Huy 23 tuổi và máy điện tim “made in Vietnam”

28/01/2017 - 12:00

PNO - 23 tuổi, Cù Gia Huy đã được giữ lại trường, làm trợ giảng cho khoa Kỹ thuật y sinh – trường Đại học Quốc tế (thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM).

Huy cũng chế tạo thành công máy đo điện tim “made in Viet Nam”, loại máy đầu tiên gắn vào cơ thể để người bệnh có thể đi khắp nơi, thay vì nằm lì tại bệnh viện. Huy ao ước ngày nào đó sẽ mở được một bệnh viện chữa bệnh miễn phí cho người nghèo.

Theo nghề vì mong chữa bệnh cho thầy

Cha là kỹ sư, mẹ là bác sĩ nhưng người hướng Huy say mê nghiên cứu sản xuất thiết bị y khoa lại là thầy giáo Lương Anh Văn dạy môn toán năm lớp 6.

Huy 23 tuoi va may dien tim “made in Vietnam”
Cù Gia Huy

Huy chia sẻ: “Thầy mắc bệnh thận, sức khỏe yếu ớt, da xanh xao nhưng mỗi ngày đến lớp, thầy đều dốc sức truyền hết niềm đam mê toán học cho trò. Chính lòng yêu nghề của thầy đã khiến Huy thay đổi cách tư duy về cuộc sống. Nhìn vào nghị lực của thầy, Huy ấp ủ sẽ theo con đường kỹ sư thiết kế ra các sản phẩm y khoa, mong tìm ra các thiết bị máy móc để chữa hết bệnh cho thầy. Kỹ sư Kỹ thuật Y sinh cũng là một nghề kết hợp giữa ngành kỹ sư của cha và nghề bác sĩ của mẹ Huy. Như vậy đã trọn vẹn cả sở thích cá nhân và niềm vui của cha mẹ và thầy Văn rồi!”.

Áp lực lớn của Huy là đậu thủ khoa đầu vào của trường Đại học Quốc tế năm 2011 với 29 điểm. Khi tốt nghiệp đại học, Huy tiếp tục là thủ khoa ngành Kỹ thuật Y sinh với điểm số  trung bình 8,84 của toàn khóa học và là một trong hai sinh viên được giữ lại trường giảng dạy.

Gặp Huy giữa giảng đường khi chàng trai trẻ này đang hướng dẫn sinh viên cách lắp mạch điện tử, nguyên lý vận hành mạch điện... tôi vẫn không phân biệt được đâu là thầy giáo Huy, đâu là các sinh viên. Vừa hướng dẫn học trò, Huy cũng vừa ngóng kết quả dự thi của “máy đo điện tim” do mình chế tạo, đang được trường đưa đi dự thi giải khởi nghiệp N.I. của Mỹ tổ chức và đã lọt vào vòng hai.

Ngay từ năm hai, Huy và bạn cùng lớp, Nguyễn Hoàng Tuấn đã theo đuổi đề tài nghiên cứu chế tạo ra  thiết bị đo điện tim. Đây là thiết bị rất hữu ích trong việc theo dõi và chẩn đoán các bệnh về tim mạch nên được thầy cô nhiệt tình ủng hộ. Thế nhưng, phải sau gần ba năm, đến ngày Huy ra trường, sản phẩm mới hoàn thiện.

Huy kể: "Liên đoàn Tim mạch thế giới (WHF) ước tính tỷ lệ người mắc bệnh tim mạch ở Việt Nam vào năm 2017 có thể lên đến 20%. Hiện nay, bệnh tim mạch được cho là nguyên nhân chính gây tử vong. Các bệnh về tim mạch có tính cấp tiến, các triệu chứng lâm sàng sẽ không được phát hiện ngay mà chúng thường hình thành và trở nên trầm trọng hơn theo thời gian.

Huy tính đến chuyện phải tạo ra một hệ thống cho phép đo, truyền dữ liệu và phân tích, đánh giá tín hiệu điện tim của cơ thể trong thời gian dài thông qua mạng internet. Hệ thống bao gồm các chip (vi mạch) thu tín hiệu nhỏ gọn, cho phép bệnh nhân mang bên mình suốt ngày mà không gây ra quá nhiều phiền toái. Tín hiệu thu được sẽ được truyền qua điện thoại thông minh để cảnh báo và cho lời khuyên về sức khỏe.

Hệ thống sẽ mang lại giải pháp chăm sóc sức khỏe tim mạch tự động và liên tục cho những bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh về tim mạch cao như: người cao tuổi, người có tiền sử bệnh tim hoặc vận động viên thể thao. Đặc biệt ưu điểm của máy là dự báo trước nguy cơ dẫn đến rối loạn nhịp, đột quỵ sẽ diễn ra trong bao lâu nên giúp người bệnh có thể chủ động tìm đến bác sĩ trước khi bệnh xảy ra”.

Máy đo điện tim mà Huy sản xuất lần đầu tiên đạt giải khuyến khích về khởi nghiệp do Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) tổ chức năm 2016 (không có giải nhì, giải ba); đạt giải khuyến khích  Eureka 2015 và đang tham gia giải khởi nghiệp do Đại học Ngân hàng TP.HCM tổ chức… Hiện sản phẩm của Huy đang nhờ Khu công nghệ cao TP.HCM đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ và tiến tới sản xuất đại trà ra thị trường trong nước.

“kim chỉ nam” là... mẹ

Tại sao Huy lại chọn sáng chế máy đo điện tim, khi thị trường tràn ngập các dòng máy nước ngoài, nhất là người Việt lại “sính” hàng ngoại? Huy trả lời tôi một cách tự tin: "Các thiết bị chuyên dụng để giám sát sức khỏe tim mạch cho bệnh nhân từ lâu đã được nhiều công ty nghiên cứu và phát triển dựa trên việc đo và phân tích tín hiệu điện tâm đồ. Tuy nhiên, các dòng máy này có kích cỡ rất lớn, không thể mang theo bên người và chỉ đặt tại bệnh viện".

Do đó, chỉ khi người bệnh đến khám bệnh mới được đo điện tim nên sức khỏe tim mạch của bệnh nhân không được theo dõi liên tục... Trong khi, sản phẩm của Huy được người bệnh mang theo bên người, bằng cách dán những miếng điện cực rất mỏng vào trước ngực, không gây trở ngại trong sinh hoạt hàng ngày. Bệnh nhân có thể tự đánh giá tình trạng sức khỏe của mình ngay tại nhà.

Theo Huy, khâu cực nhất trong việc chế tạo ra sản phẩm máy đo điện tim là viết phần mềm phân tích, xử lý kết quả loạn nhịp tim của người bệnh, để góp phần hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán chính xác hơn; trong khi các máy hiện nay phụ thuộc hoàn toàn vào cách xử lý thông tin thô từ bác sĩ. Ngoài ra, hệ thống còn có thể hỗ trợ bác sĩ quan sát và chẩn đoán cùng lúc cho nhiều bệnh nhân tại nhà, giúp tiết kiệm chi phí đi lại và thời gian chờ đợi cho bệnh nhân mỗi khi đến bệnh viện.

Với sản phẩm nước ngoài, các công ty thiết bị y khoa nổi tiếng trên thế giới như: Omron, Medtronics hay Siemen đang tập trung vào lĩnh vực giám sát sức khỏe từ xa. Tuy nhiên, đối với đại đa số người dùng Việt Nam, giá thành của các sản phẩm kể trên vẫn còn khá cao. Trong khi đó sản phẩm “made in Vietnam” có giá chỉ bằng 20% - 30% so với hàng ngoại nhập, nhưng chất lượng không thua kém.

Mặt khác, việc sản xuất máy đo điện tim cũng không dư thừa vì đây là tiêu chuẩn vàng để xác định vấn đề tim mạch cho người bệnh nên việc sản xuất giúp người bệnh phòng trước rủi ro bệnh tật, giúp người bệnh có nhiều chọn lựa.

Để sản xuất được máy đo điện tim, Huy phải trải qua một thời gian dài vấp ngã, đã nhiều lần chán nản vì nghiên cứu rơi vào thế bí hoặc không có kinh phí để tiếp tục cho đề tài theo đuổi. Muốn đi vay cũng khó, Huy không có tài sản thế chấp ngân hàng, ngoại trừ “mác” sinh viên.

Mà nghiên cứu đề tài khoa học không phải làm ra sản phẩm để kinh doanh nên Huy có mượn được cũng không thể nào trả được nợ. Để có kinh phí, Huy chỉ còn cách “đơn giản” nhất, săn nhiều học bổng để “đổ vốn” vào đề tài. Đầu tiên là học bổng của một công ty chuyên về sắt thép của Hàn Quốc trị giá 10 triệu đồng. 

Và sau đó là học bổng 6,5 triệu đồng của một công ty nước ngoài chuyên thiết kế vi mạch tại Việt Nam dành cho học sinh giỏi đạt điểm học kỳ trên 8,5 và có công trình nghiên cứu về thiết bị vi mạch. Những lúc chờ xét nhận học bổng hoặc thiếu kinh phí nghiên cứu, đề tài của Huy bị ách lại, nhưng có hề gì, để “giảm bớt thời gian chết” Huy lại tập trung đề tài vào những giai đoạn không cần đầu tư về vật chất như: xử lý tín hiệu, lập trình… cho phần mềm bệnh rối loạn nhịp tim. 

Ước mơ sắp tới của Huy là săn được học bổng đi du học cao học, Huy nhận thấy kiến thức ở bậc đại học là chưa đủ để phục vụ mục tiêu sản xuất thiết bị y tế của mình. Vì nghĩ về người thầy năm xưa, Huy vẫn ước ao sản xuất ra được loại máy hỗ trợ điều trị bệnh thận cho thầy và trong tương lai sẽ thành lập một công ty vừa nghiên cứu, sản xuất các thiết bị y tế.

Sau đó sẽ tiến tới mở một bệnh viện chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Dù đi bất cứ đâu và trong hoàn cảnh nào, Huy cũng luôn nhớ lời mẹ dặn: “Phải tự đứng trên đôi chân của mình, có đi là sẽ đến...”. Đó chính là “kim chỉ nam” giúp Huy vượt qua mọi khó khăn, tìm đường đến với niềm
đam mê.

Văn Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI