Hỗ trợ việc thu mua, giết mổ, trữ đông để giảm áp lực tiêu hủy

15/05/2019 - 07:48

PNO - Một số địa phương lơ là công tác phòng chống dịch, để xảy ra tình trạng xả xác heo bệnh ra kênh rạch và vườn nhà. Do đó, cần xử lý trách nhiệm người đứng đầu theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến thừa nhận, một số địa phương lơ là công tác phòng chống dịch, để xảy ra tình trạng xả xác heo bệnh ra kênh rạch và vườn nhà. Do đó, cần xử lý trách nhiệm người đứng đầu theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 

Ho tro viec thu mua,  giet mo, tru dong de giam ap luc tieu huy
Hình ảnh lợn thả trôi trên kênh tại Bắc Giang, khu vực giáp ranh Thái Nguyên

Phóng viên: Dịch tả heo châu Phi đang càn quét các trại heo trên cả nước. Tại nhiều địa phương, heo chết không còn chỗ chôn, người chăn nuôi khốn khó vì không được hỗ trợ tiêu hủy. Phải chăng, cơ quan quản lý đang bất lực và “bỏ rơi” nông dân?

Ông Phùng Đức Tiến: Hiện nay, số lượng heo tiêu hủy là hơn 1,2 triệu con, chỉ chiếm 4% tổng đàn heo cả nước. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải khẳng định, vừa qua, bên cạnh một số địa phương làm tốt thì cũng có một số địa phương còn lơ là. Nhiều nơi, kỹ thuật tiêu hủy không bảo đảm, heo bệnh được vận chuyển từ hộ chăn nuôi đến nơi tiêu hủy bằng các phương tiện thô sơ nhưng không có bạt/ni-lông để lót, che đậy, dẫn đến các chất thải, phân, các loại dịch tiết, thậm chí cả máu heo rơi vãi ra môi trường. Đặc biệt, có tình trạng không chi tiền cho người chống dịch, việc hỗ trợ tiền tiêu hủy heo cho bà con nông dân chưa kịp thời nên không khuyến khích được họ tham gia. Do đó, heo chết bị đổ ra sông, suối, vườn nhà, khiến dịch bệnh lây lan. 

Trước mức độ nguy hiểm và quá trình truyền lây phức tạp của vi-rút dịch tả heo châu Phi mà chúng ta xử lý như vậy thì rất khó khống chế dịch bệnh. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo từ rất sớm và quyết liệt rằng “chống dịch như chống giặc”, nhưng thực tế, một số địa phương chưa thực hiện nghiêm túc.

Ho tro viec thu mua,  giet mo, tru dong de giam ap luc tieu huy
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến 

Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu phải xử lý nghiêm người đứng đầu các địa phương nếu buông lỏng, để dịch lây lan. Để xảy ra tình trạng như ông vừa nói, rõ ràng không thể không có ai chịu trách nhiệm?

Cuối tuần qua, tôi đã trực tiếp cùng đoàn kiểm tra lên khu vực giáp ranh giữa Bắc Giang và Thái Nguyên để kiểm tra thông tin heo chết bị xả ra kênh. Tại đây, tôi cũng nêu lại tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng để hai địa phương rà soát xem heo được xả ra từ xã, huyện nào để xử lý trách nhiệm. Tới đây, chắc chắn sẽ truy cứu trách nhiệm của các địa phương chưa làm tốt. Nếu tình trạng này còn tiếp diễn, rất khó để khống chế dịch. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch tả heo châu Phi cũng tiếp tục thành lập các đoàn xuống các địa phương để kiểm tra, giám sát, đôn đốc, không để lơ là, chủ quan như thời gian vừa qua. 

Hiện nay, một số địa phương nói không có kinh phí để hỗ trợ người dân trong việc tiêu hủy heo. Như ở tỉnh Thái Bình, tổng số tiền để hỗ trợ phòng chống dịch ước tính 470 tỷ đồng nhưng ngân sách địa phương chỉ có hơn 100 tỷ đồng và chủ yếu để mua hóa chất sát trùng, phục vụ việc chôn lấp... 

Quả thực, đây là lần đầu tiên dịch tả heo châu Phi xuất hiện tại Việt Nam, chúng ta cũng không thể lường được mức độ nguy hiểm, nghiêm trọng nên có sự bị động trong việc dự phòng kinh phí địa phương. Trong các giải pháp đề xuất, kiến nghị, ban chỉ đạo đã đề nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính xem xét nguồn kinh phí, hướng dẫn địa phương cơ chế hỗ trợ để đảm bảo kịp thời phòng chống dịch bệnh. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, tại Hà Lan, năm 2017, khi chống lại dịch tả, ngay khi phát hiện, từ ngày thứ nhất, thứ hai, họ đã xử lý ngay; tiền này lấy từ quỹ được trích ra khi bán heo. Nên sắp tới, phần dự phòng, phần kinh phí, đơn giá, định mức đó sẽ được Chính phủ chỉ đạo để giải quyết sớm.

Sau khi tiến vào ”thủ phủ nuôi heo” Đồng Nai, dịch bệnh lại tiếp tục xuất hiện ở tỉnh đầu tiên của miền Tây Nam bộ là Hậu Giang. Với sự xuất hiện dày đặc như hiện nay, đã đến lúc chúng ta công bố dịch ở cấp độ cao hơn, thưa ông?

Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đều công khai tất cả điểm, số lượng heo nhiễm dịch. Có thể ở quy mô dịch xuất hiện tại một xã thì không phải công bố, nhưng chúng tôi vẫn thông tin hết để rộng đường cho người chăn nuôi. Sắp tới, Ban cán sự Đảng Bộ NN-PTNT sẽ trình đề xuất Ban Bí thư Trung ương Đảng ra chỉ thị huy động toàn xã hội, hệ thống chính trị vào cuộc phòng dập dịch. Đây là mức độ tương đối cao trong đối phó dịch. Dù vậy, nguy cơ xảy ra dịch còn rất cao với các tỉnh chưa có dịch nên chúng tôi cũng tính tới trường hợp trong tình trạng dịch bệnh gây thiệt hại lớn hơn, nguy hiểm hơn thì phải đề nghị ban bố tình trạng khẩn cấp để xử lý.

Một trong những giải pháp được Bộ NN-PTNT kiến nghị là hỗ trợ việc thu mua, giết mổ và trữ đông để giảm áp lực tiêu hủy và nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Ông có thể chia sẻ thêm về nội dung này và tính khả thi của nó?

Trước đây, Bộ NN-PTNT có hướng dẫn, khi địa phương nào phát hiện dịch tả heo châu Phi thì phải dừng ngay việc tiêu thụ thịt heo và các sản phẩm thịt heo ra bên ngoài. Nhưng bây giờ, doanh nghiệp sẵn sàng mua lại heo ở các khu vực trong vùng dịch nhưng chưa mắc bệnh; khi heo được test âm tính, sẽ vận chuyển về nhà máy, trước và sau khi giết mổ đều được test âm tính rồi mới đưa ra thị trường. Làm được như vậy vừa hạn chế được dịch bệnh, vừa có sản phẩm an toàn cung ứng cho thị trường. Nếu không kịp xử lý, heo bị lây bệnh, chúng ta có thể phải bỏ ra số tiền hỗ trợ tiêu hủy là 38.000 đồng/kg, nhưng với phương án này thì số tiền hỗ trợ cho doanh nghiệp ít hơn rất nhiều.

Hiện đã có doanh nghiệp nào hưởng ứng kế hoạch này hay chưa và số tiền hỗ trợ cụ thể ra sao, thưa ông? Đặc biệt, việc triển khai như vậy cũng hàm chứa rủi ro, như sản phẩm chưa chắc an toàn và có nguy cơ lây lan dịch bệnh?

Tới nay, qua trao đổi, hai đơn vị GreenFeed và Massan rất hưởng ứng. Tuy nhiên, kế hoạch tổng thể sẽ do Bộ Công thương chủ trì. Số tiền hỗ trợ cho các doanh nghiệp cũng do Bộ Công thương lên phương án, nhưng theo tinh thần mà chúng tôi đưa ra thì có thể ở mức 10.000 đồng/kg. Liên quan tới vấn đề an toàn thực phẩm, nguy cơ lây lan dịch bệnh, như tôi đã nói, các doanh nghiệp sẽ phải test trước và sau khi giết mổ, cấp đông. Tất nhiên, chúng ta sẽ phải giám sát chặt chẽ, phải có nhân viên thú y ở đây để đảm bảo các khâu được thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình, kỹ thuật… 

Huyền Anh (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI