Hoạt động trải nghiệm môn lịch sử cho học sinh: Cần nhưng thiếu

19/03/2024 - 05:52

PNO - Tham quan di tích lịch sử, bảo tàng là cách để học sinh “gặp lịch sử trực tiếp”, từ đó các em có thể cảm nhận sâu sắc hơn về lịch sử dân tộc. Tuy nhiên, hoạt động này hiện vẫn còn rất thưa thớt, không đủ để các em “thấm” và thêm yêu môn lịch sử.

Học sinh ít được tham quan di tích lịch sử

Trở về nhà từ chuyến tham quan nửa ngày “Theo dấu chân lịch sử Biệt động Sài Gòn” do cơ quan tổ chức, chị Như Thủy đã được con trai, đang học lớp Mười, đón ở cửa với sự háo hức: “Mẹ được đi những nơi nào vậy? Ở đó có gì hay không mẹ?”...

Bên cạnh sự háo hức của con, bản thân chị cũng vừa có những cảm xúc dâng trào trong chuyến đi. Thế là, vừa ăn cơm trưa, chị vừa hào hứng kể cho con nghe. Nào là hầm vũ khí bí mật của Biệt động Sài Gòn - nơi từng chứa gần 3 tấn vũ khí đánh vào dinh Độc Lập và một số mục tiêu cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn với hơn 100 hiện vật, quán cà phê nơi từng đặt hộp thư bí mật, hầm nổi của các chiến sĩ… 

Học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1) tìm hiểu về lịch sử địa phương tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM - ẢNH: T.T.
Học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1) tìm hiểu về lịch sử địa phương tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM - Ảnh: T.T.

Chị Thủy kể chi tiết: “Chú Trần Văn Lai đã cùng “vợ bé” trên danh nghĩa đi mua 3 căn nhà để đào hầm xuyên suốt trong 1 năm. 2 người chỉ đào ban đêm, đất đá được cho lên xe và đổ ở xa nhà. Hàng tấn vũ khí đã được chứa ở đây để chuẩn bị cho trận đánh dinh Độc Lập đó con”. Ngồi im trên ghế, đôi mắt con trai lấp lánh theo từng lời kể của mẹ. Rồi em nói: “Mẹ, sao trường con không cho đi những nơi như thế này vậy mẹ? Con thích được trực tiếp tìm hiểu về lịch sử. Lần sau, cơ quan mẹ đi, mẹ cho con theo với”. 

Chợt ngớ người ra, chị Thủy nhớ lại suốt 10 năm học, con chưa từng được đi một địa điểm lịch sử nào. Thay vào đó là những chuyến đi chơi tại khu du lịch, khu vui chơi giải trí. “Tôi nghĩ giáo dục lịch sử không gì hiệu quả bằng mắt thấy tai nghe. Cái gì cũng cần đốm lửa nhỏ, cần một vài trường tiên phong, hoặc chỉ đạo từ trên xuống để các trường tổ chức. Phụ huynh sẽ không tiếc tiền khi thấy chuyến tham quan có giá trị và mang lại lợi ích” - chị Thủy bày tỏ.

Anh Trần Quang Duy - Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Dịch vụ Lữ hành Chim Cánh Cụt, đơn vị tổ chức chuyến tham quan Theo dấu chân lịch sử Biệt động Sài Gòn - cho hay: từ năm 2022, khi Sở Du lịch TPHCM ra mắt chiến dịch “Mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch”, đơn vị đã xây dựng nhiều tour trải nghiệm văn hóa, lịch sử TPHCM. Chương trình sẽ được chỉnh sửa để phù hợp với từng độ tuổi, khối lớp.

“Chúng tôi cũng từng mang chương trình đến các trường học, nhưng gần 2 năm qua vẫn chưa tiếp cận được đơn vị nào. Có thể vì những hạn chế về chi phí hoặc vì trường đã hợp tác với các đơn vị cũ nên chúng tôi liên tục bị từ chối. Chúng tôi sẵn sàng dành mức giá ưu đãi nhất cho trường học. Ví dụ, một chương trình có giá 550.000 đồng/người lớn, có thể được giảm từ 30 - 40% cho học sinh, sinh viên. Thậm chí, nhà trường hoàn toàn có thể tự chủ tổ chức chuyến đi và nhờ đơn vị hỗ trợ về mặt hướng dẫn viên với chi phí rất thấp” - anh cho biết.

Trường nói khó tổ chức

Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Anh - Tổ trưởng bộ môn giáo dục địa phương Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1), thành viên Hội Khoa học lịch sử TPHCM - cho biết: việc đưa học sinh đi các địa điểm lịch sử, địa chỉ đỏ hoặc liên quan đến văn hóa TPHCM đã nhiều lần được trường phối hợp tổ chức. Tuy nhiên, hoạt động này chỉ áp dụng cho một số học sinh tiêu biểu, có thành tích học tập tốt, ban chỉ huy liên đội, ban chấp hành đoàn trường và trong những dịp lễ lớn. “Học sinh tất nhiên rất thích những trải nghiệm này. Nhưng còn khá nhiều khó khăn về thời gian, kinh phí để tổ chức. Cả tuần các em phải đi học, cuối tuần thì tham gia câu lạc bộ, hoạt động hướng nghiệp hoặc các hoạt động khác. Việc đi trong thành phố cũng bị nhiều người cho là nhàm chán” - thầy giải thích. 

Để hoạt động này phổ biến hơn, thầy Nguyễn Tuấn Anh mong các đơn vị du lịch phối hợp với nhà trường tạo ra các ưu đãi cho học sinh. Đồng thời, các thầy cô dạy những môn học liên quan đến lịch sử, địa lý cũng cần xây dựng nhiều hơn nữa các hoạt động ngoài nhà trường. Việc để học sinh tự đi, tự trải nghiệm không tốt bằng việc tham gia các chương trình do thầy cô tổ chức, hướng dẫn. 

Ông Dương Hữu Đức - Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng (quận Gò Vấp) - chia sẻ: trước đây, trường thường xuyên tổ chức cho học sinh đi tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Lịch sử TPHCM… Nhìn chung, công tác thuyết minh tại những nơi này rất hay, nhưng người thực hiện lại ít. Mỗi lần trường đi khoảng 800 học sinh thì phải chia thành nhiều ca nghe thuyết minh, cộng với việc thời gian mở cửa bảo tàng lại trễ nên khá cập rập.

“Ngoài vấn đề giáo dục chính trị, lịch sử… hoạt động này còn giúp gắn kết tập thể lớp, tình cảm bạn bè... Nhưng không phải địa phương nào cũng có những di tích lịch sử đủ lớn, đủ mới mẻ để thu hút học sinh. Học sinh không thích đi, đăng ký ít thì không chỉ phức tạp cho nhà trường mà công ty du lịch cũng không muốn làm”, ông nhận định và cho biết thêm, các trường thường chọn hình thức tham quan di tích lịch sử kết hợp với khu du lịch. Dù luôn gắn tính giáo dục vào nhưng vì yếu tố tâm lý, đa phần học sinh chỉ nhớ những hoạt động ở khu du lịch vì vui và sôi nổi hơn.

Ông Ngô Hùng Cường - Phó hiệu trưởng Trường THPT Trần Khai Nguyên (quận 5) - thừa nhận: “Hiện tại, thay vì đi đến một di tích cụ thể, giáo viên thường cho học sinh tìm hiểu về di tích gần nơi ở để các em chủ động thời gian, sở thích. Tuy nhiên, những hoạt động trải nghiệm theo tour cũng rất tốt. Nếu nhận được sự hỗ trợ từ các đơn vị du lịch thì nhà trường chắc chắn sẽ làm vì rất ý nghĩa”. 

Cần chuẩn bị chỉn chu

Việc đưa học sinh đến các bảo tàng, địa chỉ đỏ rất cần thiết cho công tác giáo dục, góp phần củng cố kiến thức đã được học ở nhà trường. Tuy nhiên, muốn làm hiệu quả thì phải có sự chuẩn bị chỉn chu. Trước khi quyết định địa điểm, người phụ trách phải đi tiền trạm để nắm được nơi đó có những nội dung gì phục vụ cho công tác giảng dạy. Nhà trường phải xây dựng chương trình rõ ràng, sinh hoạt trước với giáo viên và học sinh, trao đổi với bảo tàng để họ sắp xếp người hỗ trợ, hướng dẫn viên và khung chương trình phù hợp. 

Cuối cùng là cho các em làm bài thu hoạch nhẹ nhàng để lưu lại sâu sắc những gì đã biết. Một năm không đi hết nhiều nơi thì xây dựng kế hoạch nhiều năm, mỗi năm đi một khối lớp. Còn chuyện khó khăn về kinh phí, nhà trường cần chủ động phối hợp với phụ huynh để họ hiểu rằng việc đến những nơi này rất cần thiết và sẵn sàng ủng hộ. 

Ông Nguyễn Văn Ngai

Nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM

Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI