Huy động nguồn lực đa dạng bảo vệ “lá phổi xanh”

28/02/2024 - 06:01

PNO - Cần có cơ chế, chính sách để các địa phương được chủ động kêu gọi các nguồn lực xã hội tham gia cùng nhà nước đầu tư cho việc bảo vệ rừng.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, trong 5 ngày tới, sẽ xảy ra nắng nóng trên diện rộng ở các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ, có nơi nắng nóng gay gắt. Ngay từ đầu năm 2024, các chuyên gia về khí tượng thủy văn đã dự báo về các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ xảy ra trong năm như hạn hán, xâm nhập mặn, nắng nóng, bão lũ bất thường.

Lực lượng biên phòng kiểm tra, tiếp nước cứu những cây còn sống sau vụ cháy ở rìa rừng của vườn quốc gia Phú Quốc ngày 25/2 - Ảnh: H.L.
Lực lượng biên phòng kiểm tra, tiếp nước cứu những cây còn sống sau vụ cháy ở rìa rừng của vườn quốc gia Phú Quốc ngày 25/2 - Ảnh: H.L.

Hiện nay, các rừng tràm vào mùa rụng lá. Dưới tác động của nắng nóng, các thảm thực bì và dây leo đều khô héo; các con kênh dẫn nước trong rừng cũng khô khốc, chỉ còn lại lớp than bùn nên chỉ cần một đốm lửa nhỏ thì cả cánh rừng sẽ bị thiêu rụi. 

Rừng ở đồng bằng sông Cửu Long đa phần là rừng tràm, dễ cháy nhưng rất khó dập lửa do ngọn lửa không chỉ lan trên tán rừng mà còn âm ỉ dưới mặt đất. “Cơn bão lửa” ở rừng U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang) cách đây 22 năm vẫn là hồi chuông cảnh báo về thảm họa cháy rừng ở vùng châu thổ này. Từ một đám cháy nhỏ ở một tiểu khu, lửa đã lan rộng và phải mất gần 20 ngày để khống chế. Vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi hơn 3.200ha rừng, tàn phá khu vực sinh thái quý giá bậc nhất thế giới.

Một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến cháy rừng ở đồng bằng sông Cửu Long là việc người dân đốt thực bì, đốt ong, vứt bừa tàn thuốc lá trong rừng lúc trời nắng nóng. Chỉ cần một tàn lửa, hàng ngàn héc ta rừng có thể bị thiêu rụi. Do đó, để bảo vệ rừng, cơ quan chức năng cần có giải pháp ngăn chặn việc đốt thực bì, hạn chế tối đa việc sử dụng lửa trong các rừng tràm vào mùa khô.

Hiện nay, ở các khu rừng, vườn quốc gia, cơ quan chức năng đều đã lập các tổ, đội tuần tra phòng, chống cháy rừng 24/24 giờ. Tuy nhiên, do lực lượng tuần tra mỏng, diện tích rừng lớn nên khó bao quát, phát hiện các đám cháy nhỏ kịp thời. Do đó, cần đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại để giám sát các đám cháy. Việc phát hiện, xử lý các đám cháy nhỏ ban đầu là giải pháp hữu hiệu giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra.

Một vấn đề quan trọng khác trong công tác phòng, chống cháy rừng là nguồn nước chữa cháy. Nắng nóng đã khiến không ít kênh mương dẫn nước tự nhiên trong các cánh rừng cạn nước. Lúc này, hệ thống thủy lợi đã không còn làm được nhiệm vụ tiếp nước chữa cháy và ngăn ngừa cháy lan. Do đó, cùng với việc túc trực phòng, chữa cháy, cơ quan chức năng cần khẩn trương rà soát hệ thống kênh mương trong các khu rừng, đồng thời có phương án bổ sung, dự trữ nước trong các kênh, mương này để sẵn sàng ứng phó khi có sự cố. Việc tích trữ nước cần được tính toán thận trọng, căn cứ vào đặc điểm của từng khu rừng để tránh tác động tiêu cực đến hệ sinh thái tự nhiên.

Hiện nay, hầu hết các tỉnh miền Tây Nam Bộ đang thiếu cán bộ, nhân viên trực tiếp giữ rừng do đây là công việc nặng nhọc nhưng mức lương khá thấp, không đủ trang trải cuộc sống. Nhân viên hợp đồng tham gia tuần tra, bảo vệ rừng hiện nay chỉ có mức lương từ 3-3,5 triệu đồng/tháng; những nhân viên có thâm niên hàng chục năm cũng chỉ có mức lương khoảng 5-6 triệu đồng/tháng. Do đó, cần có chính sách phù hợp hơn để chăm lo tốt hơn cho những người trực tiếp quản lý, bảo vệ rừng, giúp họ bám trụ với nghề.

Cuối cùng, cần huy động sức dân vào công tác bảo vệ “lá phổi xanh” vùng đồng bằng sông Cửu Long. Để làm được điều này, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy. Cần tập huấn và có chính sách khuyến khích người dân tham gia lực lượng phòng cháy, chữa cháy tại chỗ. 

Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng còn hạn chế, cần có cơ chế, chính sách để các địa phương được chủ động kêu gọi các nguồn lực xã hội tham gia cùng nhà nước đầu tư cho việc bảo vệ rừng. 

Khi và chỉ khi thực hiện được đồng bộ các giải pháp trên, chúng ta mới có đủ điều kiện để bảo vệ những cánh rừng của miền Tây Nam Bộ trước sự đe dọa của nắng nóng và nguy cơ hỏa hoạn. 

Vũ Ngọc Quý - chuyên gia môi trường

Sơn Vinh (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI