Hàng loạt trường quốc tế bị phụ huynh phản đối học phí: Tiếc thay!

08/05/2020 - 08:19

PNO - Nếu các nhà quản lý vẫn tiếp tục khoanh tay đứng nhìn, sự việc tiếp theo sẽ là gì, không thể lường trước được.

Những cuộc kéo đến trường đòi đối thoại về học phí của phụ huynh trường quốc tế tại TP.HCM đang lan rộng và có xu hướng dắt dây theo hiệu ứng domino. Và nếu các nhà quản lý vẫn tiếp tục khoanh tay đứng nhìn, sự việc tiếp theo sẽ là gì, không thể lường trước được.

Cuộc phản đối đầu tiên là ở Trường THCS-THPT Sao Việt (VSTAR School), ngày 28/4. Nhiều phụ huynh đã kéo đến trường đòi đối thoại với quản lý nhà trường sau nhiều lần gửi đơn kiến nghị mà không thấy hồi đáp.

Hàng trăm phụ huynh kéo đến trường từ sáng sớm để mong được đối thoại với nhà trường
Hàng trăm phụ huynh Trường dân lập quốc tế Việt Úc kéo đến trường từ sáng sớm để mong được đối thoại với quản lý nhà trường

Một tuần sau, hàng trăm phụ huynh của hệ thống Trường dân lập Quốc tế Việt Úc cũng tập trung tại trường để đòi gặp lãnh đạo trao đổi vấn đề học phí, phí trong thời gian trường tạm đóng cửa, học sinh ở nhà tránh dịch COVID-19. Phụ huynh đã đợi ở trường từ sáng đến chiều.

Rồi đến phụ huynh Trường Quốc tế Úc, Trường song ngữ Quốc tế EMASI cũng kéo đến trường. Nghe đâu, phụ huynh Trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan cũng đang phản đối chính sách học phí khi học sinh nghỉ dịch... 

Nhưng hầu hết những cuộc kéo đến trường phản ứng đều kết thúc theo kiểu: chưa gặp được người cần gặp, vấn đề chưa thông suốt giữa hai bên vẫn không được giải quyết.

Lắng nghe tâm tư của phụ huynh giữa bức xúc cao trào mới hiểu, điều khiến họ “vỡ bờ” không phải là tranh chấp học phí; cốt lõi nằm ở cách hành xử của trường, thái độ của nhà giáo dục đối với phụ huynh học sinh. “Họ chẳng thèm trả lời thư kiến nghị của phụ huynh mà thay vào đó là những thông báo mới”, “chúng tôi muốn đối thoại nhưng đại diện nhà trường thì không”...

Từ đây, là hình ảnh đôi co căng thẳng giữa phụ huynh và lực lượng nhân viên nhà trường, là hình ảnh phụ huynh đứng trước cổng trường của con giăng băng-rôn phản đối... Phải mà những nhà quản lý trường học chịu đứng ra trao đổi, thì chắc sẽ không có những hình ảnh xấu xí như những ngày qua. Tiếc thay!

Nhưng để những cuộc phản đối leo thang không thể không nói đến sự im lặng quá lâu của cơ quan quản lý. Trong thời gian đó, câu trả lời của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM trên báo chí thường là chưa nhận được phản ánh của phụ huynh hoặc học phí trường ngoài công lập là sự thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh; các khoản thu ở trường tư thục được quy định tại Luật Doanh nghiệp và Nghị định 86 về cơ chế thu, quản lý học phí, sở chỉ quản lý chuyên môn, không can thiệp được học phí...

Những lý lẽ của nhà quản lý luôn đúng nhưng quá vô cảm. Phụ huynh học sinh cần sự vào cuộc không có nghĩa là bắt sở phải “đòi tiền” giùm hay bắt trường phải trả tiền cho phụ huynh. Nhưng ít ra, không để phụ huynh bơ vơ như nhiều ngày qua. 

Dù rằng luật như thế nhưng các nhà giáo dục cũng không thể vin vào việc sở không thể can thiệp vào học phí trường mình mà muốn làm gì thì làm. Bởi, sự thỏa thuận mức học phí ban đầu là nhà trường cung cấp cho người học loại hình giáo dục trực tiếp. Khi dịch bệnh đột ngột xảy ra, đã có trường nào thỏa thuận với phụ huynh chuyển sang loại hình giáo dục trực tuyến với mức học phí như cũ chưa? Phụ huynh đã đồng thuận với thỏa thuận mới hay chưa?  

Đây là quan hệ dân sự giữa nhà trường và phụ huynh, nếu không thống nhất thì có thể kiện ra tòa. Nhưng phải kéo nhau ra tòa, đánh mất niềm tin, mất luôn mối quan hệ lẽ ra phải tốt đẹp hay cuộc tháo chạy hàng loạt khỏi trường quốc tế - đó là kết quả mà nhà trường phải chọn cách hành xử đúng đắn cho mình. 

Tiêu Hà

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Nhiều Chuyện 08-05-2020 11:34:15

    Bài hay. Bao quát hết toàn bộ vấn đề. 3 chủ thể đều có cái lý của họ. Nhưng ở đây không phải là đúng hay sai. Ở đây là sự tôn trọng, công bằng và minh bạch. Sở nói sở không có quyền can thiệp đó là sự vô cảm, đó là sự bất công khi người dân cần sự điều phối của nhà nước thì nhà nước khoanh tay. Trường thì im lặng, ban hành các chính sách 1 cách đơn phương, đó là sự thiếu tôn trọng, không công bằng và không minh bạch. Phụ huynh, người trả tiền để mua điều tốt đẹp, nhưng lại nhận được sự bực mình. Liệu họ có ngồi yên?

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI