Hiểu nhầm giáo dục toàn diện, thầy và trò cùng đuối

22/06/2016 - 13:33

PNO - Sự nhận thức phiến diện về khái niệm giáo dục toàn diện đã dẫn đến sự quá tải với cả thầy và trò. Đó cũng là căn nguyên của rất nhiều hệ lụy như dạy thêm, học thêm tràn lan…

Hieu nham giao duc toan dien, thay va tro cung duoi
Cả người học lẫn người dạy đều ở tư thế học để đối phó thi cử

Khi Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học quốc gia "Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở trường phổ thông trong bối cảnh đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục" vào ngày 21/6, nhiều nhà nghiên cứu giáo dục, nhà quản lý giáo dục đã bày tỏ trăn trở về chất lượng giáo dục trong nhà trường phổ thông. Sự nhận thức phiến diện về khái niệm giáo dục toàn diện đã dẫn đến sự quá tải với cả thầy và trò. Đó cũng là căn nguyên của rất nhiều hệ lụy như dạy thêm, học thêm tràn lan…

Lo đối phó

Nhiều đại biểu chỉ ra một bộ phận cán bộ quản lý và giáo viên (GV) quan niệm giáo dục toàn diện là phải dạy học sinh (HS) tất cả các lĩnh vực, nhồi thật nhiều kiến thức của môn học khiến quá trình tổ chức dạy và học của nhà trường và GV trở nên nặng nề, quá tải.

PGS-TS Ngô Minh Oanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM chỉ rõ thực trạng giáo dục ở trường phổ thông tập trung vào các môn học trên lớp, chưa chú ý đúng mức các hoạt động giáo dục mang tính trải nghiệm, rèn luyện đạo đức và kỹ năng. Sách giáo khoa (SGK) chỉ chú trọng cung cấp thông tin, các môn học lệch về truyền đạt kiến thức lý thuyết, hàn lâm mà ít chú ý đến gắn việc học của HS với việc giải quyết những vấn đề thực tế. Tiêu chí kiểm tra, đánh giá cũng phiến diện, chỉ đánh giá kiến thức mà ít chú trọng phẩm chất, năng lực. Đối với GV, phần lớn chỉ chú trọng đến dạy chữ, quan tâm điểm số mà không chú trọng giáo dục các phẩm chất đạo đức, phẩm chất công dân. Giảng dạy của GV còn nặng lý thuyết, ít thực hành. Dạy học nhưng lo đối phó với thi cử.

Hầu hết đại biểu đồng tình rằ ng chính cách đánh giá HS hiện nay chủ yếu dựa vào điểm số nên người học phải học thêm để đạt được những con số khô cứng. Cả người học lẫn người dạy đều ở tư thế học để đối phó với thi cử, điểm số.

Ông Ngô Xuân Đông, Trưởng phòng GD-ĐT Q.7, TP.HCM nhấn mạnh: “Đổi mới trong giáo dục đạo đức là dạy HS trước hết biết cách ứng xử với bản thân, mọi người xung quanh và với môi trường thiên nhiên. Nhưng nếu dạy theo kiểu lý thuyết như hiện nay thì không ăn thua, vì các em có thể học thuộc lòng, trả bài rồi… quên luôn. Việc dạy học hiện nay chỉ truyền thụ kiến thức mà không dạy để các em biết phương pháp tự học, tự nghiên cứu sau này. Kiến thức thì có đầy trên mạng, các em tra trên điện thoại là có ngay, cái các em cần là phương pháp. Sự phát triển năng lực cá nhân người học bị quên lãng trong nhà trường cũng phải thôi, mỗi lớp 50 HS, lo dạy đại trà chưa xong, đành phải bắt các em ngồi học như nhau, chứ để tự do sao quản hết. Việc học môn tự chọn hiện nay cũng dừng lại ở hình thức, không giúp các em được học theo sở thích, phát triển năng khiếu cá nhân”.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng: “Giáo dục toàn diện cần thực hiện đồng bộ ngay từ cấp tiểu học, nếu các em không được đặt nền tảng phát triển thể chất, năng lực ngay từ đây thì rất khó phát triển toàn diện. Nhưng thực tế thì sao? Một lớp học có đến 50-60 HS, chỉ có một GV phụ trách, GV thể dục thì nơi có nơi không, trang thiết bị cho các hoạt động rèn luyện thể lự c còn hạn chế. Số HS tiểu học bị thừa cân, béo phì, bệnh về mắt rất lớn. Chương trình của bậc THCS, THPT nặng về cung cấp kiến thức. Hiện nay HS phổ thông phải học 13 môn, mỗi tuần kham 30 tiết, lịch chất kín hết sá u ngày/tuần…”.

"Quên"... dạy người

Học rất nhiều song người học lại phát triển lệch, mạnh về kiến thức hàn lâm, cái gì cũng biết nhưng lại trống rỗng về kỹ năng, kiến thức xã hội và sở trường cá nhân. Các chuyên gia giáo dục chỉ ra rằng, để thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện ở trường phổ thông, cần phải tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức và hành động với những giải pháp đồng bộ. Sự thay đổi căn bản nhất là chuyển từ coi trọng truyền thụ nội dung tri thức sang giáo dục phẩm chất, đạo đức, nhân cách người công dân. Chương trình giáo dục phổ thông hiện nay chỉ chú trọng truyền thụ kiến thức một chiều, “dạy chữ” mà quên “dạy người” là khiếm khuyết lớn.

Ở góc độ GV trực tiếp đứng lớp, ông Nguyễn Thanh Minh - GV môn giáo dục công dân trường Trung học thực hành ĐH Sư phạm, trăn trở: “Đổi mới là quy luật để tồn tại và phát triển nhưng điều quan trọng là đổi mới cái gì, đổi mới như thế nào? Có cảm giác những năm vừa qua đổi mới quá ồ ạt, quá nóng vội. Tôi có cảm giác giống như thời gian qua Bộ GD- ĐT ngủ quên và choàng tỉnh dậy đổi mới cho kịp với xu thế của thế giới. Chính vì thế, việc đổi mới có những cái rất mới, phù hợp nhưng cũng có nhữ ng cái bất cập, là những điều mà GV bức xúc. Mục tiêu đào tạo lâu nay Bộ vẫn nói rất chung chung, cần cụ thể hơn nữa ở các cấp học cũng như từng bước thực hiện nhiệm vụ giáo dục đào tạo. Phải đà o tạo nên những con người có năng lực chung nhưng cũng phải phát triển năng lực của cá nhân, HS phải hiểu được mục tiêu, lý tưởng sống của xã hội cũng như của bản thân. Quan trọng hơn khi hòa nhập vào xã hội phải dựa trên năng lực của cá nhân”.

Ông Minh đề xuất, cần bồi dưỡng cho HS hai kỹ năng chủ yếu, là giao tiếp ứng xử khi xã hội hòa nhập phát triển, và phát huy tư duy, năng lực phản biện. Theo ông Minh, tác động đến đổi mới giáo dục toàn diện, là môn sử và giáo dục công dân. Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… khi xét hồ sơ tuyển du học họ vẫn chú trọng vào hai cột điểm lịch sử và giáo dục công dân. Trong khi đó, ở ta, còn coi nhẹ hai môn này .

Vấn đề nhiều đại biểu đặt ra là vì sao trường quốc tế cho HS học rất nhẹ nhàng, dạy ít, thu tiền nhiều nhưng vẫn thu hút phụ huynh, HS? Sự khác nhau ở chỗ, đến với họ, người học nhận được không chỉ kiến thức mà còn có các kỹ năng toàn diện. Nói như ThS Hồ Sỹ Anh, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, giáo dục toàn diện con người hiện nay đã thay đổi, không chỉ bốn yếu tố đức, trí, thể, mỹ, mà cần giáo dục về tình cảm, xã hội và nghề nghiệp, hay nói cách khác là dạy làm người, dạy chữ và dạy nghề. Quan điểm toàn diện này phải được thay đổi đồng bộ cả về triết lý căn bản, nội dung chương trình SGK, phương pháp giảng dạy và cách kiểm tra, đánh giá. Tất cả đều phải thay đổi.

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI