩy vào vai học sinh cấp II và là… con trai của cô bạn tôi thầm thương…”.

Trải qua hai cuộc phẫu thuật, mất gần hai năm kéo xương, anh M. tăng thêm 12cm. Tuy nhiên, do trong giai đoạn kéo xương, anh bị biến chứng nhiễm trùng suýt cắt bỏ chân nên hiện tại, anh phải hạn chế các động tác khó, hạn chế các môn thể thao đòi hỏi sự linh hoạt, sức bền cũng như dồn lực nặng xuống chân. Phải đối mặt với nhiều nguy cơ, anh M. cho biết anh vẫn không hối hận vì chiều cao hơn 160cm mang lại cho anh sự tự tin và nhiều cơ hội trong cuộc sống.

Nếu chỉ làm đẹp, tôn dáng, kéo dài xương có nên hay không?

Theo bác sĩ Khôi, chiều cao của con người phụ thuộc sự phát triển của sụn tăng trưởng ở các đầu xương dài từ khi còn trong bào thai cho đến khoảng 25 tuổi. Sự phát triển này phụ thuộc yếu tố di truyền chủng tộc, dinh dưỡng từ trong bào thai cho đến lứa tuổi thanh thiếu niên, các hoạt động thể thao (bơi lội, bóng rổ, xà đơn…). Khi bước qua tuổi 20, hầu hết tốc độ tăng chiều cao ở thanh thiếu niên Việt Nam rất chậm, chỉ thêm khoảng 3cm. 

Keo dai xuong chan co phai muon la duoc?
Bệnh nhân cần được theo dõi sát trong suốt quá trình kéo dài xương từ vài tháng cho đến vài năm tùy độ dài, sức khỏe

Vì vậy, ai cũng cho rằng giải pháp để cải thiện chiều cao là phẫu thuật kéo xương. Điều này rất nguy hiểm. Bởi vì, ngay từ khi có phương pháp kéo dài xương, các bác sĩ đều hướng đến điều trị cho bệnh nhân, chứ không khuyến khích kéo xương để tăng chiều cao do có nhiều nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến vận động, thậm chí tính mạng của người bệnh.

Bác sĩ Khôi cho biết: “Mặc dù bác sĩ có thể chỉ định kéo xương sang lĩnh vực thẩm mỹ nhưng đây chỉ là phương pháp phẫu thuật tương đối, nhiều nguy cơ vì luôn có các tai biến nguy hiểm liên quan đến tính mạng của bệnh nhân như sốc thuốc, thuyên tắc mạch… chưa kể đến những trường hợp tổn thương thần kinh mạch máu, nhiễm trùng, liệt dây thần kinh, co thắt mạch máu nuôi chi hay phản ứng với dụng cụ kết hợp xương, gãy dụng cụ kết hợp xương”.

Bác sĩ sẽ phẫu thuật cắt, xuyên đinh qua xương, lắp khung bên ngoài để căng giãn từ từ với tốc độ 1mm/ngày. Như vậy, nếu muốn kéo dài 7cm sẽ mất 70 ngày. Tùy sức khỏe, cơ địa mỗi người, bác sĩ sẽ chỉ định độ dài sao cho sau khi hồi phục, bệnh nhân có thể sinh hoạt hằng ngày, tham gia các hoạt động thể thao khác. Sau đó, người bệnh phải mất thêm một thời gian để xương liền chắc mới tháo khung và tiếp tục tập vật lý trị liệu.

Bác sĩ Khôi khuyến cáo: “Đã có trường hợp bệnh nhân chạy theo phong trào, nhất định phải phẫu thuật, đến khi lắp khung thì hoảng loạn, sợ hãi nhờ người nhà đưa đến bệnh viện để tháo khung cố định do quá sốc”. 

Lưu ý khi muốn kéo xương tăng chiều cao

Độ tuổi thích hợp để thực hiện kéo dài chân là từ 20-30 tuổi, vì lúc đó chiều cao cơ thể đã hoàn thiện. Sau 35 tuổi, xương bắt đầu lão hóa nên không thuận lợi để phẫu thuật kéo dài. 

Trong suốt quá trình kéo dài xương cả điều trị bệnh lý hay cải thiện chiều cao, người bệnh chỉ nằm viện từ 5 đến 7 ngày đầu khi thực hiện phẫu thuật rồi được xuất viện, chỉ đến bệnh viện kéo xương theo lịch hẹn của bác sĩ hoặc khi xảy ra biến chứng. Thời gian này, người bệnh phải đảm bảo tuân thủ tuyệt đối tất cả dặn dò của bác sĩ, tránh nôn nóng, tự ý đi lại, vệ sinh không đúng cách để tránh rủi ro.

Khi quyết định phẫu thuật kéo dài xương, nên đến các bệnh viện có chuyên khoa sâu chấn thương chỉnh hình để được bác sĩ tư vấn chính xác trước, trong và sau phẫu thuật cả những vấn đề liên quan đến thể chất lẫn tinh thần, từ đó có sự chuẩn bị chu đáo.

Phải tuân thủ nghiêm ngặt các bài tập vật lý trị liệu tránh teo cơ, cứng khớp và co rút gân cơ ảnh hưởng đến vận động về sau.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI