Học sinh chưa đi học vì trường đang sửa, cơ sở mới chưa cấp phép?

10/01/2022 - 06:42

PNO - Học sinh từ lớp 7 - 12 của TPHCM đã đi học trở lại được một thời gian, trong khi đó, những học sinh khối lớp này đang học tại Trường THCS - THPT Đào Duy Anh (Q.6) vẫn tiếp tục học online. Thiệt thòi nhất có lẽ là những học sinh lớp 9 và 12 vì cuối năm học đặc biệt khó khăn này, các em cần phải vượt qua kỳ thi tốt nghiệp, tuyển sinh quan trọng.

Đa số phụ huynh vẫn chưa muốn con học trực tiếp

Đó là tâm trạng của nhiều phụ huynh có con đang học tại Trường THCS - THPT Đào Duy Anh trong khoảng một tháng nay. Theo một số phụ huynh, khi học sinh (HS) lớp 9 và 12 bắt đầu đến trường, và giờ thì hầu như tất cả HS THCS, THPT (trừ lớp 6) đều đã đến trường trở lại mà con em mình vẫn ở nhà học online là một thiệt thòi không nhỏ. Nhất là HS lớp 9 và 12 cần sớm đi học trực tiếp để củng cố kiến thức, ôn tập chuẩn bị cho những kỳ thi quan trọng.

Một phụ huynh còn lo lắng cho biết, vì phải học online nên HS của trường chưa thể thi học kỳ I trước Tết Nguyên đán như HS các trường khác, mà phải chờ đến khi đi học trực tiếp trở lại, thầy cô ôn tập rồi mới thi. Chỉ sợ năm học kéo dài hơn so với các trường khác sẽ ảnh hưởng đến kết quả xét tuyển đại học của con. 

 

Cơ sở Trường THCS - THPT Đào Duy Anh ở đường Nguyễn Văn Vịnh (Q.Tân Phú) chưa có giấy phép hoạt động và tại địa chỉ này còn có một trường học khác
Cơ sở Trường THCS - THPT Đào Duy Anh ở đường Nguyễn Văn Vịnh (Q.Tân Phú) chưa có giấy phép hoạt động và tại địa chỉ này còn có một trường học khác

Trong văn bản trả lời Báo Phụ Nữ TPHCM, lãnh đạo Trường THCS - THPT Đào Duy Anh cho biết: Việc quay trở lại trường của HS từ ngày 13/12/2021 đối với khối 9 và 12 gặp nhiều khó khăn. Do cản trở từ phía phụ huynh khi đưa lý do dịch COVID-19 bùng phát, nguy hiểm đến sức khỏe của con em nên họ không đồng thuận việc HS đi học trở lại trong thời gian này. Kết quả lấy ý kiến khảo sát cho thấy: khối 9 có 30,5%, khối 12 có 41% ý kiến đồng ý cho HS trở lại trường. Vì vậy, việc quay trở lại học tập trực tiếp của HS thời gian này chưa được thực hiện.

Thời gian tới, trường tuyên truyền, vận động phụ huynh và HS trở lại trường học trực tiếp. Theo kế hoạch chung của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), cũng là nguyện vọng của trường, chậm nhất ngày 7/2, HS toàn trường sẽ đi học trực tiếp. 

Ngoài ra, ông Đặng Đức Hoàng, đại diện lãnh đạo nhà trường, hôm 8/1 cho biết: Hiện, trường đã có văn bản xin ý kiến Sở GD-ĐT cho tạm hoãn kiểm tra học kỳ I đến ngày 7/2, khi HS được đi học trực tiếp trở lại. Khi đó, trường tổ chức củng cố rồi mới kiểm tra trực tiếp, như vậy tốt cho người học. Bộ GD-ĐT cũng cho phép kéo dài thời gian năm học phù hợp với tình hình thực tế, tình huống bất khả kháng.

Cũng theo ông Đặng Đức Hoàng, ngoài việc chưa được sự đồng thuận cao của phụ huynh thì trường cũng vướng vào bộ tiêu chí để đủ điều kiện tổ chức giảng dạy trực tiếp. Đó là thiếu giáo viên. Trường có hơn 40 giáo viên nhưng thống kê có đến 12 giáo viên bộ môn và 10 giáo viên chủ nhiệm không thể dạy trực tiếp thời gian này vì đang là F0, F1 phải cách ly; người đang kẹt ở quê, mới tiêm được một mũi vắc xin…

Trường đang sửa, cơ sở mới chưa kịp có giấy phép

Tuy nhiên, theo nhiều phụ huynh, việc trường chưa thể cho HS đi học trực tiếp còn vì một nguyên nhân khác. Đó là cơ sở chính của trường nằm trên đường Nguyễn Văn Luông (Q.6) đã tiến hành sửa chữa từ đầu năm 2021. Trường đưa HS sang cơ sở mới nằm ở đường Nguyễn Văn Vịnh (Q.Tân Phú) để học được một thời gian thì dịch bệnh xảy ra, phải nghỉ ở nhà học online cho đến nay.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sở dĩ HS của trường không thể đến trường học trực tiếp ở thời điểm này còn vì nguyên nhân trường không thể tổ chức giảng dạy trực tiếp. Tính đến ngày 8/1, cơ sở ở đường Nguyễn Văn Luông vẫn chưa sửa chữa xong. Còn cơ sở ở đường Nguyễn Văn Vịnh đến thời điểm này vẫn chưa có giấy phép thành lập nên càng không thể tổ chức giảng dạy.

Văn bản của trường ghi rõ: Năm học vừa qua, cơ sở 355 Nguyễn Văn Luông xuống cấp trầm trọng, không thể tiếp tục hoạt động dạy và học, nhà trường đã tiến hành nâng cấp và sửa chữa, dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày 1/2/2022. Công tác sửa chữa cơ sở này kéo dài thời gian so với dự kiến ban đầu, một phần do dịch bệnh, một phần do nguồn kinh phí có hạn, song nhà trường vẫn quyết tâm thực hiện bằng được việc sửa chữa, tu bổ hoàn thiện trước ngày 1/2/2022 để ngày 7/2/2022 đón HS toàn trường trở lại học tập trực tiếp.

Ông Đặng Đức Hoàng thông tin thêm: Nhiều tháng giãn cách, trường không hoạt động trực tiếp, mức thu học phí chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng (và chỉ thu khoảng 70% so với dạy trực tiếp), không thu tiền cơ sở vật chất… khiến nguồn kinh phí bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, thời gian sửa chữa cũng bị gián đoạn nhưng tiền mặt bằng vẫn phải trả đủ làm cho kinh phí để sửa chữa cũng bị ảnh hưởng theo, nhà trường phải thay đổi kế hoạch sửa chữa để đảm bảo đúng tiến độ đón HS như cam kết. 

Nói về trường hợp của Trường THCS - THPT Đào Duy Anh, một lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM cho rằng, cơ sở không có giấy phép hoạt động thì không thể tổ chức dạy học, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 cũng không thể kiểm tra phương án phòng, chống dịch của trường vì thực tế chưa có cơ sở pháp lý. Phương án tốt nhất là nhà trường nên nhanh chóng sửa chữa cơ sở đường Nguyễn Văn Luông để HS học. Còn cơ sở mới cần phải hoàn tất việc xin phép hoạt động. Các phòng, ban chức năng của sở sẽ thẩm định, tham mưu và trình lãnh đạo sở quyết định.

Ngoài ra, ông Hoàng cũng xác nhận cơ sở của trường ở đường Nguyễn Văn Vịnh chưa được cấp phép hoạt động, dù trường đã thực hiện việc xin giấy phép gần cả năm nay. Theo ông Hoàng, làm hồ sơ xin phép thành lập đòi hỏi nhiều thủ tục, có được ý kiến đồng thuận của nhiều sở, ngành liên quan như giáo dục, tài nguyên môi trường, giao thông, xây dựng… nên cần nhiều thời gian. Cộng thêm do vướng vào giãn cách xã hội, việc đi lại khó khăn nên tới nay việc xin giấy phép hoạt động vẫn chưa xong. Ông Hoàng khẳng định, đến ngày 7/2, việc sửa chữa tại cơ sở đường Nguyễn Văn Luông sẽ xong để HS của trường được đi học trực tiếp theo đúng kế hoạch chung của TPHCM.

Trong khi đó, theo một nguồn tin mà chúng tôi có được, thực tế, trường đã hoạt động tại cơ sở Nguyễn Văn Vịnh từ năm 2020, từng tổ chức lễ khai giảng và cả tổ chức giảng dạy tại đây. Hiện, tại địa chỉ này, còn một trường học khác “đóng đô”. Đó là Trường trung cấp Phương Nam. Theo đại diện Trường THCS - THPT Đào Duy Anh, hiện Trường trung cấp Phương Nam không còn tổ chức giảng dạy, họ chỉ thuê vài phòng và cũng đã kết thúc hợp đồng thuê vào cuối năm 2021 nhưng chưa tháo bảng hiệu. 

Tuyển vượt chỉ tiêu, học sinh phải chuyển trường 

Một nguồn tin cho biết, năm học 2020-2021, Trường THCS - THPT Đào Duy Anh tuyển vượt chỉ tiêu cho phép hơn 200 HS lớp 10. Việc này dẫn đến HS vào học ở trường như… học chui, không chính danh, vì thế không được cấp mã số HS. 

Theo tài liệu chúng tôi có được, sự việc vỡ lở và lãnh đạo Sở GD-ĐT đã có buổi làm việc vào ngày 31/3/2021. Ông Nguyễn Văn Hiếu, khi đó là Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, đã chỉ đạo: Không giải quyết việc cấp phép hoạt động tạm cho trường Đào Duy Anh tại cơ sở đường Nguyễn Văn Vịnh. Hội đồng quản trị nhà trường phải hoàn chỉnh, đảm bảo đầy đủ các điều kiện hoạt động để được cấp phép theo quy định. Đề nghị trường lập, công khai danh sách 180 HS trong chỉ tiêu tuyển sinh gửi sở để được cấp mã số HS.

Đối với số HS tuyển dư, nhà trường chịu trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ HS chuyển trường. Trường Đào Duy Anh hoàn toàn chịu trách nhiệm về an toàn của HS, đảm bảo chế độ đối với giáo viên, nhân viên của trường, giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trường theo quy định của pháp luật. Lãnh đạo sở giao các phòng, ban chức năng thuộc sở hỗ trợ nhà trường trong việc cấp mã số HS, chuyển trường đối với các trường hợp tuyển sinh ngoài chỉ tiêu.

Đến năm học 2021-2022, trường chỉ được Sở GD-ĐT giao 100 chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 với bốn lớp; đồng thời nhắc nhở trường chỉ được tổ chức hoạt động và tuyển sinh tại cơ sở Nguyễn Văn Luông, thực hiện tuyển sinh đúng quy định và không được tuyển quá chỉ tiêu được giao. 

Trả lời Báo Phụ Nữ TPHCM, nhà trường thừa nhận đã tuyển dư hơn 200 chỉ tiêu. Việc này làm ảnh hưởng đến tâm lý của phụ huynh và HS. Được sự hướng dẫn, chỉ đạo của sở, trường đã họp phụ huynh và nhận phần thiếu sót về mình. Đến nay, số HS tuyển vượt đã có đầy đủ mã số HS, có nơi học tập tốt, đảm bảo đúng quy định, phụ huynh an tâm.

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI