Hợp lực giúp người trẻ có việc làm thỏa đáng

16/04/2024 - 06:18

PNO - Nhiều người chỉ mơ ước có một công việc ổn định chứ không dám mơ đến việc làm thỏa đáng.

Theo một nghiên cứu vào năm 2021 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thuộc Liên hiệp quốc, tình trạng thiếu việc làm ổn định và an sinh xã hội là vấn đề lớn của lực lượng lao động trẻ trên toàn cầu. Khoảng 60% lao động trẻ đang làm việc trong khu vực phi chính thức, thiếu sự đảm bảo về thu nhập, điều kiện làm việc và các quyền lợi được luật định. Xu hướng tự động hóa và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong sản xuất, kinh doanh có thể làm mất đi hàng triệu việc làm truyền thống của con người trong tương lai gần.

Các đơn vị đang trao đổi và phỏng vấn người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm - Ảnh minh hoạ
Các đơn vị đang trao đổi và phỏng vấn người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm - Ảnh minh hoạ

Trong bối cảnh đó, tình trạng mỏng manh của nghề nghiệp, sự thiếu an toàn về việc làm và thu nhập trở thành nỗi lo ngày càng lớn của người lao động. Xu hướng tân tự do hóa kinh tế (neo-liberalism) càng khiến gánh nặng phải “tự chịu trách nhiệm với cuộc đời mình” đè nặng lên vai người lao động. Nhiều người chỉ mơ ước có một công việc ổn định chứ không dám mơ đến việc làm thỏa đáng.

Thực trạng trên phản ánh rõ thách thức lớn mà xã hội phải đối mặt trong việc đảm bảo việc làm thỏa đáng cho lực lượng lao động trẻ - những người sẽ là lực lượng chủ chốt của nền kinh tế trong tương lai không xa. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để người trẻ có được việc làm thỏa đáng? Theo tiêu chuẩn của ILO, “việc làm thỏa đáng” (decent works) bao gồm thu nhập ổn định, môi trường an toàn, có cơ hội phát triển nghề nghiệp, được bảo vệ quyền lợi.

Trong khi đó, công nghệ mới đã làm thay đổi cơ cấu việc làm, nhiều công việc truyền thống mất đi nhưng cũng có nhiều việc làm mới ra đời. Điều này đòi hỏi lực lượng lao động trẻ phải liên tục nâng cao kỹ năng, năng lực để thích nghi. Đây cũng là thách thức lớn đối với thanh niên - những người sẽ là lực lượng lao động chính trong tương lai. Trong bối cảnh có nhiều biến động như hiện nay, cần xây dựng chiến lược đào tạo việc làm cho người lao động - nhất là người lao động trẻ tuổi. Chiến lược đào tạo cũng phải thay đổi để thích ứng với bối cảnh AI và tự động hóa phát triển mạnh.

Vì vậy, về phía Nhà nước, cần có chính sách tạo việc làm phù hợp, đầu tư vào giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao và hướng tới một nền kinh tế bền vững, có trách nhiệm với xã hội. Đối với vùng nông thôn, cần có các chương trình phát triển toàn diện, giảm khoảng cách về cơ hội việc làm so với thành thị. Doanh nghiệp cần xây dựng môi trường làm việc an toàn, thân thiện, linh hoạt để tạo cơ hội cho người trẻ phát huy năng lực. Việc áp dụng mô hình kinh doanh có trách nhiệm xã hội sẽ giúp doanh nghiệp thu hút và giữ chân nguồn nhân lực trẻ, nâng cao lợi thế cạnh tranh. Người lao động trẻ cần chủ động tham gia các khóa đào tạo, tái đào tạo để nâng cao tay nghề, kỹ năng mềm. Việc rèn luyện thói quen quản lý tài chính và thích ứng với những biến đổi của thị trường lao động cũng rất quan trọng để từ đó tìm kiếm được việc làm phù hợp.

Nhìn chung, để người trẻ có việc làm thỏa đáng, cần sự phối hợp của nhiều phía, bao gồm Nhà nước với chính sách phát triển bền vững, doanh nghiệp với mô hình kinh doanh có trách nhiệm, người lao động với tinh thần chủ động học hỏi, nâng cao năng lực. Khi tất cả các yếu tố này hiệp lực, chúng ta mới có thể xây dựng một thị trường lao động công bằng, bền vững cho thế hệ trẻ.

Vì vậy, trong bối cảnh thay đổi của thị trường lao động, chúng ta cần quan tâm không chỉ đến việc tạo ra nhiều việc làm mà còn phải đảm bảo đó là những việc làm thỏa đáng, tuân thủ các tiêu chuẩn lao động quốc tế. Điều này sẽ giúp người trẻ có thể phát triển toàn diện, cả về vật chất lẫn tinh thần, từ đó đóng góp hết khả năng cho xã hội.

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đức Lộc

Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI