Học văn bằng phương pháp… lăn vào cuộc sống

21/05/2015 - 20:19

PNO - PN - Yêu cầu học sinh đóng vai nhà báo, đi vào nghĩa trang, lăn lê ở khắp con đường, vỉa hè… để thu thập tư liệu cuộc sống là cách thầy giáo Đỗ Đức Anh, giáo viên ngữ văn Trường THPT Bùi Thị Xuân, bắt học trò của mình phải...

edf40wrjww2tblPage:Content

Hoc van bang phuong phap… lan vao cuoc song

Thầy giáo Đức Anh (giữa) dẫn học trò đi thực tế

Học văn bằng…họp báo phim

Dãy phòng học trường THPT Bùi Thị Xuân biến thành không gian họp báo ra mắt bộ phim giả định ”Biển động”, với thảm đỏ trải dài đón khách hoành tráng. Poster phim và tranh ảnh hậu trường được triển lãm không khác một bộ phim “bom tấn”, sân khấu bố trí phông màn màu sắc để khách mời chụp hình cùng “diễn viên” đoàn phim. Buổi họp báo trở nên sôi nổi khi có sự xuất hiện của một dàn “phóng viên” tuổi teen thay nhau đặt câu hỏi, chất vấn đoàn làm phim…

"Nếu chỉ dạy trong sách giáo khoa thì chẳng còn gì mới để dạy cho các em, chỉ cần mua sách tham khảo, sách học tốt thì có đầy kiến thức. Nhưng học kiến thức rồi cũng quên tuột. Mình muốn cho các em sự trải nghiệm khi học, ứng dụng được bài học vào cuộc sống, cảm nhận được từng hơi thở của cuộc sống chứ không phải “cái máy học văn” trong sự chán ngán. Dạy Học sinh nhưng cũng để nuôi giữ cảm xúc cho chính mình. Dạy như thế cực lắm, vất vả nhiều lần so với kiểu dạy truyền thống, nhưng làm rồi sẽ thấy được nhiều hơn mất".

Đó là khung cảnh tiết học văn bài Chiếc thuyền ngoài xa (tác giả Nguyễn Minh Châu), của lớp 12A12 trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM). Thay vì dạy và học theo cách thông thường, thầy Đỗ Đức Anh cùng 40 học sinh (HS) “phù phép” tiết học thành buổi họp báo ra mắt bộ phim giả định, thu hút không chỉ HS, các giáo viên cũng không thể rời mắt khỏi một buổi họp báo như… chuyên nghiệp.

“Tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa nằm gần cuối chương trình nên mình muốn tạo cho HS cách học mới lạ để bớt nhàm chán và cũng “đổi gió” cho chính cảm xúc của mình. Tác giả Nguyễn Minh Châu có nhiều tác phẩm được chuyển thể thành phim, tại sao mình không biến buổi học tác phẩm thông thường trở thành buổi họp báo ra mắt bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm của ông? Vậy là họp báo bộ phim “Biển động” ra đời”, thầy Đức Anh bộc bạch.

Từ ý tưởng đến buổi “họp báo”, cả thầy và trò hơn 40 con người ròng rã mất một tháng trời để thực hiện các bước: học kỹ năng chụp ảnh, dựng phim, làm trailer phim, thư mời phóng viên, bài cảm nhận, phỏng vấn làm sao để nêu bật nội dung tác phẩm tác giả, rồi tính toán làm sao để buổi họp báo diễn ra đúng hai tiết, khớp với chương trình dạy học…

Buổi họp báo bắt đầu bằng việc giới thiệu cuộc đời sáng tác của cố nhà văn Nguyễn Minh Châu qua các tác phẩm văn học và những bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm của ông; rồi giới thiệu “đạo diễn”, “diễn viên” của phim. Cả khán phòng ngạc nhiên với sự xuất hiện của nhân vật đặc biệt là bà Nguyễn Thị Doanh, vợ cố nhà văn Nguyễn Minh Châu, với vai trò “cố vấn nội dung và nghệ thuật” cho bộ phim.

Nhân vật hóa thân này kể lại những câu chuyện đầy xúc động về chuyện tình, chuyện đời của nhà văn, nhất là trong những năm tháng cuối đời, ông vừa chống chọi với căn bệnh ung thư, vừa hoàn thành tác phẩm cuối cùng. Thầy giáo Đỗ Đức Anh đóng vai trò “cố vấn nghệ thuật” chia sẻ những thông tin đầy ắp cảm xúc về cuộc đời, sự nghiệp sáng tác lẫn phong cách nghệ thuật của nhà văn.

Cao trào của buổi họp báo là màn giao lưu giữa các “phóng viên” với dàn “diễn viên”, “đạo diễn” xoay quanh bộ phim. Cả khán phòng dường như nín thở khi ngay câu hỏi đầu tiên, một “phóng viên” đã hỏi thẳng vấn đề nhạy cảm làng giải trí hiện nay chính là mối quan hệ giữa lợi nhuận và cảnh “nóng”.

Những tràng vỗ tay vang lên khi “đạo diễn” khẳng định: Một tác phẩm nghệ thuật chân chính sẽ đủ sức thu hút khán giả dù không có những cảnh câu khách… Mỗi phần hỏi đáp chính là thông điệp và nội dung bài học cần chuyển tải đến HS. Nội dung đó không đơn thuần chỉ là những điều cần ghi nhớ trong sách vở, mà còn là dịp để mỗi cá nhân bày tỏ quan điểm của mình về hiện tượng bạo lực trong gia đình, về giá trị nghệ thuật chân chính…

Hoc van bang phuong phap… lan vao cuoc song

Một buổi học văn của học sinh lớp 12A12 Trường THPT Bùi Thị Xuân được thay thế bằng một buổi họp báo giả định

Bỏ tiền túi để dạy học

Với cuộc thử nghiệm này, HS được dịp tìm hiểu sâu nhiều điều thú vị về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của cố nhà văn Nguyễn Minh Châu mà sách giáo khoa không đề cập tới. Nhìn sự hào hứng của HS sau mỗi tiết học, thầy Đức Anh thấy việc tự làm khó bản thân, tự móc tiền túi ra cho học trò học theo dự án là xứng đáng.

Thầy giáo trẻ tâm tư: “Có những tiết học như vậy mới thấy khả năng cảm thụ của HS sâu sắc chứ không hời hợt. Chỉ cần đưa các em thoát khỏi những khuôn mẫu quy định của sách vở, các em sẽ bộc lộ năng khiếu cảm thụ văn chương, nhìn nhận cuộc sống rất tinh tế; bộc lộ sự năng động, năng khiếu ở nhiều lĩnh vực khác nữa… nếu bỏ qua thì rất uổng”.

Chính những trăn trở đó khiến thầy giáo trẻ ngày ngày dù không có tiết dạy cũng lặn lội từ Biên Hòa lên TP.HCM cùng học trò đi khắp nơi, tìm tòi, học quay phim, phỏng vấn, làm dự án.

Anh bộc bạch: ”Nói thật nếu chỉ dạy trong sách giáo khoa thì chẳng còn gì mới để dạy cho các em, chỉ cần mua sách tham khảo, sách học tốt thì có đầy kiến thức. Nhưng học kiến thức rồi cũng quên tuốt. Mình muốn cho các em sự trải nghiệm khi học, ứng dụng được bài học vào cuộc sống, cảm nhận được từng hơi thở của cuộc sống chứ không phải “cái máy học văn” trong sự chán ngán. Dạy HS nhưng cũng để nuôi giữ cảm xúc cho chính mình. Dạy như thế cực lắm, vất vả nhiều lần so với kiểu dạy truyền thống, nhưng làm rồi sẽ thấy được nhiều hơn mất”.

Năm năm đầu quân về trường, thầy giáo 27 tuổi luôn tìm tòi đổi mới cách dạy học, liên tục thử đưa văn chương đi vào tâm hồn học trò bằng những con đường khác nhau.

Bắt đầu thử nghiệm bằng kiểu dạy nhập vai, với câu chuyện Trọng Thủy - Mỵ Châu, lớp học đã giả định mở phiên tòa lịch sử. Khi chương trình văn học lớp 10 đến bài Tấm Cám, thầy không dạy HS theo mô típ khai thác mâu thuẫn giữa Tấm và mẹ con Cám, hay đơn thuần bắt HS đi phân tích nhân vật. Thay vào đó, thầy so sánh tựa đề cuốn sách Đàn bà xấu thì không có quà của nhà văn Y Ban có ứng với nhân vật Cám hay không để HS bàn luận rồi ý nhị đi vào phân tích nhân vật.

Đến những tiết học cần kỹ năng như bài viết quảng cáo, phỏng vấn và trả lời phỏng vấn… là những ngành đang hot trong xã hội, thầy không ngại yêu cầu học trò thực hành làm clip quảng cáo, đi phỏng vấn thật. Học đến bài Trình bày một vấn đề, thầy nhạy bén đưa những vấn đề thời sự gần gũi với tuổi teen như: 9x trong cơn lốc sành điệu, teen yêu như truyện tranh… để các em bày tỏ quan điểm và hùng biện.

Đến dự án “khủng” Học văn từ cuộc sống áp dụng cho các tiết học của lớp 10 và 11 với chủ đề “Sài Gòn - những góc nhìn trẻ”. Những tiết học văn “xê dịch” đầy hấp lực với những cô cậu học trò tuổi teen. HS được tập huấn trước một số kỹ năng báo chí, quay phim phỏng vấn, tiếp cận nhân vật… nhưng đi vào thực tế vẫn gặp nhiều tình huống… thót tim.

Em Hoàng Long (lớp 11A13) kể: Chín giờ tối, thầy vất vả thuyết phục cha mẹ cho tụi em ra đường. Nhóm cùng thầy đến các điểm nóng đường Nguyễn Chí Thanh, Hồng Bàng để quay phim về người bán dâm. Mặc dù đã ngụy trang đủ kiểu, giả làm người đi đường nhưng vẫn bị “bảo kê” phát hiện và dọa đập máy. Chưa quay được bao nhiêu, thầy trò phải tắt máy và... chạy.

Những trải nghiệm không chỉ để lại kỷ niệm cho thầy trò mà còn cho ra đời những bài báo, clip đầy xúc động về nạn mại dâm đồng tính; nạo phá thai ở tuổi vị thành niên; cuộc sống bệnh nhi ung thư… Những đề tài đậm tính văn hóa cũng được HS thể hiện “ngon lành” như tác phẩm về khu phố cổ người Hoa giữa lòng Sài Gòn; “Lách cách Sài Gòn” miêu tả cuộc sống về đêm của những người bán hủ tíu gõ cùng thứ âm thanh quen thuộc…

Một HS để lại lời nhắn trên trang Học văn từ cuộc sống: “Lúc rảo quanh các con phố ban đêm để tìm tư liệu cho clip về hủ tiếu gõ, tụi em thấy một cụ già đang lục thùng rác, tìm đồ ăn thừa để ăn. Lúc đó, em mới nhận ra bản thân thật tệ khi hay phí phạm thực phẩm”. Một HS khác cho biết: Nếu không phải thực hiện clip “Sài Gòn buổi sáng”, em sẽ không bao giờ biết có một cụ già bán xôi ngay góc đường hàng ngày mà em vẫn đi học. Em vô tâm không nhận ra kể cả khi bà đã ngồi bán ở đó mấy chục năm nay…

Thầy Đức Anh cho biết: HS học hỏi và thể hiện được nhiều khả năng khi làm các sản phẩm để tính điểm. Nhưng thứ cao hơn điểm số, chính là việc khơi gợi được sự hứng thú trong bản thân các em với đề tài, tác phẩm văn học. Hiệu quả tích cực từ những sản phẩm do các em làm ra thể hiện sự rung cảm chân thật với cuộc sống. Không có sự giả tạo hay khuôn sáo bởi các em đã bật khóc ngon lành trong những lần chạm vào thực tế.

Chia tay chúng tôi, thầy giáo Đỗ Đức Anh đang ấp ủ chủ đề cho dự án Học văn từ cuộc sống mùa 2 mà thầy và trò sẽ tiếp tục rong ruổi, miệt mài... lăn vào cuộc sống.

TIÊU HÀ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI