Học bổng "Nữ sinh hiếu học, vượt khó" lần thứ 26: Vì mẹ đã chống chọi, vượt qua khổ ải...

01/08/2016 - 21:00

PNO - Xót xa trước hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, mẹ sớm hôm vất vả, cô bé mới 15 tuổi quyết định chấm dứt con đường học vấn, đi tìm việc làm, mong được gánh đỡ phần nào nhọc nhằn của cha mẹ.

Đưa tay quẹt vội nước mắt, Nguyễn Mẫn Nghi chạy thật nhanh ra xe đò, về quê ngoại tận Bà Rịa. Xót xa trước hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, mẹ sớm hôm vất vả, cô bé mới 15 tuổi quyết định chấm dứt con đường học vấn, đi tìm việc làm, mong được gánh đỡ phần nào nhọc nhằn của cha mẹ. Nhìn theo khuất bóng con, chị Lê Thị Mai đổ sụp xuống nền nhà, đưa tay đấm ngực thình thịch, khóc nức nở, bất lực… May thay, Mẫn Nghi chỉ phải nghỉ học 10 ngày. Giáo viên chủ nhiệm hay tin, nhờ nhà trường can thiệp - giúp đỡ học phí, kêu gọi các bạn trong lớp thay nhau chép bài giúp Nghi. Mọi người chung tay dìu đỡ cô học trò bé nhỏ vượt khó. Cuối năm học ấy, Mẫn Nghi đạt danh hiệu học sinh giỏi và đậu cao vào trường THPT Bùi Thị Xuân.

Chuyện xảy ra thấm thoắt đã ba năm. Mẫn Nghi với thành tích học sinh giỏi 11 năm liền, đang chuẩn bị bước vào lớp 12 với nhiều âu lo, căng thẳng. Tranh thủ dịp nghỉ hè, cô bé có dáng người nhỏ xíu - cao 1m50, nặng 43kg, tay thoăn thoắt lấy rau sống, chanh, ớt… đặt vào đĩa, rảo nhanh bước chân bưng tô bún cho khách. Bên nồi bún riêu ùng ục sôi của mẹ, Mẫn Nghi kể cho chúng tôi nghe về ước mơ trở thành hướng dẫn viên du lịch, để được đi đó đây, khám phá, trải nghiệm… Vì suốt 17 năm qua, cung đường di chuyển của Mẫn Nghi chỉ gói gọn từ nhà đến trường. Chuyến đi xa nhất là về quê ngoại.

Hoc bong
Mẫn Nghi phụ mẹ bán bún riêu

Chúng tôi ái ngại nhìn cặp kính dày cộm trên gương mặt xinh xắn, trắng trẻo của cô thiếu nữ gầy gò dù đang ở độ tuổi “bẻ gãy sừng trâu”. Mẫn Nghi đưa chúng tôi vào thăm góc học tập hơi thiếu ánh sáng trong ngôi nhà nhỏ, bề ngang 2m8, dài 10m có bảy người nương tựa bên nhau. Riêng gia đình Nghi, cha mẹ, con cái quây quần trong phạm vi góc sinh hoạt nhỏ xíu (ngang 2m8, dài 3m). Chiếc giường tầng ba đóng - tầng dưới là của cha mẹ, tầng trên là chỗ chị em Nghi ăn, ngủ, học hành.

Trên chiếc kệ nhỏ xíu gắn vào giường vừa làm bàn học vừa là kệ sách, chỉ có một chiếc đèn bàn được người cô họ tặng cách đây nhiều năm, hai chị em thay phiên nhau sử dụng - nếu em cần thì chị phải ra trước nhà tranh thủ tận dụng ánh sáng trời học bài. Khi chúng tôi buột miệng hỏi em cận bao nhiêu độ, Mẫn Nghi khẽ kể, lớp 5 bị cận nhưng không dám nói vì sợ ba mẹ tốn tiền mua kính, mãi đến lớp 6 em mới báo thì khi ấy mắt đã hai độ.

Trò chuyện với Mẫn Nghi từ sáng sớm, mà mãi đến trưa trờ trưa trật, nồi bún riêu của mẹ em vẫn chưa vơi được bao nhiêu. Chị Mai nghẹn ngào: “Hè, các con được nghỉ, tôi còn thở được chút xíu. Tựu trường là phải tất bật vay đầu này đắp đầu kia, ưu tiên học phí cho tụi nhỏ. Nhắm mắt mở mắt - vừa vay tiền là lại đến hạn trả tiền. Có nhiều lúc tôi cảm thấy kiệt quệ cả tinh thần lẫn vật chất. Mấy tháng trời trong nhà không có cả miếng xà bông để tắm. Nhiều hôm, tám - chín giờ tối cũng chưa biết phải vay mượn ở đâu để hôm sau có tiền đi chợ mua hàng chuẩn bị cho nồi bún. Gạo, muối… không còn một hột. Vậy mà, rồi cũng ngày qua ngày…”

Động viên con mà cũng là tự động viên mình, chị Mai thường tỉ tê với các con những lúc chúng xúm vào phụ giúp mẹ làm việc nhà, đỡ đần bên gánh bún riêu: “Phải ráng học con ơi. Xưa mẹ bằng tuổi các con không có điều kiện học hành. Phải đi gánh nước mướn để có tiền mua cây viết, cuốn tập. Học hết lớp 5 thì gãy ngang, nên có rất nhiều ao ước… Mẹ đã chống chọi vượt qua biết bao nhiêu khổ ải. Các con thương mẹ thì phải cố bám trường bám lớp”.

Có những đêm khuya chị Mai ngồi lặt rau chuẩn bị cho một ngày mưu sinh tất bật, mà nỗi lòng cứ ắp ứ, nghẹn ngang cổ họng. Có nhiều hôm bệnh không ngồi dậy nổi, chị cũng chẳng dám bỏ buổi bán vì nghỉ là cụt vốn. “Tôi vừa bán vừa ngóng tin chuyện tụi nhỏ học hành. Năm nay Nghi học lớp 12, em Nghi học lớp 9. Tôi động viên đứa nhỏ ráng thi đậu vào trường Bùi Thị Xuân, để mặc bộ đồng phục chị để lại, đỡ phần nào tiền quần áo. Năm ngoái, lần đầu tiên Mẫn Nghi được lãnh học bổng Nữ sinh hiếu học, vượt khó của báo Phụ Nữ, tôi đâu dè số tiền nhiều như vậy. Nên khi con lãnh về, đưa mẹ, tôi lật đật đem trả nợ vì trước đó đi vay nóng để con mua đồ dùng học tập. Để dành lại 500.000đ cho con, Mẫn Nghi đã dùng số tiền lớn nhất từ trước giờ mới được sở hữu để đóng học phí, bớt gánh nặng phần nào cho mẹ”, chị Mai cho biết.

Anh Nguyễn Bửng Lương, cha của Mẫn Nghi do đã lớn tuổi, không có vốn liếng, lại mù chữ nên chỉ có thể bám trụ vào nghề làm máy dập gia công tại nhà, lợi nhuận không đủ trả tiền điện. Vì vậy cả gia đình phải trông chờ vào gánh bún riêu, mỗi tháng trung bình kiếm được khoảng bốn triệu đồng. Cách đây hai tháng, chị Mai quyết định mỗi chiều đi giúp việc nhà ở tận Bình Chánh, để có thêm 1.500.000đ/tháng.

Tranh thủ chưa vào năm học mới, Mẫn Nghi xin theo phụ mẹ lau nhà, giặt đồ, rửa chén... Mỗi ngày, một tiếng đồng hồ cả đi lẫn về, dù trời mưa hay nắng, hai mẹ con cô học trò nhỏ vẫn thay phiên nhau. Vì đường đi sắp đến đích, không thể sờn lòng, nhụt chí, bỏ cuộc giữa chừng, tựa như cầu vồng rực rỡ hiện ra sau cơn mưa tối trời tối đất mà Nghi đã chỉ cho mẹ thấy trong một ngày cả hai trên đường đến nhà chủ bị ướt lóp ngóp, run cầm cập, nước mưa hòa nước mắt, mặn chát trên môi…

Công ty Duy Lợi ủng hộ 200 triệu đồng cho học bổng "Nữ sinh hiếu học, vượt khó" 2016-2017

Ngày 28/7, ông Lâm Tấn Lợi, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất Duy Lợi trao tặng số tiền 200 triệu đồng ủng hộ chương trình học bổng “Nữ sinh hiếu học, vượt khó” lần thứ 26 (năm học 2016- 2017) của báo Phụ Nữ. Dịp này Công ty Duy Lợi cũng ủng hộ thêm 100 triệu đồng cho quỹ xã hội từ thiện của báo Phụ Nữ, tổ chức các chương trình an sinh hướng đến cộng đồng nhân dịp kỷ niệm 86 năm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam (20/10/1930-20/10/2016).

Với quy mô công ty gia đình, số lượng công nhân không nhiều, lại kinh doanh mặt hàng theo mùa, doanh thu hàng tháng không cao… nhưng liên tục nhiều năm nay, Công ty Duy Lợi đồng hành cùng các chương trình xã hội từ thiện của báo Phụ Nữ và nhiều tổ chức xã hội khác. Ông Lâm Tấn Lợi chia sẻ : “Lợi nhuận có được từ công sức mình làm ra, tôi chỉ dành một phần đủ chi tiêu cho nhu cầu của một gia đình bình thường, phần còn lại tôi muốn san sẻ hết cho những người khó khăn. Ngoài ý nghĩa trách nhiệm với cộng đồng, đây còn là cách tôi muốn dạy cho con mình không được dựa dẫm vào ai”.

N. Thiện

Khánh Thủy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI