Hấp dẫn cuộc đua nghiên cứu vắc xin ung thư

12/03/2023 - 06:33

PNO - Có thể nói công nghệ mRNA đã cách mạng hóa việc phát triển vắc xin trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Giờ đây, cuộc đua nghiên cứu vắc xin phòng chống ung thư giữa các hãng dược phẩm cũng đang diễn ra một cách gay cấn, đem lại nhiều hy vọng cho bệnh nhân ung thư.

Cá nhân hóa vắc xin 

Thành công của vắc xin mRNA chống lại vi rút SARS-CoV-2 đã làm dấy lên hy vọng công nghệ này có thể dẫn dắt việc sản xuất loại vắc xin mới, tốt hơn nhằm giúp con người ngăn ngừa căn bệnh đáng sợ và lâu đời hơn: ung thư.

Thuốc điều trị ung thư cá nhân hóa đang mang lại hy vọng cho những bệnh nhân ung thư - Ảnh: Shutterstock
Thuốc điều trị ung thư cá nhân hóa đang mang lại hy vọng cho những bệnh nhân ung thư - Ảnh: Shutterstock

Tuy nhiên, có một điểm khác biệt quan trọng: vắc xin ung thư đang được định hướng là phương pháp điều trị hơn là biện pháp phòng ngừa. “Cách của chúng tôi là xây dựng một đội quân miễn dịch đủ lớn để chinh phục các tế bào khối u. Nghĩa là chúng ta phải có khả năng tạo ra các phản ứng miễn dịch rất mạnh” - Özlem Türeci - đồng sáng lập hãng dược BioNTech (Đức) - nói.

Các công ty công nghệ sinh học hàng đầu thế giới đang tiếp cận vấn đề theo 2 hướng chính. Một, nhắm mục tiêu vào các kháng nguyên được chia sẻ giữa các bệnh nhân, gọi là vắc xin “sẵn có”. Hướng thứ hai là theo đuổi mục tiêu vắc xin được thiết kế dành riêng. Cách tiếp cận này được gọi là cá nhân hóa điều trị. Bằng cách lấy một mẫu tế bào ung thư và mô khỏe mạnh của bệnh nhân, các nhà nghiên cứu so sánh trình tự DNA và RNA giữa các mẫu này để xác định những đột biến mà họ có thể chọn làm mục tiêu để vắc xin “tấn công”.

Hiện BioNTech đang thử nghiệm lâm sàng đến 8 loại vắc xin ung thư khác nhau. Công ty đã nghiên cứu giai đoạn 2 với các mẫu DNA của khối u trôi nổi trong máu trên khoảng 200 bệnh nhân ung thư ruột ngẫu nhiên đã phẫu trị cắt bỏ khối u, nhưng vẫn còn tế bào ung thư. Họ đang chờ xem vắc xin có cải thiện khả năng sống trong tình trạng không còn mầm bệnh hay không chứ không phải chỉ “chăm sóc giảm nhẹ” như trước.

Tương tự, Công ty Công nghệ sinh học Moderna (Mỹ) cũng đã thử nghiệm giai đoạn 1 và 2 chiến lược vắc xin ung thư có tên gọi mRNA-4157. Vắc xin này cung cấp mã hóa mRNA cho tối đa 34 kháng nguyên khối u và được thử nghiệm kết hợp với thuốc Keytruda (một kháng thể PD-1 của hãng Merck) giúp tăng cường phản ứng miễn dịch chống ung thư. Tháng 11/2020, Moderna đã công bố những kết quả ban đầu trên 10 bệnh nhân ung thư vùng đầu cổ, 17 bệnh nhân ung thư ruột. Không ai trong số các bệnh nhân ung thư ruột đáp ứng điều trị, nhưng một nửa bệnh nhân ung thư đầu cổ đáp ứng, có 2 người không còn phát hiện tế bào ung thư.

Theo Türeci, mỗi chiến lược đều có ưu, nhược điểm. Các loại vắc xin theo hướng “sẵn có” được sử dụng cho nhiều người bệnh nên sẽ rẻ và nhanh hơn. Còn phương pháp riêng biệt cho phép các nhà khoa học nhắm mục tiêu vào nhiều loại kháng nguyên ung thư hơn. Phương pháp này giúp hệ miễn dịch tấn công trên nhiều “mặt trận”, làm giảm khả năng tế bào ung thư biến đổi khiến vắc xin trở nên vô dụng. Điều đó làm cho các loại vắc xin cá nhân hóa phù hợp hơn với các loại ung thư đột biến nhanh.
Khi nào vắc xin ung thư hiện diện? 

Cuộc đua đang diễn ra ngày càng gay cấn giữa các tập đoàn lớn. Moderna và Merck đã công bố dữ liệu về vắc xin kháng nguyên vào cuối năm 2022. Kết quả giai đoạn 2 cho thấy, sau 9 tháng kết hợp thuốc Keytruda với liều vắc xin ung thư cá nhân hóa mRNA-4157/V940, các bệnh nhân mắc ung thư hắc tố đã giảm 44% nguy cơ tái phát hoặc tử vong so với nhóm chỉ dùng Keytruda.

Tháng 2/2023, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cấp chỉ định liệu pháp đột phá cho vắc xin ung thư da của Moderna và Merck. Điều này cho phép phát triển nhanh các loại thuốc nhằm điều trị tình trạng nghiêm trọng. Họ cũng đã có vắc xin mới ngăn ngừa vi rút HPV gây ung thư cổ tử cung và các loại u nhú ở người, vắc xin chống vi rút viêm gan B có thể gây ung thư gan.

Đầu năm 2023, BioNTech đã ký kết với Chính phủ Anh để đẩy nhanh việc tuyển dụng ứng viên cho các thử nghiệm liệu pháp miễn dịch mRNA đối với nhiều loại ung thư. Dự kiến công ty sẽ công bố kết quả thử nghiệm khối u ác tính giai đoạn 2 trên 131 bệnh nhân sử dụng liệu pháp miễn dịch và kết hợp vắc xin mRNA vào cuối năm 2023. Kế hoạch đến năm 2030, những vắc xin mRNA này sẽ được cung cấp lâm sàng cho khoảng 10.000 bệnh nhân ung thư.

Công ty CureVac cũng đang phát triển vắc xin mRNA nhắm vào một loạt bệnh ung thư như buồng trứng, đại trực tràng, vùng đầu cổ, phổi và tuyến tụy. CureVac đã thỏa thuận với Tesla (nhà sản xuất ô tô điện) để phát triển các “máy in sinh học” mRNA nhỏ, di động, tự động hóa. Chúng có thể được vận chuyển đến các địa điểm xa xôi để có thể tạo ra các ứng cử viên vắc xin dựa trên mẫu DNA công thức được đưa vào máy. Rất nhiều loại vắc xin như thế đang ở giai đoạn phát triển tiền lâm sàng đến giai đoạn 1, kiểm tra tác dụng chính và phụ trong phòng thí nghiệm, trên động vật hoặc nhóm nhỏ bệnh nhân ung thư.

Tại Úc, BioNTech đang hợp tác với chính phủ thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển lâm sàng mRNA châu Á - Thái Bình Dương ở Melbourne. Điều này cho phép phát triển vắc xin mRNA trong nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng, bao gồm cả phương pháp điều trị ung thư được cá nhân hóa.

Trong khi đó, Moderna sẽ phát triển cơ sở sản xuất vắc xin mRNA quy mô lớn đầu tiên của Úc vào năm 2024. Ngoài ung thư, đang có thêm những nghiên cứu đang thử nghiệm vắc xin mRNA cho các bệnh khác nhau như chủng các COVID-19 đang tiến hóa, cúm mùa, sốt rét, HIV, xơ nang và thậm chí cả các chứng dị ứng… Điều đó mang lại hy vọng mới cho nhiều bệnh nhân mắc các bệnh nan y. 

Nam Anh (theo STATnews, Endpoints, Time)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI