Hành vi mạo hiểm trở nên nguy hiểm cho cộng đồng

05/11/2022 - 08:45

PNO - Những hành động mạo hiểm có thể đem đến sự hứng khởi và thích thú cho người thực hiện. Tuy nhiên, trong cuộc sống, đặc biệt là giữa nơi đông người, những hành động mạo hiểm có thể dẫn đến hậu quả khó lường cho cộng đồng.

Rủi ro từ hành vi mạo hiểm

Hành vi mạo hiểm của thế hệ trẻ có thể dẫn đến những hậu quả khó lường cho bản thân và những người xung quanh - ẢNH: GETTY IMAGES
Hành vi mạo hiểm của thế hệ trẻ có thể dẫn đến những hậu quả khó lường cho bản thân và những người xung quanh - Ảnh: Getty Images

Trên mạng xã hội, một đoạn video đã ghi lại khoảnh khắc cây cầu treo ở bang Gujarat, Ấn Độ bị đứt, khiến rất nhiều người rơi xuống sông, hơn 140 người đã thiệt mạng, trong đó hầu hết là phụ nữ, trẻ em và người già. Đáng chú ý, đoạn phim cho thấy một thanh niên trẻ tuổi nắm lấy lưới bảo hộ ở hai bên lối đi và lắc mạnh từ bên này sang bên kia ngay trước khi cây cầu sụp đổ. Một thanh niên khác cố sức đạp thật mạnh vào dây văng cầu. Hình ảnh này chứng thực lời kể của những người chứng kiến cho rằng có ai đó đã cố tình làm rung lắc cây cầu. 

Một ngày trước khi vụ việc ở Ấn Độ xảy ra, hơn 150 người - chủ yếu là thanh thiếu niên - đã thiệt mạng trong sự cố giữa lễ hội Halloween ở khu Itaewon thuộc thủ đô Seoul, Hàn Quốc.

Nữ sinh trung học Eunseo Kim -  một trong những người sống sót - kể: “Nhiều thanh niên hô “đẩy, đẩy” trong khi các phụ nữ liên tục nói “Xin đừng đẩy”. Khi mất thăng bằng và ngã xuống đất giữa đám đông tại con hẻm hẹp, Kim cảm thấy mình như trở nên vô hình. Mọi người giẫm lên mắt cá chân, cổ tay và bắp chân của Kim, khiến cô gái trẻ hoảng sợ rằng mình sẽ chết.

Dù vậy, Kim là một trong những người may mắn khi có thể đứng dậy nhờ sự giúp đỡ của một người đàn ông và thoát khỏi con hẻm thông qua cửa sau của một câu lạc bộ ven đường. 

Trong cả hai vụ việc, rõ ràng những hành vi mạo hiểm (rung lắc cầu, xô đẩy người khác) là một trong những nguyên nhân dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, hầu hết mọi người - đặc biệt là giới trẻ - không ý thức rằng hành động của họ có thể gây rủi ro như thế nào cho bản thân và những người khác. 

Hành vi mạo hiểm có thể tạo ra sự hưng phấn nhưng cũng có thể gây căng thẳng. Thanh thiếu niên thường có hành vi mạo hiểm, đặc biệt là nam giới, vì lúc này bộ não vẫn đang phát triển cho đến tuổi 25 hoặc hơn. Việc chấp nhận rủi ro có thể tiếp tục kéo dài đến năm 30 tuổi, một số người thực hiện hành vi mạo hiểm trong suốt cuộc đời. Sự mạo hiểm của thanh thiếu niên thường bao gồm những trò đùa và thử thách, bao gồm từ chọc ghẹo chó dữ, phun sơn lên tường đến trốn học, chạy xe đánh võng hoặc uống rượu... 

Tính cách và tác động từ mạng xã hội

Các dấu hiệu ban đầu của một thanh niên ưa mạo hiểm có khuynh hướng ngỗ nghịch thường xuất hiện khi họ 6-7 tuổi, thể hiện qua hành vi bắt nạt bạn bè, tàn nhẫn với động vật hoặc ăn cắp vặt.

Mặt khác, một số người dường như đã sinh ra với bản năng ưa mạo hiểm. Khi còn nhỏ, họ là những người dám đạp xe xuống con dốc hay bơi ra giữa dòng nước. Dù vậy, nếu được định hướng đúng, những đứa trẻ này có thể lớn lên trở thành nhà thám hiểm, người leo núi, lính cứu hỏa…

Ngược lại, khi không được hướng dẫn con đường thích hợp, một số cá nhân có thể biểu hiện hành vi bất cẩn trong môi trường có rủi ro cao, chẳng hạn như bỏ qua các quy tắc an toàn trong công việc. Tính bốc đồng cũng có thể được thể hiện trong hành vi liều lĩnh đối với những người xung quanh, dễ dàng gây ra tai nạn và thiệt hại tại nơi làm việc.
Sự mạo hiểm ngày nay dường như càng được thúc đẩy bởi thời đại mạng xã hội.

Mới đây, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã đưa ra cảnh báo về những trào lưu mạo hiểm có thể trở nên nguy hiểm đối với trẻ em và thanh thiếu niên. Nhu cầu khẳng định trên phương tiện truyền thông xã hội tăng cao bởi áp lực từ bạn bè có thể dẫn đến những hậu quả nguy hiểm, chẳng hạn như nuốt viên nước giặt xả hoặc tham gia “thử thách nghẹt thở” - khuyến khích người dùng tự làm bản thân ngạt thở cho đến khi ngất do thiếu ô-xy. Đó là thử thách liên quan đến hơn 80 cái chết ở Mỹ khi nó nổi lên lần đầu vào năm 2008.

Gần đây, TikTok đã bị kiện vì cái chết oan trái sau khi ba cô gái, đến từ Texas, Philadelphia và Milwaukee, khi cố gắng thực hiện lại thử thách nghẹt thở. 

Titania Jordan - Giám đốc của Bark Technologies - một ứng dụng cung cấp cho phụ huynh quyền kiểm soát các hoạt động internet của con cái - chia sẻ: “Cha mẹ đừng bao giờ nghĩ rằng con mình sẽ không bao giờ mắc sai lầm do một lựa chọn tồi. Phương tiện truyền thông xã hội góp phần cổ súy những hành vi thái quá và mạo hiểm. Môi trường đó ảnh hưởng đến khả năng suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi hành động của thanh thiếu niên và các hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra”. 

Linh La (theo Medical Xpress, Better Help, Yahoo, News Nation)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI