Học sinh giỏi giữ vững khi học trực tuyến nhưng vẫn cần bồi dưỡng thêm

12/02/2022 - 13:16

PNO - Tỷ lệ học sinh giỏi… ổn định so với năm học trước là kết quả đánh giá cuối học kỳ I tại nhiều trường ở TPHCM.

Học sinh đạt được yêu cầu cần đạt trong học trực tuyến

Đến thời điểm này, chỉ trừ khối lớp 1, 2 và 6 chưa kiểm tra học kỳ I, các khối lớp còn lại tại TPHCM đều đã hoàn tất kiểm tra, đánh giá học sinh học kỳ I.

Theo đánh giá từ phía các nhà trường, dù phải học trực tuyến suốt học kỳ I song kết quả học tập của học sinh vẫn được giữ vững so với năm học trước, thậm chí một bộ phận học sinh còn có năng lực về tự học nổi trội hơn. 

Theo đánh gía của nhiều nhà trường, học sinh đã đạt được yêu cầu cần đạ khi học trực tuyến
Theo đánh giá của nhiều trường, học sinh đã đạt được yêu cầu khi học trực tuyến

Tại Trường THPT Nguyễn Du (Q.10), chỉ tính riêng học sinh khối 12 tỷ lệ học sinh giỏi trong học kỳ I là 86,8%, còn lại là học sinh khá. Con số này tương đương với năm học trước. 

Thầy Hà Bảo Tâm - giáo viên Toán, Trường THPT Nguyễn Du chia sẻ, trong bối cảnh học trực tuyến, kiến thức đã được giảm tải một phần. Việc kiểm tra đánh giá học sinh cũng theo tinh thần “học đến đâu, kiểm tra đến đó”, “học gì kiểm tra đó”. Đề kiểm tra học kỳ chỉ nhằm đánh giá mức độ tiếp thu của học sinh trong quá trình học trực tuyến, không đánh đố, không làm khó học sinh.

“Qua đề kiểm tra, giáo viên nắm mức độ tiếp thu kiến thức cốt lõi của học sinh dể có phương pháp tiếp cận phù hợp, tạo cho học sinh tinh thần thoải mái. Song điều này không có nghĩa là dễ dãi. Vì thế, dù điểm số cao nhưng giáo viên vẫn yêu cầu học sinh không nên chủ quan, ảo tưởng về năng lực học tập của mình”, thầy Hà Bảo Tâm nói. 

Tương tự, kết quả đánh giá cuối học kỳ I tại Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1) có hơn 80% học sinh toàn trường đạt loại giỏi. Phó hiệu trưởng Nguyễn Hùng Khương nhận định, năng lực tiếp thu của học sinh đã đạt được các yêu cầu cần đạt phù hợp khi dạy và học trực tuyến. 

“Không thể đánh giá kết quả này với kết quả khi dạy và học trực tiếp bởi mỗi phương pháp, hình thức có những yêu cầu cần đạt khác nhau. Khi dạy và học trực tuyến, với những hạn chế về tương tác, tâm thế, sự truyền đạt… thì việc học sinh đạt kết quả trên theo đánh giá của trường đã là nỗ lực rất lớn của các em. Thậm chí, có những học sinh có sự nổi trội hơn hẳn về năng lực tự học, tự nghiên cứu, tìm tòi. Tất nhiên, vẫn có bộ phận học sinh chưa thể theo kịp…”, thầy Nguyễn Hùng Khương thẳng thắn.

Đánh giá cuối học kỳ I, Trường THCS Tân Túc (huyện Bình Chánh) có 48,9% học sinh giỏi, 29,8% học sinh khá, 17,8% học sinh trung bình và 3,5% học sinh yếu. 

Hiệu trưởng Kiều Nguyệt Hương Liên nhìn nhận, điểm số tương đương năm ngoái nhưng không thể so sánh về mặt bằng kiến thức. Bởi kết quả này chỉ dừng ở việc đánh giá quá trình học trực tuyến của học sinh theo đối tượng học sinh của trường, do vậy mức độ đề kiểm tra khác so với đề kiểm tra trực tiếp. 

“Kết quả này không có nghĩa là học sinh chúng ta thực sự giỏi mà nó phản ánh rằng các em đã rất nỗ lực để đạt được các yêu cầu cần đạt khi học trực tuyến”, cô Hương Liên cho hay. 

Đa dạng hình thức bổ trợ học sinh

Mặc dù đa phần học sinh đã đạt được các yêu cầu cần đạt trong quá trình học trực tuyến, tuy nhiên các nhà trường vẫn xây dựng đa dạng các hình thức bổ trợ, nhằm tạo điều kiện cho học sinh rèn luyện, nâng cao kiến thức.

Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Đa (Q. Bình Thạnh) Đinh Thị Thiên Ân cho biết, tỷ lệ học sinh đạt điểm 8-9 của trường trong kỳ kiểm tra học kỳ I vừa qua là khá cao. Dù vậy, điểm số này chỉ phù hợp trong thời điểm học sinh học trực tuyến. Khi dạy và học trực tiếp, nhà trường xây dựng thêm nhiều biện pháp để phù hợp với việc đánh giá trong dạy và học trực tiếp.

Các nhà trường đều xây dựng đa dạng hình thức bổ trợ kiến thức cho học sinh trong học kỳ 2
Các nhà trường tại TPHCM đều xây dựng đa dạng hình thức bổ trợ kiến thức cho học sinh trong học kỳ II

Trong học kỳ II, trường sẽ vừa dạy vừa ôn tập. Ở tất cả các khối lớp đều được tăng thêm tiết các môn Toán, Văn, Tiếng Anh, xây dựng các chủ đề dạy học để lồng ghép kiến thức cũ và mới. 

“Từ kết quả học kỳ I, giáo viên bộ môn sẽ khoanh vùng học sinh yếu để đẩy mạnh dò bài đầu giờ phụ đạo học sinh. Nhà trường cũng xây dựng các bài tập kết hợp trên hệ thống dạy học trực tuyến, cộng điểm khuyến khích cho học sinh, để các em có ý thức tính tự học…”, cô Đinh Thị Thiên Ân - Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Đa cho biết.

Lồng ghép dạy kiến thức cũ và mới cũng là phương pháp được Trường THCS Tân Túc (huyện Bình Chánh) áp dụng trong học kỳ II. Bên cạnh đó, tận dụng thời khóa biểu buổi 2 để củng cố, bổ sung kiến thức cho học sinh. 

Kết quả đánh giá học sinh trong học kỳ 1 đã đạt được yêu cầu cần đạt
Kết quả đánh giá học sinh trong học kỳ I đã đạt được yêu cầu cần đạt

“Với học sinh chưa theo kịp chương trình học trong quá trình học trực tuyến, giáo viên bộ môn sẽ chủ động sắp xếp thời gian, phụ đạo miễn phí cho học sinh, làm sao giúp các em không bị hụt hơi khi chuyển giao giữa việc học trực tuyến sang học trực tiếp”, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Túc bày tỏ.

Dù đạt tỷ lệ trên 80% học sinh giỏi, Trường THPT Bùi Thị Xuân vẫn tận dụng thời khóa biểu buổi 2 xây dựng nhiều phương pháp bồi dưỡng kiến thức văn hóa cho học sinh trong học kỳ II thông qua việc tăng tiết, các chuyên đề ôn tập…

Phó hiệu trưởng Nguyễn Hùng Khương nhận định, điều này nhằm hỗ trợ học sinh, đặc biệt là học sinh lớp 12 nắm vững kiến thức, đáp ứng những nguyện vọng lựa chọn ngành nghề của học sinh sau này.

Tấn Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI